Xoa dịu nỗi đau da cam
Lịch sử không bao giờ quên ngày 10-8-1961, ngày đầu tiên quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học trên chiến trường miền Nam Việt Nam, bắt đầu cho cuộc chiến tranh hóa học có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất trong lịch sử nhân loại (1961-1971). 63 năm qua, nỗi đau mang tên chất độc da cam/dioxin đã len lỏi vào hàng trăm, hàng ngàn ngôi nhà của các thương bệnh binh, cựu chiến binh...
Nỗi đau của mẹ
Bà Tâm ngồi trên chiếc ghế cũ, cạnh bàn thờ vong (bàn thờ cho người mới mất - PV), vân vê tấm ảnh hiếm hoi chụp con gái lúc còn sống. Đã mấy tháng từ ngày đứa con thứ 3 của bà ra đi vì căn bệnh do chất độc da cam, trái tim người mẹ chưa một ngày nguôi ngoai.
Mấy chục năm nay, căn nhà cấp bốn của gia đình ông Nguyễn Đình Thi (sinh năm 1954) và bà Bùi Thị Tâm (sinh năm 1954), tại tổ dân phố 3, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh quen thuộc với tiếng la hét của con ông bà. Năm 1980, bà Tâm kết hôn với ông Thi khi ông trở về từ chiến trường miền Nam. Hậu quả chiến tranh khốc liệt, 4/5 người con của ông bà không lành lặn, đến nay 3 người đã ra đi.
“Trước khi mất, con nhìn tôi gật đầu, vì bình thường tôi hay hỏi “con có thương mẹ không?” thì con gật. Hàng ngày, con đều ngồi trên ghế cũ ở gian nhà ngoài đợi cha mẹ đi làm về”, bà Tâm nhìn vào chiếc ghế cũ, nước mắt cứ rơi.
Nói đoạn, bà xuống bếp, mang đồ ăn sáng cho người con gái tên Lợi đang la hét trong phòng. Chị Lợi sinh năm 1990, là người con thứ 4 trong gia đình. Tay chân co quắp phải ngồi xe lăn, nhưng chị rất hay cười.
Ngồi nắn bóp chân tay cho con gái, bà Tâm kể, do hoàn cảnh khó khăn, bà làm đủ nghề để kiếm tiền nuôi các con. “Để mấy đứa con tật nguyền ở nhà trông nhau tôi xót lắm, nhưng phải xoay sở mới có gạo nuôi con. Ngày sinh, nhìn thấy con dị dạng tôi đau một, ngày mất con tôi đau mười”, bà Tâm khóc nghẹn.
Niềm an ủi lớn nhất của vợ chồng bà Tâm là đứa con trai thứ 2 tên Phúc được sinh ra lành lặn; bên cạnh đó là sự quan tâm, giúp đỡ, thăm hỏi thường xuyên của địa phương dành cho gia đình. Bà Tâm khoe về đứa cháu nội vừa mới nhận nuôi (anh Phúc lập gia đình 12 năm nhưng chưa có con), vui mừng kể rằng đã hỏi được nơi để gửi gắm chị Lợi khi ông bà già yếu…
Đến nhà bà Ngô Thị Thuần (sinh năm 1950) tại tổ dân phố Hồng Hà 1, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, chúng tôi càng thấm thía nỗi đau của người mẹ khi mất đi những đứa con do hậu quả tàn khốc của chiến tranh.
Năm 1968, bà Thuần tham gia dân công hỏa tuyến ở chiến trường Quảng Trị. Năm 1971, bà kết hôn với ông Phạm Tiến Hồng (sinh năm 1948) đang là bộ đội ở chiến trường miền Nam. Sau khi kết hôn, ông Hồng tiếp tục ra chiến trường, còn bà ở nhà dạy học, nuôi con.
3 người con đầu của ông bà không may nhiễm chất độc da cam, người con thứ hai và thứ ba lần lượt mất năm 7 tuổi và 16 tuổi. Hiện nay, ông bà đang chăm sóc người con gái lớn sinh năm 1973. Hơn 50 năm nay, mọi sinh hoạt của con gái đều được vợ chồng bà chăm sóc, lo liệu chu đáo.
Sau 3 người con đầu, ông bà lần lượt sinh thêm 5 người con may mắn lành lặn, khỏe mạnh. Căn nhà ông bà đang sống cũng khang trang hơn vì các con đã đi làm, có điều kiện sửa sang nhà cửa.
Điểm tựa yêu thương
Chúng tôi tìm đến gia đình chị Trần Thị Hòa (sinh năm 1975), ngụ tổ dân phố Phúc Xuân, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc. Chị Hòa bị khiếm thị bẩm sinh, là nạn nhân gián tiếp nhiễm chất độc da cam di truyền từ cha mình (ông đi dân công hỏa tuyến năm 1972 ở chiến trường Quảng Trị).
Hiện nay, chị Hòa là Chủ tịch Hội Người mù huyện Can Lộc, sống cùng chồng và 3 người con khỏe mạnh, học giỏi, ngoan ngoãn. Ngoài tham gia công tác hội, chị còn là gương điển hình phụ nữ sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương. Để có cuộc sống như ngày hôm nay, bản thân chị đã phải nỗ lực rất nhiều. Chị kể: “Năm 2006, tôi lấy chồng, khi đó chồng tôi đang bị tai nạn mất sức lao động, trí não cũng không được minh mẫn. Cuộc sống vất vả chạy vạy từng đồng, tôi vừa làm công tác hội, vừa chăn nuôi gà, lợn, trồng rau... chăm lo kinh tế gia đình”.
Suốt cuộc nói chuyện, chị Hòa luôn nở nụ cười. Chị chia sẻ, bản thân may mắn nhận được tình yêu thương từ gia đình nội ngoại; sự quan tâm của các cấp, ngành địa phương để vừa chăm lo cho gia đình, vừa yên tâm công tác. Vừa rồi, con gái lớn của chị có điểm thi tốt nghiệp THPT các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý đều trên 9 điểm, đang gần đến với ước mơ trở thành giáo viên.
Theo ông Hồ Thanh Tuấn, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và nạn nhân chất độc da cam huyện Can Lộc, trên địa bàn huyện có 355 nạn nhân nhiễm chất độc da cam. Qua 20 năm từ khi thành lập, hội đã vận động xây mới 15 căn nhà, hỗ trợ sửa chữa 27 căn nhà; tư vấn, khám sức khỏe cho gần 1.000 lượt, tổ chức tặng quà 2.000 lượt nạn nhân chất độc da cam.
Mong cộng đồng chung tay nâng đỡ nạn nhân chất độc da cam
Đại tá Nguyễn Minh Nguyên, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: tỉnh Hà Tĩnh có 19.271 người bị phơi nhiễm chất độc hóa học. 6 tháng đầu năm 2024, hội đã huy động hơn 3,5 tỷ đồng để chăm sóc, hỗ trợ hội viên. Từ nguồn lực này, hội đã xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, trao học bổng, tặng quà, tổ chức khám chữa bệnh, hỗ trợ mô hình sinh kế… cho hàng ngàn nạn nhân chất độc da cam. Đại tá Nguyễn Minh Nguyên kiến nghị Bộ LĐTB-XH hỗ trợ để các nạn nhân chất độc da cam bị mất hết giấy tờ được giám định thương tật, sức khỏe; sớm được hưởng chế độ chính sách ưu đãi người có công.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/xoa-diu-noi-dau-da-cam-post753402.html