XÓA 'KHOẢNG TRỐNG' TRONG XÂY DỰNG THỂ CHẾ

Công tác xây dựng thể chế luôn được xác định có vai trò đặc biệt quan trọng, trong đó có việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, góp phần kịp thời điều chỉnh những vấn đề đặt ra từ thực tiễn.

Chính phủ và các bộ, ngành đều khẳng định quyết tâm không để "nợ đọng" văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ 2016-2021, tránh để tạo ra "thời gian trống" khi luật, pháp lệnh đã có hiệu lực nhưng chưa thể đi vào cuộc sống.

Quốc hội, Chính phủ thường xuyên nhấn mạnh tầm quan trọng của thể chế. Vì vậy, chương trình xây dựng pháp luật luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong cả nhiệm kỳ, qua đó, tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng thể chế, giúp hệ thống pháp luật không ngừng hoàn thiện. Cùng với việc trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua các luật, pháp lệnh, nghị quyết, Chính phủ và các bộ, ngành cũng tích cực chuẩn bị các nghị định, thông tư với nỗ lực cao nhất để bảo đảm tiến độ, chất lượng. Tuy nhiên, tình trạng "nợ đọng" văn bản quy định chi tiết vẫn chưa được khắc phục triệt để. Thông tin từ Văn phòng Chính phủ, còn 16 văn bản quy định chi tiết cần phải ban hành từ nay đến trước khi Kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV khai mạc, dự kiến vào ngày 24-3. Nếu không đáp ứng được kế hoạch đề ra, việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành sẽ là rào cản khi luật, pháp lệnh có hiệu lực.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc với các bộ, cơ quan về tình hình xây dựng, trình ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực và sẽ có hiệu lực trong thời gian tới ngày 26-2. Ảnh: qdnd.vn

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc với các bộ, cơ quan về tình hình xây dựng, trình ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực và sẽ có hiệu lực trong thời gian tới ngày 26-2. Ảnh: qdnd.vn

Thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2016-2021 không còn dài. Chính phủ đặt quyết tâm không để "nợ đọng" văn bản chuyển sang nhiệm kỳ sau. Nhiệm vụ này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, khẩn trương với tinh thần trách nhiệm cao nhất của các cơ quan, bộ, ngành. Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 2-2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ yêu cầu không có tư tưởng cầm chừng, ỷ lại, chờ đợi trong lúc giao thời. Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và thực hiện chuyển giao nhiệm vụ cho Chính phủ khóa mới theo đúng quy định của Đảng, Nhà nước, quy định pháp luật với tinh thần bảo đảm tính kế thừa, phát huy công khai, minh bạch. Yêu cầu này của người đứng đầu Chính phủ cần được cụ thể hóa với từng công việc, nhiệm vụ, đặc biệt là công tác xây dựng thể chế, trong đó có việc hoàn thiện, ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Hệ thống pháp luật của nước ta luôn chú trọng bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, minh bạch, khả thi. Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật cũng cần hướng đến tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, quan tâm đến việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà cuộc sống đang đặt ra. Do vậy, cùng với giải tỏa "nợ đọng" văn bản, vấn đề cần được đặt lên hàng đầu là chất lượng lập pháp, lập quy. Có những quy định khó, phức tạp, phạm vi tác động rộng, ảnh hưởng đến nhiều đối tượng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động đầy đủ trước khi ban hành. Không vì tiến độ mà bỏ qua chất lượng. Cùng với trách nhiệm của cơ quan chủ trì, công tác phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan cần được tăng cường hơn nữa. Đặc biệt, vai trò đôn đốc của người đứng đầu cũng như gắn từng công việc với trách nhiệm của từng cá nhân, cơ quan cụ thể. Nhờ vậy, sẽ tạo động lực để từng khâu trong quy trình được đẩy nhanh. Khi pháp luật đi vào cuộc sống, khơi thông được những ách tắc sẽ góp thêm nguồn lực rất lớn, thật sự trở thành khâu đột phá cho sự phát triển của đất nước.

ĐỖ MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/xoa-khoang-trong-trong-xay-dung-the-che-653257