Xóa mù chữ ở trại giam

Với mong muốn xóa mù chữ, các cán bộ Trại giam Gia Trung (Bộ Công an) đóng tại huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai không ngại khó, ngại khổ, hàng ngày ân cần dạy chữ cho phạm nhân. Nhờ đó, từ một chữ bẻ đôi không biết, các phạm nhân giờ có thể đọc viết thành thạo, hàng ngày trau dồi kiến thức, với hy vọng sau khi ra tù sẽ áp dụng những điều đã học để làm lại cuộc đời.

Thượng úy Lê Văn Thế dạy chữ cho các phạm nhân

Thượng úy Lê Văn Thế dạy chữ cho các phạm nhân

Gửi tương lai vào con chữ

Chúng tôi nghe kể nhiều về việc lúc mới nhập trại các phạm nhân thụ án ở Trại giam Gia Trung hầu như mù chữ, nhưng khi qua “lò” dạy chữ nơi đây thì đã đọc thông viết thạo. Mang câu chuyện này hỏi Đại tá Nguyễn Đình Ba, Giám thị Trại giam Gia Trung, ông cho biết: “Đúng là ở trại có dạy chữ cho phạm nhân. Có nhiều hình thức dạy chữ, như lớp dạy người chưa biết chữ, hay lớp phổ cập giáo dục tiểu học. Hàng năm, trại đều tổ chức các lớp dạy chữ như vậy. Hiện tại, đơn vị đang lập danh sách để mở lớp mới”.

Chúng tôi theo chân cán bộ trại vào thư viện Phân trại 1, Trại giam Gia Trung và chứng kiến 3 phạm nhân Ksor Nuân, Bùi Văn Ặm và Y Linh đang say sưa đọc sách, báo. Đây là những người mà mới mấy năm trước còn không biết mặt chữ. Ksor Nuân (40 tuổi, quê ở Gia Lai) gương mặt đen nhẻm, tay lật từng trang sách đọc chầm chậm. Tương tự, 2 bạn tù của Nuân cũng đọc khá trơn tru những câu chữ trên cuốn sách mà họ đang cầm. Chốc chốc, Nuân quay sang nhờ cán bộ trại giải đáp ngữ nghĩa của một số từ mà Nuân chưa hiểu. Được cán bộ trại giải thích cặn kẽ, Nuân gật gù, gương mặt nở nụ cười. “Mình đọc sách đề cập đến những quy định của pháp luật về những điều được làm và những điều không được làm. Công nhận biết chữ sướng thật, có thể tự đọc để hiểu thêm nhiều kiến thức, cũng như hiểu biết pháp luật, qua đó chấp hành tốt các quy định của trại”, Nuân nói về hành trình tham gia lớp xóa mù chữ ở trại với sự hào hứng. Nuân sinh ở vùng sâu vùng xa trong gia đình khó khăn nên từ nhỏ không được đi học, vì vậy nhận thức về pháp luật hạn chế, dẫn đến phạm tội.

“Vào trại, cán bộ đưa mình vào danh sách xóa mù chữ. Mình thấy không biết chữ quá thiệt thòi nên quyết tâm học cho bằng được. Những buổi đến lớp, mình chăm chú học, cái nào không biết thì hỏi cán bộ. Cán bộ rất nhiệt tình và tâm huyết, họ dạy cho mình từng chữ. Cũng nhờ sự nhiệt tình đó nên vài tháng, mình đã bắt đầu viết được. Giờ mình đã biết đọc, có thể viết tên, đọc nội quy của trại, nhờ đó cũng an tâm cải tạo hơn. Mình sẽ tiếp tục học chữ để nâng cao hiểu biết, sau này ra tù sẽ áp dụng vào cuộc sống mới”, Nuân nói thêm.

Ngồi bên cạnh, phạm nhân Bùi Văn Ặm (50 tuổi, quê Hòa Bình) đang thụ lý bản án 15 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy, cũng bày tỏ niềm sung sướng khi được xóa mù chữ. Ặm tâm sự, việc bản thân phạm tội một phần cũng do không biết chữ, thiếu hiểu biết. Khi vào trại được học chữ, anh hy vọng về một cuộc sống mới tốt đẹp hơn sau khi mãn hạn tù. “Mình sinh ở vùng sâu, gia cảnh khó khăn nên không được học hành. Năm 2016, bị kẻ xấu dụ dỗ vận chuyển ma túy có được nhiều tiền nên trót dại nghe theo, dẫn đến vi phạm pháp luật. Khi vào trại, do không biết chữ nên giao tiếp với bạn tù và cán bộ rất khó. Cũng vì lẽ đó nên khi được bố trí tham gia lớp xóa mù chữ, mình tham gia ngay. Nhờ cố gắng nên sau một khóa học, bây giờ mình đã biết đọc, biết viết. Việc giao tiếp thuận lợi hơn, đầu óc cũng thoải mái. Bây giờ mình hay mượn sách chăn nuôi để đọc, hy vọng sau này ra tù sẽ áp dụng kiến thức này để chăn nuôi, làm lại cuộc đời mới”, Ặm phân trần.

Sẽ tiếp tục triển khai

Trong suốt cuộc nói chuyện, chúng tôi được nghe các phạm nhân nhắc đến tên nhiều cán bộ phân trại, trong đó cái tên “cán bộ Thế”. Cán bộ Thế được nhắc đến là Thượng úy Lê Văn Thế, cán bộ giáo dục Phân trại số 1, người trực tiếp giảng dạy cho các phạm nhân. “Cán bộ dạy rất nhiệt tình, lại gần gũi. Cán bộ nhắc, cái nào không hiểu thì chớ để lâu mà hỏi cán bộ ngay. Cán bộ Thế rất tốt, chỉ bảo từng ly từng tí một. Thậm chí anh còn cầm tay tập viết cho những người tham gia lớp xóa mù chữ. Chính vì sự tận tâm dạy chữ của cán bộ trại mà mình phải cố gắng học để không phụ lòng các cán bộ”, Ặm chia sẻ.

Nghe câu chuyện học trò khen ngợi sự tận tâm của mình, Thượng úy Thế cười thật tươi. “Các phạm nhân thuộc nhiều độ tuổi khác nhau, khả năng tiếp nhận kiến thức cũng khác. Có những phạm nhân là người dân tộc thiểu số, ngay tiếng phổ thông còn chưa nghe và nói được. Chuyện học trước quên sau thì diễn ra như cơm bữa. Việc dạy cho họ cực kỳ khó. Không chỉ tôi mà cán bộ giáo dục ai cũng mong muốn các phạm nhân học được cái chữ để sau này giúp ích cho họ, nên dù khó mấy cũng cố gắng tìm tòi phương pháp tốt nhất để truyền đạt. Mình dạy họ, cảm hóa họ không phải trên quan hệ cán bộ với phạm nhân, mà dùng tình cảm thầy với trò. Phạm nhân tham gia học hiểu được tình cảm, sự tâm huyết của mình nên nhiều người rất cố gắng. Mỗi năm chứng kiến các phạm nhân được chúng tôi dạy chữ đã biết đọc, biết viết, mừng vô cùng. Chúng tôi xem đó là động lực để cố gắng hơn nữa”, Thượng úy Thế nói.

Theo Đại tá Nguyễn Đình Ba, quy trình và phương thức dạy chữ cho phạm nhân được trại rất chú ý và triển khai nghiêm ngặt. Khi phạm nhân vào trại thì căn cứ vào hồ sơ để xác định trình độ học vấn, sau đó cán bộ trại kiểm tra thực tế, nếu đúng chưa biết chữ thì bổ sung kịp thời vào danh sách xóa mù chữ. Khi lập danh sách, có phạm nhân hỏi vặn lại: “Học để làm gì, hay học xong cũng chỉ về làm rẫy mà thôi?”. Những lúc đó, anh em trại phải giải thích tầm quan trọng của việc biết chữ, qua đó cũng đề cập đến những trường hợp do không học nên mới vi phạm pháp luật. Sau khi thông tư tưởng, những phạm nhân này mới chịu đi học lớp xóa mù chữ. Để công tác dạy học đảm bảo yêu cầu và chất lượng, trại thường xuyên phối hợp với trường học trên địa bàn tổ chức các đợt giám sát, kiểm tra quá trình dạy học. Sau mỗi lớp học, trại phối hợp cùng Phòng GD-ĐT huyện tổ chức thi, cấp chứng chỉ xóa mù chữ và phổ cập giáo dục cho phạm nhân.

Lúc chia tay, Đại tá Nguyễn Đình Ba hồ hởi: “Điều vui là có phạm nhân mới vào trại không biết đọc, biết viết, sau khi được dạy thì tự viết thư gửi về gia đình. Người nhà nhận được thư vô vùng bất ngờ. Nhiều người đến trại cảm ơn vì đã dạy con họ biết chữ. Việc xóa mù chữ cho phạm nhân đã mang lại tác động tích cực, giúp họ không còn tự ti về bản thân, có thể đọc sách báo, nội quy trại giam và đọc hiểu các quy định pháp luật, trách nhiệm của phạm nhân, do đó tình trạng vi phạm nội quy đã giảm hẳn… Điều này sẽ giúp những người lầm lỡ dễ hòa nhập cộng đồng sau ra tù và trở thành những công dân có ích”.

Chỉ tính riêng giai đoạn 2015-2019, Trại giam Gia Trung đã mở tổng cộng 50 lớp dạy chữ cho 702 phạm nhân. Trong đó, có 405 phạm nhân chưa biết chữ được dạy ở 25 lớp xóa mù; 297 phạm nhân được dạy chữ tại 25 lớp phổ cập giáo dục tiểu học. Đại tá Nguyễn Đình Ba, Giám thị và Thượng tá Đào Ngọc Sỹ, Phó Giám thị được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

HỮU PHÚC

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/xoa-mu-chu-o-trai-giam-650102.html