Xóa nhà tạm, cần sự chung tay của cộng đồng. Bài 3: Xã hội hóa xây dựng nhà ở cho giáo viên vùng khó khăn

Mặc dù nhà ở công vụ cho giáo viên ở tỉnh Quảng Trị được quan tâm đầu tư xây dựng hằng năm song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện nay toàn tỉnh cần xây dựng 533 nhà ở công vụ cho giáo viên, tập trung chủ yếu ở hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa. Việc chưa 'an cư' đã tác động đến sinh hoạt và công việc của các thầy cô giáo.

 Nhà ở giáo viên ở điểm trường Li Tôn, xã Tà Long (Đakrông) đang xuống cấp nghiêm trọng cần được đầu tư xây mới - Ảnh: H.N.K

Nhà ở giáo viên ở điểm trường Li Tôn, xã Tà Long (Đakrông) đang xuống cấp nghiêm trọng cần được đầu tư xây mới - Ảnh: H.N.K

Thiếu và xuống cấp

Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, thời gian qua, tranh thủ các nguồn lực từ các chương trình, dự án và ngân sách địa phương, toàn tỉnh đã tập trung xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học. Qua đó đã xây dựng 1.144 nhà ở công vụ cho giáo viên, tuy vậy vẫn chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế, tình trạng giáo viên phải ở trong những căn nhà tập thể tạm bợ vẫn còn phổ biến. Mặt khác hầu hết nhà công vụ cho giáo viên được xây dựng từ năm 2008 đến nay nên phần lớn đã bị xuống cấp, hư hỏng cần phải nâng cấp, sửa chữa hoặc xây mới. Đó là chưa nói đến việc các trường học công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Trị chưa bảo đảm về quy hoạch tổng thể trường học nên việc đầu tư nhà ở tập thể công vụ cho giáo viên không đồng bộ, đặc biệt là ở bậc giáo dục mầm non và tiểu học. Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở tập thể cho giáo viên ở các vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh là rất lớn mặc dù các địa phương đã có nhiều nỗ lực nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là địa bàn vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Theo số liệu khảo sát nhu cầu nhà ở công vụ đến tháng 6/2021, toàn tỉnh cần phải đầu tư xây dựng 455 nhà ở tập thể công vụ cho giáo viên.

Hôm chúng tôi theo Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị khóa XIV, đại biểu Quốc hội khóa XV Hoàng Đức Thắng đến điểm trường mầm non Li Tôn thuộc Trường Tiểu học Tà Long (huyện Đakrông), chứng kiến cảnh sinh sống trong những căn phòng đã xuống cấp, hư hỏng mới cảm nhận được sự gian khổ của giáo viên nơi đây. Tại điểm trường này hiện có 11 giáo viên dạy ở 2 bậc học mầm non và tiểu học. Cho dù Tà Long chưa phải là địa bàn xa xôi và khó khăn nhất của huyện nhưng điều kiện cơ sở vật chất lại rất thiếu thốn. Trường chỉ có một dãy nhà xây kiên cố làm phòng học và một ngôi nhà lợp tôn, vách thưng gỗ đã mục nát. Hai cánh cửa sắt ở cổng trường đã bị hỏng lề buộc một sợi dây thép xập xệ, có nguy cơ ngã đổ bất cứ lúc nào. Cô giáo Hồ Thị Thê cho biết, ngôi nhà gỗ xuống cấp mà 8 cô và 1 thầy đang ở vốn là một phòng học được xây dựng từ năm 1986. Do giáo viên thiếu chỗ ở nên nhà trường quyết định dành phòng học này để làm nơi ở cho giáo viên. Ngần ấy thời gian chống chịu với nắng núi mưa rừng, hiện nay ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng. Mùa hè nóng hầm hập còn mùa đông thì mưa dột, nước chảy tràn lan nên các thầy cô phải dùng đủ thứ vật liệu để che chắn, hứng nước. Nằm cách điểm trường Li Tôn hơn 5 km là điểm trường Chai với cơ sở vật chất cũng thiếu thốn, tạm bợ không kém. Trường có 5 lớp ghép từ bậc mầm non đến tiểu học. Ngoài dãy nhà học sinh thì trường chỉ có duy nhất một gian nhà tôn làm nơi ở của 4 cô giáo. Ngôi nhà nay đã xập xệ, tuềnh toàng không đảm bảo nên các cô buổi tối phải qua ngủ tạm ở lớp học. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tà Long Hoàng Đức Phước cho biết, ở xã Tà Long hiện có 9 điểm trường với tổng số 467 học sinh tiểu học, 300 học sinh mầm non. Hầu hết các giáo viên ở đây đã có gia đình ở dưới xuôi lên đây công tác nên có nhu cầu ở lại trong tuần ngoại trừ thứ 7, Chủ nhật. Vậy nhưng, tất cả các điểm trường trong xã đều thiếu nhà ở công vụ cho giáo viên. Tại các điểm trường phải tận dụng phòng học cũ để làm nơi ở cho giáo viên. Hầu hết các phòng học đã xuống cấp nên không đảm bảo các điều kiện sinh hoạt. Đây chính là một bất cập mà ngành giáo dục cần phải sớm khắc phục để ổn định nơi ăn chốn ở cho giáo viên, từ đó họ mới an tâm công tác.

Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đakrông Nguyễn Sỹ Huấn cho biết, đến nay toàn huyện Đakrông có 36 trường học thuộc huyện quản lý, bao gồm các trường học mầm non, tiểu học, THCS và phổ thông dân tộc bán trú với 1.238 cán bộ, giáo viên làm việc và giảng dạy. Trong đó có đến 750 cán bộ, giáo viên có nhu cầu về nhà ở công vụ. Tuy nhiên, đến nay, toàn huyện chỉ có 250 nhà ở công vụ phục vụ cho gần 400 người, số còn lại hơn 350 cán bộ, giáo viên phải ở nhà tạm bợ hoặc dùng phòng học làm nhà ở.

Rất cần sự chung tay hỗ trợ từ cộng đồng

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Thị Hương cho biết, thời gian qua, cùng với sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, ngành giáo dục Quảng Trị đã có nhiều nỗ lực trong việc tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông. Tỉ lệ huy động và chất lượng giáo dục phát triển mạnh. Giáo dục Quảng Trị luôn nằm nhóm trung bình khá của cả nước, là địa phương có nhiều đổi mới trong công tác quản lý giáo dục, quan tâm chất lượng học sinh giỏi và chất lượng giáo dục đại trà, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia…

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được, giáo dục và đào tạo Quảng Trị vẫn còn những hạn chế, tồn tại như khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa miền núi và đồng bằng vẫn lớn; cơ sở vật chất trường học còn thiếu như phòng học, thư viện, phòng thiết bị, phòng học bộ môn, nhà vệ sinh, bếp, nhà ăn, phòng ở nội trú, bán trú, nhà công vụ cho giáo viên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa… Để khắc phục những khó khăn, hạn chế này, từng bước đưa giáo dục và đào tạo địa phương phát triển vững chắc trong điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, việc xây dựng đề án “Đầu tư xây dựng nhà ở tập thể công vụ cho giáo viên ở các vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2025” là rất cần thiết, góp phần ổn định cuộc sống cho giáo viên vùng khó khăn, nâng cao chất lượng dạy và học, đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh trong mùa mưa lũ, gió rét, nhất là ở các địa bàn đặc biệt khó khăn thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai. Thực tế cho thấy công tác xã hội hóa giáo dục vẫn được các đơn vị giáo dục tăng cường huy động. Nguồn vốn từ xã hội hóa đã được sử dụng tốt vào mục đích xây dựng trường chuẩn quốc gia, xây thêm một số hạng mục thiết yếu của nhà trường. Tuy số kinh phí huy động đóng góp chưa nhiều nhưng đã tạo được ý thức của cộng đồng chung tay góp sức với nhà nước để phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Để chung tay cùng cộng đồng xóa nhà ở tạm cho giáo viên, đặc biệt là ở vùng khó khăn, thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, từ năm 2020, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đã tích cực kêu gọi các tổ chức đoàn thể, nhà hảo tâm được số tiền 1,5 tỉ đồng. Ông Hoàng Đức Thắng cho biết, từ số tiền này sẽ xây dựng nhà ở cho giáo viên tại 2 điểm trường Li Tôn và Chai thuộc Trường Tiểu học Tà Long (huyện Đakrông) và 1 điểm trường ở huyện Hướng Hóa. Tranh thủ dịp hè sẽ triển khai thi công, phấn đấu hoàn thành trước năm học 2021 - 2022 để giáo viên có nơi ở ổn định, an tâm công tác. Qua mô hình điểm này sẽ tạo “cú hích” để kêu gọi ngày càng nhiều hơn các nhà hảo tâm cùng với tỉnh Quảng Trị tích cực xây dựng, từng bước hoàn thiện nhà ở cho giáo viên vùng khó.

Để đẩy mạnh thực hiện chủ trương xóa nhà tạm cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách và giáo viên ở địa bàn vùng khó khăn, cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương và toàn xã hội. Tuy nhiên các sở, ngành liên quan cần nghiên cứu, rà soát kỹ về nguồn vốn trung ương, nguồn vốn đối ứng của địa phương; các chính sách hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi để lồng ghép thực hiện. Trong đó ưu tiên xây dựng nhà ở cho người nghèo vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, nhà ở cho giáo viên vùng khó khăn thuộc diện cấp bách để họ ổn định cuộc sống và an tâm công tác.

Nguyên Kha - Trúc Phương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=159312&title=xoa-nha-tam-can-su-chung-tay-cua-cong-dong-bai-3-xa-hoi-hoa-xay-dung-nha-o-cho-giao-vien-vung-kho-khan