Xóa nhòa ranh giới truyền thống - đương đại
Di sản không chỉ được các thế hệ kế thừa, mà luôn có quá trình sáng tạo, tiếp nối. Từ quan niệm ấy, việc sử dụng, đưa di sản truyền thống đến với cuộc sống hiện nay được mở ra với nhiều chiều cạnh, xóa nhòa ranh giới giữa truyền thống và đương đại.
Không "đóng băng" truyền thống
“Sinh ra trong thế hệ được tiếp xúc hàng ngày hàng giờ với văn hóa phương Tây, điện ảnh Trung Quốc, được đào tạo theo cách sáng tạo của họa sĩ phương Tây, khi ở Pháp học tập, làm việc, tôi đi xem nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu như opera, kịch nói, và không thấy họ nói đây là nghệ thuật truyền thống, trong khi những loại hình nghệ thuật này đã tồn tại hàng trăm năm” - nghệ sĩ Hà Nguyên Long, người sáng lập, giám đốc sáng tạo của XPLUSX STUDIO tại Paris, Pháp chia sẻ. Anh lý giải, vì các loại hình này đã được tiếp diễn liên tục trong văn hóa của các nước phương Tây, người trẻ không thưởng thức nghệ thuật được làm cách đây vài trăm năm, mà xem theo cách rất hiện thời. Vấn đề bảo tồn các loại hình này ít khi được đặt ra. Dường như các nghệ sĩ phương Tây đã nhìn nhận những yếu tố căn bản của các loại hình này như một “bảng chữ cái trong ngôn ngữ”, từ đó xây dựng, sáng tạo ra những từ, câu, đoạn văn, bài thơ…
Đồng tình với ý kiến trên, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức cho rằng, một thời gian, chúng ta tự tách truyền thống ra khỏi đời sống và quan niệm truyền thống là quá khứ, nghĩ đến chèo, tuồng, quan họ… Điều đó không đúng. Truyền thống luôn có sức sống lan tỏa và trải dài cùng với đời sống dân tộc. Không chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu, diễn giải truyền thống để phục vụ đời sống, nghệ sĩ dùng kiến thức để tiếp nối. Những gì họ làm ngày hôm nay, qua chắt lọc của đời sống sẽ trở thành truyền thống của tương lai.
“Những năm đầu 1990, khi bắt đầu làm tác phẩm âm nhạc đương đại, giới nghiên cứu truyền thống nói phá truyền thống, còn người làm nghệ thuật đương đại nói tôi đang làm truyền thống. Hiện nay mọi người đã cởi mở hơn với truyền thống - đương đại” - nghệ sĩ Nguyễn Xuân Sơn (Sơn X) nhận định. Từng được đào tạo bài bản về nghệ thuật dân tộc sau đó tiếp cận nghệ thuật đương đại và đã có nhiều tác phẩm nghệ thuật đương đại với chất liệu truyền thống, nghệ sĩ Nguyễn Xuân Sơn nhận thấy, truyền thống không thấy có sự “đóng băng”. “Người làm truyền thống vẫn có sáng tạo, không thể đứng yên. Ngay cả với nghệ thuật dân tộc, một thầy đào tạo 5 - 7 học trò thì không người nào giống nhau, ai cũng đúng, cũng hay, nếu nói bảo tồn nguyên trạng thì bảo tồn ai? Nghệ thuật truyền thống mỗi thời khác nhau, mỗi làng khác nhau, bảo tồn truyền thống thì bảo tồn từ thời nào? Bảo tồn ở đâu? Đây là những câu hỏi đang đặt ra”. Nghệ sĩ Sơn X quan niệm “đóng băng” truyền thống là “giết chết” truyền thống, chứ không hề làm cho di sản sống và tiếp tục phát triển.
Đưa truyền thống vào nghệ thuật đương đại
Từng có thời kỳ văn hóa bên ngoài chiếm lĩnh, văn hóa dân tộc dường như bị người trẻ lãng quên. Tuy nhiên, đến hôm nay thực tế ấy dần thay đổi, nhiều dự án, hoạt động thu hút người trẻ đến với các giá trị xưa, và đưa di sản đến gần hơn với công chúng.
Gần đây, dự án Trăm năm một cõi, do Nguyễn Hữu Trường cùng sinh viên Trường đại học FPT kết hợp với Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP. Hồ Chí Minh thực hiện nhằm vẽ nên một đoạn hành trình mang nét đẹp của nghệ thuật hát bội và lan tỏa những giá trị truyền thống. Lẫy lừng một thời với nhiều câu ca truyền tụng, loại hình nghệ thuật hát bội ngày nay không thịnh hành như những năm 1980, không mấy ai biết đằng sau gánh hát ấy vẫn còn nhiều câu chuyện truyền lửa, gìn giữ. Bởi tình yêu văn hóa và mong muốn góp phần mang nghệ thuật truyền thống đến được với nhiều bạn trẻ hơn, nhóm đang sản xuất phim ngắn, chuẩn bị triển lãm trang phục của nghệ thuật hát bội cũng như một số sản phẩm lấy cảm hứng từ nghệ thuật này...
Không chỉ bảo tồn, quảng bá, nhiều người trẻ còn sáng tạo với truyền thống. Từ tháng 6 - 9.2023, nền tảng văn hóa và sáng tạo Lên Ngàn thực hiện sáng kiến văn hóa nghệ thuật Thanh Cảnh 2023, với sự tham gia của 6 nghệ sĩ Việt Nam và Scotland, gồm: Hoài Anh, Trung Bảo, Ly Mí Cường, Lương Minh, Sholto Dobie và Inge Thomson. Dự án là cuộc đối thoại đa dạng giữa các nghệ sĩ thuộc các thế hệ, nền văn hóa và nguyên tắc khác nhau, xoay quanh chủ đề môi trường sống và di sản nghệ thuật truyền thống.
Lên Ngàn khởi xướng dự án Thanh Cảnh với niềm tin rằng văn hóa nghệ thuật là một quá trình liên tục tích lũy kinh nghiệm qua nhiều thế hệ và lấy cảm hứng từ những người đi trước. “Chúng tôi mong muốn tạo điều kiện cho các nghệ nhân dân gian và nghệ sĩ chuyên nghiệp tại địa phương chia sẻ kiến thức với thế hệ trẻ hơn, truyền cảm hứng thông qua tương tác giữa các thế hệ - một ví dụ khác về việc chia sẻ tri thức. Chúng tôi khuyến khích sự giao lưu và học hỏi giữa các thế hệ, tạo ra một môi trường mà các nghệ sĩ trẻ có thể tiếp cận với những nguồn cảm hứng và tri thức bản địa phong phú từ người đi trước” - Giám đốc nghệ thuật và nhà sáng lập Lên Ngàn Nguyễn Quốc Hoàng Anh cho biết.
Theo nhà nghiên cứu Lư Thị Thanh Lê, trong bối cảnh toàn cầu hóa, đối thoại Đông - Tây, từng có sự chối bỏ, phớt lờ, xem truyền thống là cái gì đó không phù hợp. Tuy vậy, những năm gần đây, có xu hướng trở lại với truyền thống, không chỉ với các nhà sản xuất, người thực hành nghệ thuật mà còn với người trẻ. Trở thành chất liệu được nghệ sĩ sử dụng để sáng tạo nghệ thuật, được đưa vào quá trình sản xuất hàng hóa trong xã hội… sẽ tạo ra ý nghĩa, câu chuyện đương đại, diện mạo mới cho truyền thống.