Xóa 'nút cổ chai' để chống ùn tắc giao thông

Nhằm từng bước kéo giảm ùn tắc giao thông trong nội đô, tiến tới hoàn thành Đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố và Chương trình đột phá phát triển hạ tầng TPHCM, Sở GTVT TPHCM đang triển khai nhiều dự án mở rộng nút giao thông.

Giảm ùn tắc

Mới đây, lúc 16 giờ chiều, chúng tôi có mặt tại nút giao An Sương. Tại đây, dù nườm nượp phương tiện lưu thông qua lại nhưng không còn xảy ra tình trạng ùn ứ, kẹt xe kéo dài như những năm trước. Tài xế Mai Văn Thái (lái xe chở hàng từ Tây Ninh đi TPHCM) cho biết, trước kia, mỗi lần vào trung tâm TPHCM, đi qua vòng xoay An Sương là nỗi ám ảnh của cánh tài xế. Các phương tiện nối đuôi kéo dài ùn ứ 1-2km để chờ qua vòng xoay là chuyện bình thường. Nhưng hiện nay, tại nút giao này không còn xảy ra ùn tắc.

Được biết, dự án đầu tư xây dựng nút giao An Sương được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là xây hạng mục cầu vượt trên quốc lộ 1A - đã hoàn thành vào tháng 7-2002; giai đoạn 2 là xây dựng hầm chui đôi, mỗi hầm rộng 9m với hai làn xe, tổng chiều dài hai hầm là 830m. Vào năm 2020, nút giao An Sương được hoàn thiện, trở thành nút giao thông 3 tầng (1 tầng hầm, 1 mặt đường hiện hữu và 1 cầu vượt) đầu tiên của TPHCM, đã giúp tháo nút thắt cổ chai cho giao thông phía Tây của thành phố.

Trong khi đó, tại khu vực phía Đông thành phố, dự án đầu tư xây dựng nút giao Mỹ Thủy trên giao lộ của các tuyến đường Võ Chí Công - Nguyễn Thị Định - Đồng Văn Cống đã từng bước giúp tháo gỡ kẹt xe nghiêm trọng trên trục giao thông với mật độ xe container dày đặc này. Hiện nay, trên cầu vượt được tổ chức lưu thông 2 chiều; dưới hầm chui lưu thông 1 chiều từ đường Võ Chí Công rẽ trái vào đường Nguyễn Thị Định để đi về hướng phà Cát Lái.

Hầm chui và cầu vượt giúp lưu thông thuận lợi, không còn tình trạng ùn ứ xe tại vòng xoay An Sương. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Hầm chui và cầu vượt giúp lưu thông thuận lợi, không còn tình trạng ùn ứ xe tại vòng xoay An Sương. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tiếp tục đầu tư mạnh

Theo Sở GTVT TPHCM, tính đến hết năm 2021, tổng chiều dài các tuyến đường tại TPHCM là hơn 4.734km, số lượng cầu đường bộ là 1.160 cầu, tổng tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt hơn 12%. Mức phục vụ trung bình của hệ thống đường bộ ở mức D, vận tốc trung bình đạt 32km/giờ. Giai đoạn 2012-2022, tình hình giao thông được cải thiện thông qua số điểm nguy cơ ùn tắc giảm. Ngoài ra, trong 18 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông từ đầu năm 2022 đến nay, đã có 2 điểm chuyển biến tốt, 9 điểm bước đầu có chuyển biến tích cực.

Trong các giải pháp làm giảm ùn tắc giao thông, việc cải tạo các nút giao tiếp tục được TPHCM đầu tư mạnh mẽ. Theo quy hoạch, hệ thống nút giao thông trên địa bàn thành phố có 102 nút chính, trong đó 68 nút giao trên các tuyến vành đai, cao tốc, quốc lộ và 34 nút giao trên các tuyến nội đô.

Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết, tổng khối lượng các nút giao đã đầu tư đến nay là 29 nút. Việc đầu tư các nút giao thông kết hợp các giải pháp khác (như cải tạo kích thước hình học, tổ chức pha đèn…) đã góp phần cải thiện tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố trong thời gian qua.

Trong điều kiện ngân sách thành phố còn nhiều khó khăn, Sở GTVT đã xác định nguyên tắc ưu tiên để kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét đầu tư 16 nút giao trong giai đoạn 2022-2025. Trong đó, dự án nút giao ngã tư Đình tại đường Nguyễn Văn Quá - quốc lộ 1A (quận 12), có tổng mức đầu tư khoảng 400 tỷ đồng, đã hoàn thành thủ tục đầu tư. Bên cạnh đó, HĐND TPHCM đã thông qua chủ trương 5 dự án đầu tư công khác, gồm: cải tạo nút giao Linh Xuân (quốc lộ 1A - quốc lộ 1K), Nguyễn Thị Định - Nguyễn Duy Trinh (TP Thủ Đức), ngã tư Bốn Xã trên đường Thoại Ngọc Hầu - hương lộ 2 - Lê Văn Quới (quận Tân Phú và quận Bình Tân), ngã bảy Điện Biên Phủ - Ngô Gia Tự - Lý Thái Tổ - Lê Hồng Phong và ngã sáu Nguyễn Tri Phương - Ngô Gia Tự - Nguyễn Chí Thanh (quận 10).

Đối với 10 nút giao chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, sở kiến nghị lập đề xuất chủ trương đầu tư và bố trí vốn chuẩn bị đầu tư vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Đó là nút giao quốc lộ 1A - Vườn Lài, Bà Điểm (quốc lộ 1A - Phan Văn Hớn), Nguyễn Kiệm - Phan Đăng Lưu, ngã tư Thủ Đức, Hòa Bình - Lạc Long Quân, Lý Thường Kiệt - Ba Tháng Hai, Nguyễn Oanh - Phan Văn Trị, Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Văn Trỗi, Lạc Long Quân - Âu Cơ, ngã 5 Đài Liệt sĩ (Xô Viết Nghệ Tĩnh - Ung Văn Khiêm).

Ngã tư An Sương, TPHCM, với hầm chui và cầu vượt, giúp lưu thông thuận lợi, không còn tình trạng ùn ứ xe. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ngã tư An Sương, TPHCM, với hầm chui và cầu vượt, giúp lưu thông thuận lợi, không còn tình trạng ùn ứ xe. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đường Vành đai 3 TPHCM: Xung lực mới

Động lực phát triển mới đóng góp rất lớn từ giao thông cho TPHCM và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chính là triển khai xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM. Tuyến đường đi qua TPHCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, kết nối với 5 tuyến cao tốc, 4 quốc lộ, tạo mạng lưới giao thông liên vùng của vùng Đông Nam bộ, cũng như kết nối với Tây Nguyên và Tây Nam bộ.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM, cho biết, việc triển khai giải phóng mặt bằng tuyến đường Vành đai 3 TPHCM đi trước một bước, đảm bảo tiếp tục triển khai thi công xây dựng các hạng mục, công trình được đồng bộ, thuận lợi. Dự kiến, cuối tháng 9-2022, các địa phương có tuyến đường đi qua có thể bàn giao ranh mốc để triển khai, sang năm 2023 bàn giao mặt bằng thi công. Nhằm triển khai dự án thành công, TPHCM sẽ là đầu mối phối hợp với các tỉnh để chuẩn bị trình tự thủ tục và thành lập ban chỉ đạo, ban chỉ huy, tổ giúp việc, giao ban định kỳ.

THANH HẢI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//xoa-nut-co-chai-de-chong-un-tac-giao-thong-840631.html