Xóa tàu cá 'ba không' để gỡ 'thẻ vàng' thủy sản
Thực hiện khuyến cáo về công tác chống khai thác IUU (đánh bắt trái phép, không báo cáo và không được quản lý), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương đã tập trung xử lý tàu cá 'ba không' để tạo sự chuyển biến tích cực đối với vấn đề này góp phần hiện thực hóa cơ hội xóa 'thẻ vàng' thủy sản.
Tăng cường quản lý, xử lý dứt điểm tàu cá “ba không”
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), sau gần 07 năm thực hiện nhiệm vụ gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) và qua 04 đợt thanh tra của EC (lần thứ 4 vào tháng 10/2023), phía EC đã đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc chống khai thác IUU, song cũng đưa ra một số khuyến cáo Việt Nam phải thực hiện để cải thiện vấn đề tháo gỡ “thẻ vàng”.
Trong đó nổi lên là tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; chưa xử lý dứt điểm tàu cá “ba không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép khai thác); công tác thực thi pháp luật, xử lý vi phạm IUU vẫn còn thiếu quyết liệt…
Liên quan đến yêu cầu quản lý đội tàu đánh bắt theo khuyến cáo của EC, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 37/2024/NQ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2017/NQ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản; Nghị định số 38/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Các nghị định này được ban hành đã giúp lấp “khoảng trống” pháp luật trong quản lý, giám sát toàn diện đội tàu, truy xuất nguồn gốc thủy sản cũng như thực thi IUU.
Theo Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) Trần Đình Luân, hai nghị định mới (có hiệu lực từ tháng 5/2024) thúc đẩy việc thực hiện chủ trương chống khai thác IUU đạt hiệu quả cao nhất. “Đây cũng là lý do EC lùi thời gian kiểm tra đến tháng 10/2024 để có thêm đánh giá về kết quả chống khai thác IUU” - ông Luân cho biết.
Lần thanh tra thứ 5 (tháng 10/2024) của EC là cơ hội cuối cùng để gỡ “thẻ vàng” thủy sản, nếu bỏ lỡ, Việt Nam sẽ phải chờ nhiều năm nữa, chưa kể nguy cơ chuyển từ “thẻ vàng” sang “thẻ đỏ” hiện hữu sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến cơ hội xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến
Thực hiện chủ trương nhất quán về gỡ “thẻ vàng” và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ NNPTNT - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU đã tăng cường phối hợp với địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm quy định về chống khai thác IUU; đồng thời trực tiếp kiểm tra tại các cảng cá, đặc biệt là 4 ngư trường trọng điểm theo các nội dung được EC khuyến cáo sau thanh tra lần thứ 4 để kịp thời chỉ đạo chấn chỉnh, đặc biệt là vấn đề quản lý tàu cá.
Qua thực tiễn kiểm tra tại các địa phương, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến lưu ý, một trong những thách thức lớn mà các địa phương giáp biển phải kiên quyết khắc phục, đó là tình trạng tàu cá “ba không”. “Hiện, các lực lượng chức năng đang nỗ lực siết chặt quản lý đội tàu, đảm bảo 100% các tàu cá phải gắn thiết bị giám sát hành trình, có nhật ký khai thác, phải bật kết nối ngay cả khi nằm bờ” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết; đồng thời nhấn mạnh, ngay cả khi EC đưa ra kết quả đánh giá cuối cùng, việc siết chặt quản lý đội tàu sẽ tiếp tục được tăng cường để thiết lập trật tự, tính bền vững trong khai thác biển.
Xóa “thẻ vàng” gắn với đảm bảo sinh kế cho ngư dân
Cùng với việc tăng cường quản lý chặt chẽ đội tàu khai thác, theo khuyến nghị của EC liên quan đến gỡ “thẻ vàng” IUU, các địa phương ngày càng quyết liệt trong khâu thực thi pháp luật, xử lý nghiêm vi phạm IUU, cũng như thực hiện các giải pháp giúp ngư dân tiếp tục bám biển để ổn định cuộc sống.
Liên quan đến những tồn tại trong quản lý tàu cá, Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NNPTNT) Nguyễn Quang Hùng cho biết, thời gian qua, Cục đã phối hợp địa phương theo dõi, công bố danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU, tàu cá khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, tàu cá “ba không”. Các địa phương đã bám sát triển khai các quy định mới của Nghị định số 37/2024/NQ-CP, Nghị định số 38/2024/NĐ-CP, đồng thời có giải pháp quyết liệt để thực thi IUU.
Đơn cử, vào tháng 8/2024, cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã khởi tố vụ án đối với chủ tàu cá ở Bình Định tổ chức đưa ngư dân sang vùng biển nước khác đánh bắt trái phép. “Việc xử lý nghiêm vụ việc, có tính chất điểm sẽ giúp tạo tính răn đe, ngăn chặn tình trạng đánh bắt trái phép, qua đó, chung tay gỡ cảnh báo “thẻ vàng” - ông Hùng cho biết.
Nhấn mạnh nhiệm vụ kiểm tra, giám sát tàu cá là không dễ song theo Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Đình Đức, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, vì mục tiêu phát triển bền vững của ngành thủy sản, tỉnh đặt mục hoàn thành nhiệm vụ kiểm soát tàu cá trong năm nay. Cụ thể, đối với tàu cá “ba không”, tỉnh sẽ chỉ đạo hoàn thành đăng ký trước 30/10/2024 và xử lý dứt điểm các vấn đề này trước thời hạn 31/12/2024…
Theo các chuyên gia, việc chống khai thác IUU là yêu cầu cấp bách đặt ra, không chỉ giúp Việt Nam gỡ bỏ “thẻ vàng” để mở rộng cánh cửa xuất khẩu thủy sản sang các thị trường tiềm năng như châu Âu, mà đây còn là điều kiện cần thiết để hướng đến phát triển ngành thủy sản bền vững; đồng thời giúp thay đổi nhận thức, tập quán đánh bắt của người dân vùng biển.
Do đó, bên cạnh việc quyết liệt chống khai thác IUU, các địa phương cần quan tâm đến việc đảm bảo đời sống của ngư dân trong vùng chịu ảnh hưởng. “Tập quán đánh bắt bao đời của người dân không thể ngay lập tức bỏ được, thay vào đó, địa phương cần phát triển các vùng nuôi trồng để ngư dân dần chuyển đổi, từ đó ổn định kế sinh nhai” - Cục trưởng Trần Đình Luân cho biết, đồng thời dẫn chứng nhiều địa phương đang làm tốt điều này.
Đơn cử như ngư dân ở các ngư trường lớn như Quảng Ninh, Bình Thuận, Kiên Giang đã thích nghi với việc chuyển đổi bằng việc tham gia thực hiện đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển và ngày càng thấy được triển vọng từ nghề nuổi biển.
Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/xoa-tau-ca-ba-khong-de-go-the-vang-thuy-san-35444.html