Xoài keo bén rễ trên vùng đất khó

Trên vùng biên giới xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước đất đai khô cằn, sỏi đá và thiếu nước trầm trọng vào mùa khô. Chính vì vậy, đầu tư phát triển cây trồng trên vùng đất này là bài toán khó. Trước những khó khăn này, nhiều nông hộ ở địa phương đã nghiên cứu, linh hoạt lựa chọn giống cây trồng phù hợp để phát triển sản xuất đem lại thu nhập ổn định. Và xoài keo là một trong những lựa chọn hiệu quả.

“Luồng gió mới” hồi sinh vùng đất cằn

Khi đến vùng biên giới ấp Thạnh Phú và Thạnh Biên, xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh, chúng ta dễ dàng nhận thấy đất đai nơi đây chủ yếu là sỏi đá khô cằn. Những vườn tràm, cao su của người dân mặc dù được chăm sóc đúng quy trình nhưng đến thời kỳ thu hoạch vẫn khẳng khiu, thiếu sức sống. Việc canh tác nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao là bài toán hết sức khó với người dân nơi đây. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, cuộc sống của nhiều hộ dân trên vùng đất Lộc Thạnh như được tiếp thêm nguồn năng lượng mới từ giống xoài keo.

Diện tích khoảng 1 ha, mỗi năm gia đình ông Nguyễn Thanh Sơn, ấp Thạnh Phú, xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh thu hoạch được 2 vụ, với sản lượng từ 6-7 tấn xoài

Diện tích khoảng 1 ha, mỗi năm gia đình ông Nguyễn Thanh Sơn, ấp Thạnh Phú, xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh thu hoạch được 2 vụ, với sản lượng từ 6-7 tấn xoài

Dẫn chúng tôi thăm vườn xoài hơn 1 ha, chỉ về phía những khoảnh đất trống với nhiều bụi cây, cỏ khô giữa vườn, ông Nguyễn Thanh Sơn, ấp Thạnh Phú cho biết: “Đất khu vực này toàn sỏi đá, lâu nay mùa khô không có nước nên không thể trồng được cây gì. Với cây xoài keo thì khác, tuy không xanh tốt như trồng ở vùng đất giàu dinh dưỡng và có nước thường xuyên, nhưng vẫn phát triển bình thường trên vùng đất này”.

Cạnh hộ ông Sơn là vườn xoài 1,5 ha của gia đình ông Nguyễn Thành An. Vườn xoài gần 4 năm tuổi, mỗi cây chỉ cao từ 2-3m, tán hẹp nhưng rất sai trái. Theo ông An, giống xoài này được ươm từ hạt, trồng khoảng 16-18 tháng là cho thu hoạch. Mỗi năm vào mùa mưa chỉ cần bón một ít phân, mùa khô không cần tưới nước nhưng cây vẫn cho thu hoạch 2 vụ/năm. Với 1,5 ha, mỗi năm gia đình ông An thu từ 8-9 tấn trái/năm, giá bán dao động từ 6.000-8.000 ngàn đồng/kg. Chất lượng xoài cũng khá tốt, nhất là trữ lượng đường cao nên được nhiều người ưa chuộng. “Người dân ở đây gọi xoài keo là cây giảm nghèo. Bởi loại xoài này rất dễ trồng, chăm sóc, tốn ít vốn đầu tư nhưng vẫn cho thu hoạch đều. Tuy thu nhập không cao như nhiều loại cây ăn trái khác nhưng với điều kiện đất đai, khí hậu khắc nghiệt nơi đây thì xoài keo là cây trồng phù hợp” - ông An chia sẻ.

Hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP

Chị Nguyễn Thị Kim Chi, quyền điều hành Hợp tác xã cây ăn trái Tân Lộc Thạnh, xã Lộc Thạnh là người tiên phong đưa giống xoài keo về vùng đất này. Năm 2014, vợ chồng chị Chi sang Campuchia tìm giống xoài cho ra trái mùa thì phát hiện giống xoài keo nên mua về trồng thử. Thấy phù hợp và mang lại hiệu quả kinh tế, chị tiếp tục nhân giống. Năm 2019, chị vận động một số người dân trong vùng thành lập hợp tác xã để phát triển xoài keo. Giống xoài keo này ngoài thế mạnh là dễ trồng, chịu hạn tốt, ít chi phí chăm sóc thì trái to vừa phải, hạt nhỏ, trữ lượng đường cao và đặc biệt là vỏ dày, rất được thị trường ưa chuộng. Vì là cây trồng dễ tính nên suốt quá trình ra hoa, kết trái đều không sử dụng hóa chất mà để cây phát triển tự nhiên.

Dù điều kiện đất đai khô cằn nhưng cây xoài keo vẫn phát triển tốt

Dù điều kiện đất đai khô cằn nhưng cây xoài keo vẫn phát triển tốt

Chị Chi cho biết: “Qua nhiều năm trồng, có thể khẳng định xoài keo hoàn toàn sạch và an toàn cho người tiêu dùng. Trong quá trình chăm sóc đến lúc ra hoa, kết trái, thu hoạch, chúng tôi không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào. Đặc biệt, trái có vỏ dày nên không bị sâu, rệp đục chích và có thể vận chuyển đường xa mà không bị giập trái. Do đó, loại xoài này được nhiều thương lái tìm mua”.

“Qua vài năm phát triển, chúng tôi thấy giống xoài keo rất phù hợp với điều kiện đất đai khô cằn nơi đây. Do đặc tính của cây trồng, dù được đầu tư ít nhưng quy trình sản xuất cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn sản phẩm OCOP. Đây là hướng đi hợp lý để bà con phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Hội Nông dân xã sẽ phối hợp các ngành chức năng hỗ trợ hợp tác xã xây dựng thương hiệu để bà con mở rộng, phát triển sản xuất mang tính bền vững”.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Thạnh NGUYỄN THỊ BẮC

Hiện nay, Hợp tác xã cây ăn trái Tân Lộc Thạnh có 21 thành viên với 38 ha xoài, riêng gia đình chị Chi có hơn 15 ha. Với diện tích này, mỗi năm hợp tác xã cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh gần 200 tấn trái, mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên. Trong thời gian tới, hợp tác xã sẽ tiếp tục vận động kết nạp thêm thành viên mới và mở rộng diện tích. Trong 2 năm 2023-2024, hợp tác xã dự kiến nâng tổng diện dích lên khoảng 50 ha. Qua đó, hướng đến xây dựng thương hiệu xoài keo Lộc Thạnh đạt chuẩn sản phẩm OCOP.

Có thể nói, dù điều kiện đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt nhưng người nông dân vẫn sống khỏe nhờ nghiên cứu, lựa chọn giống cây trồng phù hợp. Đây là bài học kinh nghiệm quý để người nông dân phát triển sản xuất ứng phó và thích nghi trước tình trạng khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp hiện nay.

Văn Đoàn

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/143389/xoai-keo-ben-re-tren-vung-dat-kho