Xoay quanh phong trào Kế hoạch nhỏ
Có một thực tế ở nhiều trường phổ thông hiện nay, đó là các thầy cô thông báo về việc thu giấy, bìa để làm kế hoạch nhỏ. Thời gian gấp gáp, phụ huynh sẽ đi xin, mua gom từ các nguồn khác nhau để đủ giấy cho con mang nộp, vậy là xong!
Đến hẹn lại… thu gom giấy vụn
Có 2 con học cấp tiểu học, chị Phan Mai Anh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, năm nào cũng 2 lần, đầu năm và gần cuối năm nhà trường sẽ phát động phong trào Kế hoạch nhỏ. Cụ thể, cô giáo sẽ nhắc học sinh và nhắn trong nhóm lớp chung để các bậc phụ huynh nắm được thời gian, số lượng giấy bìa các con sẽ mang nộp. Điều này sẽ không có gì đáng nói nếu không phải hôm nay cô nhắn tin, ngay ngày mai sẽ... thu luôn giấy vụn.
“Nhà tôi hàng tuần vẫn dọn dẹp, thu gom được khá nhiều chai lọ, giấy vụn. Tuy nhiên, vì ở chung cư, không gian sống chật hẹp nên dọn đến đâu, tôi bỏ đi đến đó, không thể giữ lại chờ đến khi nhà trường phát động mà mang nộp. Cô giáo hôm nay mới nhắn, mai đã bắt nộp ngay nên chẳng còn cách nào khác là vét hết báo, giấy vụn ở cơ quan mang về nhưng cũng có lần không đủ, phải xin thêm bìa ở dưới hàng tạp hóa. Nhưng con từ chối mang nộp vì cô bảo không thu bìa carton, chỉ giấy báo hay sách vở thôi” - chị Mai Anh chia sẻ.
Dù đa số trong thông báo của thầy cô đều khẳng định việc đóng góp theo tinh thần tự nguyện, không ép buộc số lượng nhưng trên thực tế, có những học sinh mang ít hơn số lượng tối thiểu thông báo và bị… phê bình. Chị Lan Thảo (Khu đô thị Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Hôm mang đến nộp, cô giáo cân từng túi giấy học sinh mang đến và khen trước lớp những bạn mang nhiều, phê bình những bạn mang ít. Con tôi mang 1,9kg, không đạt yêu cầu 2kg nên bị phê bình, con buồn mãi”.
Vừa qua, câu chuyện nộp giấy vụn triển khai phong trào Kế hoạch nhỏ tại một lớp thuộc khối 7, trên địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội cũng gây xôn xao dư luận khi cô giáo chủ nhiệm yêu cầu chỉ thu giấy vụn trong một ngày duy nhất. Học sinh nào quên, giáo viên yêu cầu gọi phụ huynh mang tới nộp, nếu không sẽ phải nộp phạt 50 nghìn/kg giấy. Trong khi đó, không ít phụ huynh đã phải… đi mua giấy vụn về để nộp Kế hoạch nhỏ cho con cũng là chuyện bất đắc dĩ đang xảy ra.
Những cách làm hay, hiệu quả tốt
Phong trào Kế hoạch nhỏ ra đời từ năm 1958 với các hoạt động chủ yếu gồm thu hồi giấy, phế liệu, nuôi heo đất,... Sau nhiều năm triển khai, phong trào đã phát triển rộng khắp và đạt được nhiều kết quả, trong đó có thể kể đến việc gây quỹ phục vụ các hoạt động Đội và phong trào thanh thiếu nhi ở các cấp; giúp đỡ học sinh, thiếu nhi nghèo vượt khó vươn lên trong học tập, sinh hoạt và các hoạt động xã hội.
Không chỉ dừng lại ở những công trình, hoạt động mà quỹ gây dựng được, phong trào này còn có mục tiêu giúp các em học sinh rèn luyện tính chuyên cần, cần mẫn, tiết kiệm, tự lập từ nhỏ… Từ những việc nhỏ bé hàng ngày như tiết kiệm, thu gom giấy vụn… học sinh sẽ góp phần bảo vệ môi trường sống xung quanh của chính mình và những người xung quanh. Dẫu vậy, để hoạt động này thực sự có ý nghĩa, nhiều ý kiến cho rằng chính từ nhà trường, các thầy cần có sự hướng dẫn học sinh trong việc phân loại rác thải hàng ngày để các em hiểu được đâu là đồ có thể tái chế, đâu là không thể sử dụng lại.
Bên cạnh đó, việc lên chương trình Kế hoạch nhỏ cũng cần được các nhà trường phát động từ đầu năm học và quyết định khoảng thời gian sẽ nộp để học sinh và gia đình không bị động, có thời gian tích lũy, thu gom đúng với ý nghĩa của hoạt động này là rèn luyện ý thức tiết kiệm cho học sinh. Về bản chất đây là hoạt động tự nguyện nên nhiều ý kiến đề xuất các nhà trường không tính kết quả Kế hoạch nhỏ vào điểm thi đua của từng lớp, của giáo viên, tránh tạo áp lực lên giáo viên, từ đó tạo áp lực lên học sinh.
Từ phía gia đình, cha mẹ cũng cần phối hợp giáo dục, hướng dẫn và tạo điều kiện để con làm các công việc này. Chẳng hạn hết năm học, mỗi học sinh sẽ cất gọn gàng những giấy nháp, vở cũ để nộp mỗi đợt Kế hoạch nhỏ. Đây là hoạt động ý nghĩa, nhân văn.
Hiện nay nhiều trường cũng sáng tạo trong việc thực hiện Kế hoạch nhỏ. Thay vì yêu cầu học sinh góp giấy vụn, nhà trường tổ chức cho các học sinh làm bánh, chè, đồ ăn... bán lấy tiền ủng hộ, mua sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh khó khăn. Hoặc có trường phát động phong trào nuôi heo đất để gây quỹ giúp học sinh nghèo cũng là một cách rèn luyện, bồi đắp lòng tương thân, tương ái, đức tính cần cù, chịu khó… được phụ huynh ủng hộ, phối hợp.
Theo ông Lê Anh Quân - Phó Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Thiếu nhi Việt Nam, số lượng đóng góp của mỗi đội viên, thiếu nhi hay kết quả tham gia phong trào Kế hoạch nhỏ của mỗi cơ sở Đội không phải là tiêu chí để đánh giá thi đua đối với mỗi cá nhân đội viên, thiếu nhi hay đối với các tập thể Đội. Đồng thời, các em không bắt buộc phải đóng góp nếu các em không có điều kiện tham gia, không áp đặt chỉ tiêu đóng góp đối với các em.
“Hội đồng Đội Trung ương mong muốn các gia đình hãy tạo điều kiện tốt nhất để các em được tham gia phong trào, không làm thay các em, hãy để các em tham gia phong trào với tinh thần “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, chúng ta hãy cùng đồng hành để các em có được những trải nghiệm tốt, những bài học quý giá khi tham gia phong trào” - ông Lê Anh Quân nhấn mạnh.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/xoay-quanh-phong-trao-ke-hoach-nho-10278556.html