'Xoáy' vào những vấn đề trọng tâm

Các đại biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: NGỌC CHUNG

Trong ngày làm việc thứ hai (8/12) của Kỳ họp thứ năm, HĐND tỉnh khóa VIII, các đại biểu HĐND tỉnh đã tập trung thảo luận về giải pháp phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), các đề án, dự thảo của các cơ quan hữu quan trình tại kỳ họp.

Đa số đại biểu đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh đối với công tác chuẩn bị kỳ họp này, nhất là việc chuẩn bị nội dung, chương trình đảm bảo chặt chẽ, tài liệu đã được gửi sớm đến đại biểu HĐND tỉnh theo thời gian quy định. Đại biểu tham dự kỳ họp cơ bản thống nhất với các báo cáo, tờ trình của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các ngành hữu quan và báo cáo thẩm tra của các ban HĐND tỉnh trình kỳ họp.

Cần có giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch

Theo các đại biểu, năm 2021, nền kinh tế tỉnh nhà chịu tác động nặng nề của dịch bệnh COVID-19 và lũ lụt trong những tháng cuối năm. Nhiều chỉ tiêu KT-XH chuyêủ́ không đạt kế hoạch đề ra. Các đại biểu đề nghị UBND tỉnh cần có giải pháp cụ thể để phục hồi kinh tế sau đại dịch, phấn đấu đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2022, nhất là tập trung các giải pháp để thực hiện đối với 8 chỉ tiêu không đạt kế hoạch theo Nghị quyết HĐND tỉnh giao trong năm 2021. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có liên quan trong vấn đề kiểm soát giá cả; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư chậm và thiếu quyết liệt trong giải quyết các vướng mắc phát sinh. Về lũ lụt lớn vào cuối tháng 11, đầu tháng 12/2021 vừa qua, mặc dù, công tác chỉ đạo, điều hành được UBND tỉnh quan tâm kịp thời, nhưng đợt lũ này rất bất ngờ, nhanh, người dân bị động, thông tin cảnh báo xả lũ chưa đến người dân kịp thời.

Một số đại biểu cho rằng việc điều tiết nước của Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam giữa huyện Phú Hòa và TP Tuy Hòa hiện nay chưa hợp lý, dẫn đến nước về hạ lưu không đúng thời vụ gieo sạ; vụ hè - thu thì khô hạn, vụ lúa đông - xuân lại ngập úng dẫn đến năng suất lúa trên cánh đồng của TP Tuy Hòa thấp.

Nhiều đại biểu đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt trong việc xử lý đối với 1.156 thửa đất được UBND TX Đông Hòa cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật, vì đến nay đã 2 năm nhưng chưa giải quyết dứt điểm. Đồng thời sớm làm việc với cơ quan chức năng để có giải pháp khắc phục các đoạn đường trên tuyến quốc lộ 1 đi qua Phú Yên, sau mùa mưa bão đã hư hỏng rất nặng, dẫn đến tai nạn giao thông tăng.

Một vấn đề cũng được nhiều đại biểu quan tâm, đó là mỏ đá Kim Sơn (huyện Tuy An) liên tục xả thải ra suối Đá Bàn gây ô nhiễm dòng nước phục vụ sản xuất, dẫn đến hư hại lúa 1 vụ/năm ở thôn Cẩm Tú, xã Hòa Kiến (hơn 40ha). Vấn đề này cử tri thôn Cẩm Tú kiến nghị rất nhiều lần nhưng chưa được khắc phục. Đề nghị Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh tiến hành khảo sát việc chấp hành pháp luật về khai thác khoáng sản tại khu vực mỏ đá Kim Sơn.

Đại biểu Đặng Thị Hồng Nga, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh thảo luận tại tổ. Ảnh: NGỌC CHUNG

Đại biểu Đặng Thị Hồng Nga, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh thảo luận tại tổ. Ảnh: NGỌC CHUNG

Giải quyết việc làm cho lao động từ các tỉnh phía Nam về

Theo các đại biểu, việc triển khai Nghị quyết 16 của Chính phủ về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19, trong đó, số tiền hỗ trợ tiêm vắc xin sử dụng từ nguồn dự phòng của địa phương rất lớn. Đề nghị tỉnh xem xét, hỗ trợ địa phương để đảm bảo thực hiện và khẩn trương xem xét bổ sung các nhóm đối tượng lao động được hỗ trợ do ảnh hưởng dịch COVID-19 theo Quyết định 1088 của UBND tỉnh. Đồng thời có giải pháp hỗ trợ và giải quyết việc làm cho lao động từ các tỉnh phía Nam về địa phương do ảnh hưởng dịch COVID-19.

Các đại biểu đề nghị ngành Giáo dục có giải pháp và cân nhắc việc cho học sinh đi học trực tiếp trở lại. Chương trình “Sóng và máy tính cho em” thực hiện còn chậm, chưa đảm bảo việc học trực tuyến của học sinh. Cần có phương án triển khai Chương trình “Sữa học đường” trong năm 2021 để học sinh sớm được hưởng chính sách từ chương trình…

Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo sớm ban hành kế hoạch triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để thực hiện hiệu quả, đảm bảo theo mục tiêu chương trình. Hiện nay có hơn 9.000 người đồng bào chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Vì vậy, các đại biểu kiến nghị UBND tỉnh xem xét, bố trí nguồn lực để đóng, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng này. Đồng thời quan tâm bố trí, sắp xếp việc làm cho sinh viên cử tuyển là đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non vùng đồng bào dân tộc thiểu số”…

Khắc phục vướng mắc về biên chế, tuyển quân

Cử tri phản ánh, tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 02 của HĐND tỉnh về việc ban hành Quy định chức danh, số lượng, chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, buôn, khu phố; mức bồi dưỡng người trực tiếp tham gia công việc của thôn, buôn, khu phố; mức khoán kinh phí hoạt động đối với các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, bất cập, thiếu tính thực tiễn trong việc quy định xây dựng kế hoạch thực hiện; dùng hình thức chấm công để cấp bồi dưỡng; chi trả tiền bồi dưỡng qua thẻ ATM và các mức phụ cấp thấp hơn so với trước đây… Theo nhiều đại biểu, vấn đề này cử tri đã kiến nghị nhiều lần, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục những vướng mắc, bất cập đã nêu, nhất là trong thời gian dịch bệnh COVID-19 vừa qua, các đối tượng này thực hiện rất nhiều công việc ở địa phương.

Đề nghị UBND tỉnh kiến nghị các cơ quan Trung ương về biên chế giảm 10% giáo viên cơ hữu đối với các trường THPT trên địa bàn tỉnh.

Việc chi trả cho các dịch vụ công như: rác thải, điện chiếu sáng phụ thuộc vào ngân sách nhà nước trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 là rất khó khăn; ngân sách cấp huyện khó đảm bảo kinh phí thực hiện. Đề nghị tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện xã hội hóa.

Ngoài ra, nhiều đại biểu cho rằng chất lượng công tác tuyển chọn đối với thanh niên nhập ngũ chưa cao, cần có đánh giá cụ thể vấn đề sức khỏe của thanh niên nhập ngũ. Việc tham gia xét xử các vụ án hành chính của chủ tịch UBND các cấp còn hạn chế (thường vắng mặt). Đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo UBND các cấp thực hiện nghiêm quy định về xét xử các vụ án hành chính…

Các chỉ số PCI, PAPI đang có chiều hướng giảm dần vào các năm gần đây. Các đại biểu đề nghị Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá Chương trình hành động 06 của Tỉnh ủy về lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao chỉ số PCI, PAPI, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, lành mạnh.

PHẠM THÙY

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/76/268397/-xoay--vao-nhung-van-de-trong-tam.html