XOAY XỞ VỚI LƯƠNG TỐI THIỂU (*): Tạo động lực cho người lao động

Để ổn định nguồn nhân lực, trong điều kiện khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn áp dụng chính sách tiến bộ về lương và tăng cường các phúc lợi cho người lao động

Suốt 2 năm qua, lộ trình điều chỉnh lương tối thiểu (LTT) vùng đã bị chững lại do các tác động nặng nề của dịch Covid-19. Điều đó đã đẩy người lao động (NLĐ), nhất là công nhân (CN) làm việc tại các thành phố lớn, rơi vào tình thế khó khăn, nhiều người đã phải bỏ việc trở về quê nhà sinh sống. Trong hoàn cảnh ấy, để giữ được lực lượng lao động, nhất là NLĐ có tay nghề, nhiều doanh nghiệp (DN) đã nỗ lực vượt khó để chăm lo tốt cho NLĐ.

Khó vẫn tăng lương

Tại Công ty TNHH Thêu Vĩnh Dương (quận Tân Phú, TP HCM), ngoài tăng lương theo chính sách LTT vùng của Chính phủ hằng năm, NLĐ còn được điều chỉnh lương theo định kỳ (căn cứ ngày ký hợp đồng lao động) và kết quả bình bầu thi đua.

Với hình thức tăng lương định kỳ, trong 3 năm đầu, NLĐ được tăng lương mỗi năm (7%/năm), từ năm thứ 4, để được tăng lương NLĐ phải tham gia các kỳ thi nâng bậc thợ do công ty tổ chức. Mức lương được trả căn cứ vào bậc thợ của từng người. Bên cạnh đó, căn cứ vào đánh giá xếp loại hiệu quả làm việc theo A, B, C, NLĐ sẽ được tăng từ 200.000-500.000 đồng/người/tháng. Ông Liêu Ngọc Sơn, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết với các chính sách này, bình quân mỗi năm NLĐ được tăng lương từ 15%-17%/năm. Khoản tăng này luôn nằm trong dự toán chi phí từ đầu năm của công ty, do vậy, trong những thời điểm khó khăn, chẳng hạn như sau đợt dịch vừa qua, việc tăng lương cho NLĐ vẫn được bảo đảm. Thêm vào đó, để chia sẻ khó khăn với NLĐ trong bối cảnh vật giá leo thang nhưng không được điều chỉnh LTT vùng suốt 2 năm qua, đầu năm 2022 Công đoàn đã đề xuất chủ DN tăng thêm các khoản phụ cấp cho CN. Cùng khoản phụ cấp sinh hoạt 550.000 đồng/người/tháng, tiền chuyên cần được công ty nâng từ 170.000 đồng lên 200.000 đồng/người/tháng, tiền xăng từ 1.000 đồng/km lên 2.000 đồng/km, tiền cơm trưa từ 18.000 đồng lên 25.000 đồng/suất. Đặc biệt, để ghi nhận sự chia sẻ của NLĐ trong thời điểm hàng nhiều, phải tăng ca, tiền lương tăng ca cũng được công ty trả cao hơn luật định 10% nếu tăng ca vào ban ngày (ngày làm việc bình thường) và 20% khi tăng vào ban đêm. Hiện nay, thu nhập của CN nếu không tăng ca đạt khoảng 6,5 triệu đồng/người/tháng, nếu tăng ca thì từ 8-10 triệu đồng/người/tháng.

Dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Công ty TNHH Thêu Vĩnh Dương vẫn có chính sách tăng lương định kỳ cho người lao động Ảnh: MAI CHI

Dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Công ty TNHH Thêu Vĩnh Dương vẫn có chính sách tăng lương định kỳ cho người lao động Ảnh: MAI CHI

Tương tự, dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, 2 năm qua, Công ty CP Bao bì Vafaco (quận Bình Tân, TP HCM) vẫn tăng lương cho NLĐ. Hiện mức LTT công ty đang áp dụng là 4,73 triệu đồng/tháng, thêm phụ cấp tiền ăn, xăng xe, phụ cấp ca ba… thì thu nhập bình quân NLĐ đạt từ 8-12 triệu đồng/tháng. Tháng 4 hằng năm, công ty đều tiến hành rà soát lại bậc lương, nghề để tăng lương cho NLĐ. Mức tăng từ 5%-7% tùy vào vị trí công việc.

Trân trọng công sức người lao động

Dịch bệnh không chỉ tác động đến đời sống NLĐ mà còn ảnh hưởng đến cả DN. Tuy nhiên không vì khó khăn mà DN bỏ rơi NLĐ. Ngược lại, nhiều DN còn cố gắng hỗ trợ nhiều hơn, chăm lo nhiều hơn, tốt hơn cho NLĐ.

Tiêu biểu, tại Công ty CP Thực phẩm Cholimex (KCN Vĩnh Lộc, TP HCM), thu nhập của NLĐ trong năm 2021 tăng khoảng 10% nhờ các chính sách tăng lương và tăng đơn giá sản phẩm. Hiện thu nhập bình quân của trên 1.600 NLĐ tại công ty đạt khoảng 14 triệu đồng/người/tháng. Để khuyến khích NLĐ luôn nỗ lực phấn đấu và gắn bó lâu dài với DN, hằng năm, ngoài điều chỉnh tiền lương theo mức LTT vùng, DN áp dụng chính sách tăng lương định kỳ cho NLĐ. Nhờ vậy, trong 2 năm DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và Chính phủ không điều chỉnh LTT vùng, thu nhập của NLĐ vẫn tăng nhờ chính sách tăng lương định kỳ này. Trao đổi cụ thể về chính sách tiền lương, ông Huỳnh Đại Trí, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết cứ tháng 12 hằng năm, DN sẽ tổ chức xét tăng lương trong năm tiếp theo cho NLĐ thuộc khối gián tiếp, mức tăng từ 5%-10% tùy theo bộ phận và năng lực của từng người. Đối với khối sản xuất trực tiếp, DN sẽ xét tăng đơn giá sản phẩm để làm cơ sở tăng thu nhập cho NLĐ. Đầu năm 2022, đơn giá sản phẩm cũng được điều chỉnh tăng 10% so với năm 2021, nhờ vậy thu nhập của NLĐ được cải thiện. Song song với việc tăng lương, để tạo động lực cho NLĐ phấn đấu làm việc với năng suất cao, hằng tháng và cuối năm, DN sẽ xét thưởng theo xếp loại A, B, C cho NLĐ. Cùng với đó, công ty có nhiều chính sách đãi ngộ như hỗ trợ tiền nhà trọ, tăng cường dinh dưỡng cho bữa ăn giữa ca…

Tại Công ty CP In số 4 (KCN Vĩnh Lộc, TP HCM), thu nhập bình quân của NLĐ đạt 12,5 triệu đồng/người/tháng. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Nhanh, Phó Tổng Giám đốc, cho biết mức lương thấp nhất của CN công ty là 7,4 triệu đồng/tháng, cộng thêm 1,35 triệu đồng/tháng phụ cấp tiền xăng xe. Mỗi năm, công ty đều xét nâng lương cho NLĐ theo thâm niên và theo tay nghề. Hai năm qua, dù nhà nước không tăng LTT vùng nhưng hiểu được cuộc sống của NLĐ gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh nên công ty vẫn tăng lương để chia sẻ với họ.

Ông NGUYỄN THÀNH ĐÔ, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ TP HCM:

Người lao động phải được trả lương tương xứng

Hai năm qua, việc LTT không được điều chỉnh cộng với tác động của dịch bệnh khiến đời sống NLĐ thêm khó khăn. Do vậy, việc điều chỉnh LTT vùng vào thời điểm này là rất cần thiết. Việc điều chỉnh LTT không chỉ có lợi cho NLĐ mà còn có lợi cho DN. Ở những DN có lương, thưởng, chế độ chăm lo tốt, NLĐ gắn bó với DN phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, giảm hư hao, tăng năng suất... Việc làm bền vững, sản xuất sẽ bền vững. DN ổn định lao động sẽ giữ được lao động có tay nghề cao, không tốn chi phí tuyển mới, chi phí đào tạo.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 30-3

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/xoay-xo-voi-luong-toi-thieu-tao-dong-luc-cho-nguoi-lao-dong-20220331203832234.htm