Xốc lại tinh thần sau khi phát hiện bị ung thư

Chị Nguyệt đã thực hiện chế độ ăn mới, phối hợp các loại rau gia vị để dễ tiêu hóa, dùng đồ ăn khi vừa nấu xong, cộng với việc tập luyện vừa sức những bài đi bộ nhanh trên máy.

 Chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt tập thể dục giữ sức khỏe

Chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt tập thể dục giữ sức khỏe

Là một người làm công việc truyền thông trong ngành y tế, mỗi năm, chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (ngụ TPHCM) thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng mỗi lần. Bên cạnh đó, chị còn chủ động tầm soát chuyên sâu mỗi khi cảm thấy cơ thể không ổn.

Chị Nguyệt chia sẻ, biết bản thân có khối u xơ tử cung lành tính cần được theo dõi nên chị thường xuyên kiểm soát chế độ ăn uống của mình. Thế nhưng vào một ngày cuối năm 2022, chị đột nhiên thấy bụng đau dữ dội sau thời gian dài tập trung quá sức cho công việc cuối năm.

Lúc này, chị liền gọi xe vào bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ cho biết chị bị xuất huyết ổ bụng, nếu không được xử lý kịp thời thì có thể dẫn tới tử vong. Chị trải qua cuộc phẫu thuật để bóc u xơ thường quy theo chỉ định của bác sĩ do có mảng lạc nội mạc lẫn khối u xơ với kích thước lớn đã chèn ép, gây móp bàng quang.

Những tưởng sau cuộc phẫu thuật, chị sẽ trút được gánh nặng bấy lâu nay khi chần chừ phẫu thuật bóc u xơ do sợ mổ. Thế nhưng, chị bàng hoàng khi kết quả giải phẫu cho thấy chị mắc ung thư Sarcoma cơ trơn tử cung.

Theo y văn, đây là một trong những chứng bệnh ung thư dạng hiếm gặp, chiếm khoảng 0,03% trường hợp dạng ung thư cơ trơn tử cung trên thế giới và chỉ được phát hiện tình cờ qua mổ bóc u xơ thường quy.

Sau 3 tuần thực hiện ca mổ trước, chị Nguyệt lại bước vào ca phẫu thuật mổ bóc tách, bỏ toàn bộ tử cung, cổ tử cung và phần phụ (buồng trứng), nạo vét các tế bào nghi ngờ xung quanh ổ bụng.

Sau ca phẫu thuật thành công, chị bước vào giai đoạn điều trị phục hồi bằng các biện pháp hỗ trợ và chế độ ăn uống, tập luyện phù hợp.

Sau 6 tháng thực hiện phẫu thuật, chị Nguyệt lại đối diện với những dấu hiệu mãn kinh "bất thình lình". Ở độ tuổi 40, sau hai lần đặt ống thông tiểu và bị bí tiểu trong quá trình hậu phẫu, chị thường xuyên bị ức chế tâm lý và dễ bị viêm nhiễm phụ khoa, tăng cân, vui buồn thất thường, mệt mỏi, dễ cáu gắt, bị rối loạn giấc ngủ. Chị tự cô lập bản thân, không giao tiếp với ai, kể cả con cái.

Không muốn để tình trạng này trầm trọng hơn, chị Nguyệt tìm đến các khóa học thiền và dinh dưỡng cân bằng. Chị nhận ra việc ăn uống hiện tại của bản thân quá nhiều chất bổ nhưng lại thiếu một số dưỡng chất cho cơ thể.

Do tâm lý muốn hồi phục sức khỏe nhanh sau phẫu thuật nên chị dùng yến, táo đỏ, kỷ tử… trong thời gian dài, khiến người bị tăng cân. Vì ăn thiếu đạm nên tóc của chị bị rụng nhiều, da sạm, người yếu đi.

Để giải quyết vấn đề này, chị Nguyệt đã thực hiện chế độ ăn mới, phối hợp các loại rau gia vị để dễ tiêu hóa, dùng đồ ăn khi vừa nấu xong, cộng với việc tập luyện vừa sức những bài đi bộ nhanh trên máy.

Bên cạnh đó, chị tham gia trò chuyện trong một cộng đồng cùng sở thích, mối quan tâm. Từ đó, chị lấy lại được sự cân bằng.

"Tôi phát hiện ra "chìa khóa" của sự thay đổi nằm ở cách nghĩ của bản thân. Tuy vậy, đó lại là điều khó thay đổi nhất. Vì chuỗi ngày hậu phẫu mới là bắt đầu của hành trình đối diện với một loạt vấn đề mới của cơ thể, với sự mất cân bằng từ hormone khiến việc ổn định tâm trạng rất khó khăn.

Do đó, mình cần một chế độ ăn và vận động phù hợp để lấy lại sự cân bằng rồi mới bắt đầu đối diện với từng vấn đề của bản thân", chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt chia sẻ.

Đình Hưng

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/soc-lai-tinh-than-sau-khi-phat-hien-bi-ung-thu-2024081212593003.htm