Xóm Bui giữ gìn nghề mây tre đan truyền thống

Nghề truyền thống mây tre đan thủ công ở xóm Bui, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) có từ lâu đời. Những năm qua, các cấp chính quyền xã đã có nhiều nỗ lực nhằm gìn giữ, từng bước khôi phục, phát triển nghề truyền thống, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tạo việc làm cho lao động địa phương.

Nghề truyền thống mây tre đan thủ công ở xóm Bui, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) có từ lâu đời. Những năm qua, các cấp chính quyền xã đã có nhiều nỗ lực nhằm gìn giữ, từng bước khôi phục, phát triển nghề truyền thống, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tạo việc làm cho lao động địa phương.

Hợp tác xã làng nghề truyền thống mây tre đan xóm Bui, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) tạo việc làm cho nhiều chị em tại địa phương.

Hợp tác xã làng nghề truyền thống mây tre đan xóm Bui, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) tạo việc làm cho nhiều chị em tại địa phương.

Bà Quách Thị Dung, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) làng nghề truyền thống mây tre đan xóm Bui cho biết: "Trước đây, khi các sản phẩm mây tre đan chưa thực sự trở thành hàng hóa, các hộ làm những chiếc giỏ, cơi trầu, khay đựng... để sử dụng trong sinh hoạt gia đình, hoặc bán nhỏ lẻ, làm vật trao đổi tại các phiên chợ. Xã hội hiện đại, khi các sản phẩm công nghiệp tràn ngập thị trường, nhiều khách hàng lại tìm đến những sản phẩm thủ công như một nét tinh hoa văn hóa của dân tộc. Nhận thấy mặt hàng này có tiềm năng tiêu thụ lớn, lại tận dụng được thời gian lúc nông nhàn, không phải bỏ chi phí, chị em chỉ cần nhận nguyên liệu, làm và trả công theo sản phẩm khi HTX được thành lập ngày càng thu hút nhiều người tham gia, tạo việc làm thường xuyên".

Thành lập từ năm 2020, HTX làng nghề truyền thống mây tre đan xóm Bui chuyên sản xuất, mua bán các mặt hàng mây, tre đan thủ công, khởi đầu với hơn 10 thành viên là những người còn lưu giữ, gắn bó với nghề. Đến nay, HTX có trên 100 thành viên, đều là phụ nữ trong xã, tạo việc làm ổn định, đồng thời tạo việc làm cho 100 lao động thời vụ với thu nhập từ 2,5 - 3 triệu đồng/ người/tháng. Các sản phẩm đa dạng về mẫu mã, chất lượng đảm bảo, chủ yếu được làm thủ công. HTX nhận được nhiều đơn hàng từ các tỉnh, thành phố và ngoài nước như Trung Quốc, Nhật Bản.

Mặc dù không phải nghề chính, chỉ làm những lúc nông nhàn nhưng mây tre đan mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều lao động địa phương, nhất là hộ nghèo, không có nhiều tư liệu sản xuất. Trung bình mỗi tháng, các thành viên HTX sản xuất được 4.000 - 5.000 sản phẩm với 15 loại mặt hàng, gồm: giỏ, cơi trầu, khay đựng, mâm… được làm từ tre, mây và các vật liệu thân thiện môi trường. Sản phẩm được các công ty tại Hà Nội và nhiều tỉnh đặt hàng, ký hợp đồng thu mua thường xuyên, đầu ra ổn định. Nhiều chị em thuộc hộ nghèo, hạn chế sức lao động, sau khi tham gia HTX đã có thu nhập, cải thiện đời sống. Bên cạnh đó, các thành viên cốt cán của HTX cũng được cấp chứng chỉ dạy nghề, tiếp tục giảng dạy các lớp đào tạo nghề mây, tre đan, qua đó góp phần bảo tồn, lưu giữ nghề truyền thống cho quê hương.

Bà Quách Thị Lan, thành viên HTX cho biết: "Tôi tham gia học và làm sản phẩm mây tre đan từ năm 2022. Ngoài thời gian canh tác nông nghiệp, tôi nhận nguyên liệu của HTX về làm, tăng thu nhập cho gia đình. Nghề mây tre đan cho thu nhập đáng kể, cải thiện đời sống, có tích lũy hàng tháng”.

Nguồn nguyên liệu được HTX nhập chủ yếu từ đơn vị đối tác và các đầu mối quanh vùng. Để đáp ứng yêu cầu chất lượng đơn vị thu mua đặt ra, nguyên liệu càng phải lựa chọn kỹ càng. Ngoài sự khéo léo còn đòi hỏi sự cần mẫn, tỉ mỉ, sáng tạo, cập nhật và học hỏi nhiều mẫu mã mới để tạo ra sản phẩm đa dạng, có chất lượng, thẩm mỹ, đáp ứng nhu cầu thị trường. Do đó, các thành viên HTX luôn tích cực tham khảo, trao đổi kinh nghiệm, sáng tạo thêm nhiều mẫu mã mới để áp dụng, dần nâng cao tay nghề cho các thành viên, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao uy tín, mở rộng thị trường.

Đồng chí Bùi Văn Dát, Chủ tịch UBND xã Văn Nghĩa cho biết: "HTX làng nghề truyền thống mây tre đan xóm Bui hoạt động hiệu quả, ổn định trong nhiều năm. Ngoài các đơn vị đang ký kết hợp đồng thu mua, xã cũng tích cực tìm kiếm thêm đơn vị bao tiêu sản phẩm nhằm đảm bảo đầu ra ổn định. Đồng thời, tạo điều kiện tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao tay nghề, mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, nhất là hộ nghèo, góp phần phát triển kinh tế địa phương”.

Hoàng Anh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/200534/xom-bui-giu-gin-nghe-may-tre-dan-truyen-thong.htm