Xốn xang... tết về
Tháng Chạp về rồi. Năm nào cũng vậy, cứ bước vào tháng Chạp là lòng người cảm giác như mọi thứ vội vã, chạy đua với thời gian. Phải chăng, bởi ai cũng muốn nhanh nhanh 'gói ghém', hoàn tất những việc còn dở của năm cũ, để có thể đón năm mới thảnh thơi hơn chăng?! Và trong những ngày tháng Chạp đang đi qua, mỗi người Việt lại xốn xang niềm đón chờ tết về.
1. Với tôi, “chỉ dấu” báo hiệu tết là mùi thơm của hương bài những ngày gần tết quện tỏa, phảng phất trong không gian. Mùi hương ấy thật đặc biệt, như “đánh thức” mọi “giác quan” về tết trong tôi.
Quê tôi bên triền sông Mã, dựa lưng vào núi Sơn Trang kéo dài, cuộc sống người dân vẫn chủ yếu thuần nông. Ngọn núi “chạy” qua làng tôi, người dân vẫn thường gọi tên núi Vàng. Trên núi Vàng, bên cạnh những cây sim rừng hè về hoa nở tím ngát, còn có cả cây hương bài mọc hoang dã. Chạp về, một vài người trong thôn lại rủ nhau lên núi đi đào lấy rễ cây hương bài về để làm hương - không phải bán, chỉ để dùng trong gia đình, như một “thói quen”. Đào được cây hương bài về rồi, người ta bắt đầu làm sạch, rồi hong gió cho thật khô. Cũng bởi, chỉ tự làm để sử dụng trong gia đình, nên rễ cây hương bài được giã mịn bằng cối đá, đến những chân hương cũng được vót tay có phần vụng về. Rồi người ta lấy bã mía đã phơi khô, cũng giã mịn, trộn lẫn cùng nhau, cuốn vào giấy... Chỉ vậy thôi mà khi đốt lên thơm ngát đến thế.
Hàng xóm nhà tôi là một đôi vợ chồng già. Con cái hai cụ đều đi làm ăn xa, tết có năm về, năm không. Nhưng năm nào cũng vậy, cứ Chạp về là ông lên núi đi đào rễ cây hương bài về cho bà ở nhà phơi khô, giã mịn. Có lần tôi thắc mắc, ông bà tự làm làm chi cho vất vả, mua cũng chẳng tốn bao nhiêu, và nếu thích thì có thể mang rễ hương bài ra ngoài quán để người ta nghiền thành bột, sao cứ phải lạch cạch giã tay cho mỏi. Nghe xong, ông thủng thẳng: “Mua thì vẫn phải mua, nhưng mà làm thì vẫn làm. Làm để nhớ những ngày tết xưa, làm để nhớ ông bà tổ tiên, nhớ những ngày trước còn thiếu thốn, mấy anh em cùng nhau theo bố lên núi, về nhà cả gia đình cùng nhau quây quần...”. Và năm nào làm xong ông cũng cho gia đình tôi một bó nhỏ, độ mươi que hương giấy, kèm lời dặn: “Đốt cho thơm nhà thơm cửa, đốt cho nhớ tết về...”.
2. Mẹ tôi, bao năm vẫn vậy, bước sang những ngày tháng Chạp vội vã, bà lại tất bật với việc tranh thủ ngày có gió để xát ít lúa nếp được cấy ở đất “chân mạ” rồi về hì hục vo, ngâm, nghiền thành nước và lọc, phơi. Mẻ bột ngon là khi không gặp phải trời mưa, trắng mịn. Bột phơi khô, mẹ tôi cẩn thận đóng thành mươi gói nhỏ, bọc bên ngoài bằng giấy báo chống ẩm, xếp gọn vào một chỗ để... biếu anh em mỗi người một gói ăn tết. Việc phơi bột làm bánh dẫu không cầu kỳ nhưng nhiều công đoạn. Hơn một lần tôi nói với mẹ, bây giờ hàng hóa, bột làm bánh ở đâu cũng sẵn, mẹ hà tất cứ phải bận rộn. Nhưng mẹ tôi, một người nông dân lam lũ, yêu bông lúa, hạt gạo làm ra, lại có cái lý riêng cho sự vất vả của mình!
Để rồi, những ngày tháng Chạp về, khoảng sân rộng phía trước nhà tôi được sử dụng tối đa cho việc phơi bột làm bánh với những nong lớn nong nhỏ, dần, sàng... Bột gạo thơm phảng phất chút chua nhẹ như khiến tết đến gần hơn.
Cùng với việc xay bột, từ ngoài mùng 10 tháng Chạp, sau những buổi đi chợ về, mẹ tôi bao giờ cũng sẽ mua thêm một vài đồ chuẩn bị cho ngày tết sắp đến. Hôm chai mật mía, túi măng khô, vài quả gấc chín... Cứ như vậy, mẹ cùng các bà, các mẹ ở quê tôi sắm sửa chuẩn bị tết cho đến tận những phiên chợ cuối cùng trong năm. Cuộc sống hiện đại, người ta có thể ngồi nhà để đặt mua nhiều thứ qua mạng, hàng hóa được chuyển đến tận nhà. Nhưng cảm giác đi chợ truyền thống, được tự tay chọn từng món đồ, xúc cảm cũng thật khác.
Nhắc đến chợ phiên ngày tết, tôi bất chợt nhớ đến phiên chợ của người dân nơi vùng biên Mường Lát. Ở những phiên chợ ngày cuối năm, trong số nhiều hàng hóa địa phương được bày bán, sẽ không thể thiếu giấy bản - một loại giấy mang đậm nét văn hóa, tín ngưỡng của người Mông nơi miền Tây xứ Thanh. Từ những nguyên liệu của núi rừng (các loại cây họ tre, nứa, giang) và một số nguyên liệu khác, bao thế hệ người Mông vẫn duy trì việc làm thủ công giấy bản để làm “xử ca” - bàn thờ mới mỗi dịp tết đến xuân về. Giấy bản được người Mông làm ra với niềm vui và sự tôn kính. Vì vậy, ngay cả khi mặt hàng này được bày bán ở chợ phiên những ngày giáp tết, nó mang theo niềm vui của cả người bán lẫn người mua.
3. Và tết như xốn xang hơn, gần hơn khi ta thấy từ những cung đường miền biên viễn đến nơi phố thị náo nhiệt, đào quất đã bắt đầu khoe sắc gọi mùa xuân về. Sắc thắm hoa đào, mai vàng rực rỡ, quất lúc lắc quả và nhiều loại hoa tươi, trái đẹp... khiến cho tết rộn ràng, chứa chan niềm vui.
Tết đến, xuân về, cùng với niềm vui trước ngày lễ cổ truyền của dân tộc, đâu đó còn cả những tất bật, lo toan. Là những chủ doanh nghiệp sau một năm kinh tế nhiều khó khăn, đang nỗ lực xoay xở để lo cho người lao động có thêm những đồng tiền thưởng tết; là những tiểu thương dẫu việc kinh doanh trước đó chẳng mấy thuận lợi, nhưng vẫn mang hy vọng về những ngày cuối năm hàng hóa trôi chảy. Đến những người con xa quê, cũng đang sắp xếp công việc, gói ghém tiền bạc... để đêm giao thừa, có thể ngồi quây quần đón tết cùng với gia đình... Mỗi người chúng ta, sẽ đều có những nỗi niềm, trách nhiệm riêng cần phải nỗ lực và cố gắng. Với hy vọng cho một cái tết đủ đầy, một mùa xuân yêu thương, nhiều ước vọng...
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/xon-xang-tet-ve/30035.htm