Xôn xao vụ đề xuất xây hồ trữ nước ngọt 135.000 tỷ ở miền Tây

Mới đây, Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý (Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TPHCM) thông tin về đề xuất xây 2 hồ chứa nước ngọt ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp và huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang với tổng kinh phí đầu tư khoảng 135.000 tỷ đồng. Việc này theo đánh giá của chuyên gia là có sự hiểu lầm về tình hình hạn mặn, không mang tính khả thi.

Đề xuất xây hồ gần khu bảo tồn

Trước đó (ngày 30/6), tại hội thảo nước ngọt cho Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), TS Võ Văn Hải, Hội Khoa học kinh tế và quản lý (Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TPHCM) đã nói về đề xuất xây 2 hồ chứa dung tích 1 tỷ và 1,5 tỷ m3 nước tại Đồng Tháp và Hậu Giang. Theo phương án được nhóm nghiên cứu gợi ý, vị trí xây hồ chứa tại Đồng Tháp đặt gần Vườn quốc gia Tràm Chim (H.Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) diện tích xây dựng khoảng 27.000ha, dung tích 1,5 tỷ m3 nước.

Theo nhóm nghiên cứu, hệ thống thủy lợi hiện có tại khu vực thuận lợi cho điều tiết dòng chảy mùa hạn, cung cấp nước cho các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre thông qua kênh liên tỉnh. Với phương án này, chi phí cho hồ chứa này khoảng 67.000 tỷ đồng, bao gồm xây dựng và giải phóng mặt bằng. Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng gần 8.000 hộ, với khoảng 32.000 nhân khẩu. Theo TS Hải, với mật độ dân cư thấp 281 người mỗi km2, chi phí đền bù giải tỏa tái định cư không quá cao.

Ngoài ra, hồ chứa thứ hai nằm gần Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng trên địa bàn 3 xã: Phương Bình, Phương Phú, Tân Phước Hưng (thuộc huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang). Hồ chứa có dung tích 1 tỷ m3 với dân cư thưa thớt nên chi phí đền bù giải tỏa không quá cao. Tổng diện tích xây hồ dự kiến hơn 17.000ha. Số hộ dân dự kiến di dời khoảng 11.700 hộ với gần 47.000 nhân khẩu. Tổng mức đầu tư cho công trình khoảng 68.000 tỷ đồng. Theo nhóm nghiên cứu, việc xây dựng hồ chứa sẽ giúp điều tiết nước cho các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và một phần Kiên Giang, Cần Thơ thông qua hệ thống kênh rạch có sẵn.

Nông dân huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đánh bắt thủy sản vào mùa lũ

Nông dân huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đánh bắt thủy sản vào mùa lũ

Tại hội thảo, TS Hải phân tích, các hồ chứa xây dựng gần các khu bảo tồn thiên nhiên với mục đích dùng nơi này dự trữ nước thông qua hệ sinh thái khu vực. Hai hồ cũng có chức năng cung cấp nước, phòng, chống cháy rừng trong mùa khô hạn cho hai khu bảo tồn, không khai thác rừng làm hồ nước ngọt.

Tại hội thảo này, theo PGS.TS Phùng Chí Sỹ (Phó chủ tịch Hội nước và môi trường TPHCM) cho rằng, việc xây dựng hồ chứa nước gần các khu bảo tồn thiên nhiên cần cẩn trọng. Theo ông, Luật đa dạng sinh học, Luật lâm nghiệp quy định khu bảo tồn thiên nhiên được bảo vệ nghiêm ngặt, thậm chí vùng đệm xung quanh cũng hạn chế can thiệp của con người. Ông cho rằng, việc xây dựng hồ chứa nước ngọt là giải pháp đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt, sản xuất nhưng cần xem xét nhiều khía cạnh khác nhau để bảo đảm hài hòa lợi ích người dân, không làm tổn hại môi trường.

Có sự hiểu lầm về hạn mặn?!

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện (chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái vùng ĐBSCL) cho rằng: "Trước giờ tôi thường nói ĐBSCL có 3 nhóm nguy cơ. Nhóm một là từ thượng nguồn xuống, gồm có biến đổi khí hậu ở phía thượng nguồn và thủy điện. Thứ hai là biến đổi khí hậu tác động tại chỗ và nước biển dâng. Thứ ba là những vấn đề nội tại của ĐBSCL do nền nông nghiệp chạy theo số lượng trong một thời gian dài vừa qua. Bây giờ tôi thấy có một nhóm nguy cơ thứ tư, đó là những thông tin sai lệch và những giải pháp "hiến kế" giết chết ĐBSCL nhanh hơn".

Theo chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện, trước hết là sự hiểu lầm rất là lớn về hạn mặn. Điểm lại tình hình hạn của năm nay, hạn đến rất muộn nhưng có khi báo chí theo thói quen vẫn nói là hạn đến sớm. "Thực tế là năm nay hạn - mặn không có sớm. Khi nào nó đến vào tháng 11, 12 mới là sớm, năm nay từ tháng 3 trở đi mới có hạn, tức rất muộn so với các năm. Tôi cũng khẳng định sông Mê Kông năm nay không cạn kiệt mà vẫn đầy nước trong suốt mùa khô vừa qua. Bản đồ độ ẩm ướt của ĐBSCL cho đến tháng 4 thì gần như toàn bộ vẫn ẩm ướt. Bởi vì năm ngoái lũ đạt đỉnh muộn một tháng so với bình thường. Cho nên "đuôi" mùa lũ kéo sang đầu mùa khô. Vì vậy mùa khô tháng 1, 2 ĐBSCL rất nhiều nước và vẫn đủ nước là vậy. Nhưng lại có hai vùng hạn, đó là vùng duyên hải cửa sông Cửu Long ven biển phía Đông trải dài từ Tiền Giang qua Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và vùng bán đảo Cà Mau", thạc sĩ Thiện nói.

Vùng đất gần Vườn quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp được đề xuất xây hồ trữ nước ngọt

Vùng đất gần Vườn quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp được đề xuất xây hồ trữ nước ngọt

Cũng theo ông Thiện, vùng bán đảo Cà Mau là vùng không nhận nước từ sông Hậu, mà chủ yếu là nước mưa, cho nên gặp năm vừa qua El Nino thì nắng nóng gây bốc hơi nhanh nên vùng này kiệt nước ngọt. Đáng nói, vùng cửa sông Cửu Long thiếu nước là vì chúng ta không cho nước vào. Mùa khô tại đây ngày xưa phải là nước lợ, do nước mặn đi vào pha với nước ngọt, nhưng sau đó trong thời kỳ ưu tiên cây lúa và tư duy xem nước mặn là "kẻ thù”, chúng ta đã dùng công trình bao lại giữ cho ngọt quanh năm, không cho nước mặn vào tự nhiên nữa. Cách làm này trước đây có được nước ngọt trong mùa khô cho sản xuất, nhưng bên trong các vùng ngọt hóa này tù đọng ô nhiễm, mất hết tài nguyên thủy sản tự nhiên. Nước ngọt đó cũng không sử dụng cho sinh hoạt được nên người dân chỉ sử dụng nước ngầm.

Trong bối cảnh ngày nay, những năm nào có El Nino cực đoan khô hạn thì nước ngọt bay hơi mất từ đầu tháng Giêng, thế là không có nước mặn, cũng không có nước ngọt nên mới khô hạn. Trong khi đó toàn bộ đồng bằng vẫn ẩm ướt. Với một năm mà sông Mê Kông không cạn kiệt như năm nay thì thực tế đã cho thấy, hạn ở 2 vùng này là do ngăn mặn, tức là ngọt hóa không còn phù hợp nữa. Những ai không hiểu thực tế ĐBSCL mà chỉ theo dõi tin tức, hình ảnh cận cảnh những vùng hạn này thì dễ lầm tưởng là cả ĐBSCL đang "quằn quại" thiếu nước, chuyên gia Thiện phân tích.

Xây hồ trong vùng ngập để làm gì?

Về đề xuất xây 2 hồ chứa nước ngọt, theo chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện đây là xuất phát từ sự hiểu lầm trên. Tình hình năm nay đã cho thấy rõ, khi sông Mê Kông không hề cạn kiệt thì 2 vùng này vẫn khô hạn do ngăn mặn. Vậy thì xây hồ to lớn ở Đồng Tháp để làm gì? Có liên quan gì tới hạn ở vùng ven biển đâu? Còn hồ ở vùng Phụng Hiệp càng không ổn. Thực tế vùng này trong mấy chục năm vừa qua là vùng trũng, bị bao quanh bởi những công trình ngăn mặn thì toàn vùng bị "ngộp" trong mùa khô. Nước sông đầy "óc ách" làm cho đất đai không "thở" được. Mùa khô ở vùng này nước sông cao hơn ruộng đồng làm cho đồng ruộng bị trầm thủy lưu niên, người dân rất khổ. Mùa khô không cày phơi đất được nên người dân bỏ trồng lúa, chuyển sang trồng mía thì mía không ngọt, chuyển sang trồng cam thì cam thúi rễ, trồng tràm thì tràm không phát triển, giờ chỉ còn cách bỏ cho dừa nước mọc hoang. Giờ làm thêm cái hồ trữ nước trong vùng nước ngập mênh mông này để làm gì?

Về đề xuất hồ ở Đồng Tháp rộng tới 27.000ha, chuyên gia Thiện cảm thấy rất lo ngại. Bởi diện tích cả huyện Tam Nông chỉ có 45.000ha, trong đó 7.000ha thuộc Vườn quốc gia Tràm Chim. "Làm cái hồ 27.000ha nữa thì huyện chỉ còn 11.000 ha rồi dân đi đâu mà sống, trong khi đó cái hồ này không liên quan gì chuyện hạn ven biển. Còn khi nói hồ này chứa được 1,5 tỷ m3 thì cần xem lại dựa trên cơ sở nào, vì trong mùa khô nước bốc hơi khoảng 6-7mm/ngày. Qua một mùa khô vừa bốc hơi vừa thấm thì mất ít nhất 1,3m nước, còn lại bao nhiêu và "cứu" được ai?", thạc sĩ Thiện đặt câu hỏi.

Về giải pháp cho đồng bằng, chuyên gia Thiện cho rằng, từ năm 2017, Chính phủ đã có Nghị quyết 120/NQ-CP với tinh thần thuận thiên, sau đó bản quy hoạch tích hợp ĐBSCL dựa trên tinh thần Nghị quyêt 120 đã được soạn thảo. Quy hoạch này đã được Thủ tướng công bố tại Cần Thơ tháng 6/2022. Bên cạnh đó, Bộ Chính trị cũng đã có Nghị quyết 13 về phát triển bền vững ĐBSCL. Đây là khung chính sách rất tốt, nếu thực hiện tốt thì ĐBSC sẽ vượt qua được những vấn đề nội tại, thích ứng được với biến đổi khí hậu và đi tới một tương lai thịnh vượng.

"Gần đây tôi thấy có rất nhiều hội thảo, diễn đàn vì lo lắng cho ĐBSCL nhưng dựa trên sự hiểu lầm về tình hình hạn - mặn, thủy điện, biến đổi khí hậu nên đinh ninh rằng ĐBSCL sẽ ngày càng thiếu nước ngọt. Từ đó, nhiều người đã "hiến kế" giải pháp đủ các kiểu. Nhưng mà các giải pháp đều kiểu "xức thuốc đỏ”, đau đâu trị đó. Điều này rất nguy hiểm vì không giải quyết được gốc vấn đề mà lại còn phát sinh nhiều tác dụng phụ. ĐBSCL cần được xem là một cơ thể sống, tác động một nơi ảnh hưởng nơi khác. Quy hoạch tích hợp mà Chính phủ phê duyệt là một giải pháp tổng thể như thế. Vấn đề là việc thực hiện có tốt hay không", chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện nhấn mạnh.

Nguyễn Nhân

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/xon-xao-vu-de-xuat-xay-ho-tru-nuoc-ngot-135000-ty-o-mien-tay_165328.html