Xông, đắp lá cây chữa đau mắt đỏ có thể phải khoét mắt
Việc sử dụng các loại lá cây đắp hoặc xông mắt để chữa đau mắt đỏ ít có tác dụng và dễ gây tổn thương cho mắt; chưa kể một số loài nấm và vi khuẩn ở lá cây có thể xâm nhập qua vết xước giác mạc gây viêm loét giác mạc.
Trước dịch bệnh đau mắt đỏ đang gia tăng tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác, đại diện Bệnh viện Bạch Mai cho biết, gần đây bệnh viện tiếp nhận điều trị một số trường hợp bị di chứng do sử dụng các loại lá cây đắp hoặc xông mắt, gây viêm loét giác mạc, thậm chí để lại sẹo giác mạc gây nhìn mờ vĩnh viễn. Bên cạnh đó, một số trường hợp bị đau mắt đỏ nhưng không đến bệnh viện sớm, tự ý mua thuốc nhỏ mắt về điều trị dẫn đến biến chứng nặng, ảnh hưởng nhiều tới thị lực.
Theo bác sĩ Phùng Thị Thúy Hằng, Phó trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Bạch Mai, người bị bệnh đau mắt đỏ thường có các biểu hiện như: ngứa mắt, cộm đỏ, chói, sợ ánh sáng, chảy nước mắt và có nhiều gỉ ở mắt. Để điều trị đau mắt đỏ, khi có các biểu hiện trên, người bệnh nên đến các cơ sở nhãn khoa khám để được chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị thích hợp.
Đặc biệt, tuyệt đối không sử dụng các loại lá cây để đắp hoặc xông mắt vì ít có tác dụng và có thể gây ra những tổn thương cho mắt như: bỏng do nhiệt hoặc tinh dầu. Hơn nữa, một số loài nấm và vi khuẩn ở lá cây có thể xâm nhập qua vết xước giác mạc gây viêm loét giác mạc, khi đó việc điều trị rất khó khăn, di chứng để lại là sẹo giác mạc gây nhìn mờ vĩnh viễn, thậm chí một số trường hợp nặng phải khoét bỏ mắt.
Đối với việc sử dụng thuốc nhỏ mắt, các bác sĩ khuyến cáo không nên tự ý mua về nhỏ, không dùng một lọ thuốc nhỏ mắt cho nhiều người và không sử dụng nước muối tự pha để nhỏ mắt vì không đảm bảo vô trùng.