Xót xa bến neo đậu tàu thuyền hơn 100 tỷ bỏ hoang, bèo mọc ken kín
Công trình bến neo đậu tàu thuyền ở huyện Thái Thụy, Thái Bình có mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng hoàn thành năm 2017, nhưng bị bỏ hoang.
Phản ánh đến Báo Giao thông, người dân xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình cho biết, trên địa bàn xã Thái Thượng đang tồn tại dự án khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại cửa sông Diêm Hộ với tổng mức đầu tư lên đến 107,969 tỷ đồng.
Công trình hoàn thành từ năm 2017, nhưng không phát huy hiệu quả, hiện đang bị bỏ hoang rất lãng phí.
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, dự án xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại xã Thái Thượng nằm trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 9/2011, là dự án trọng điểm bảo đảm an toàn cho tàu thuyền của ngư dân trong và ngoài tỉnh khi mùa mưa bão đến.
Tháng 9/2011, UBND tỉnh Thái Bình có văn bản giao UBND huyện Thái Thụy là chủ đầu tư dự án. Đến ngày 10/5/2012, UBND tỉnh ra Quyết định số 1000/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình.
Tháng 12/2017, công trình được UBND tỉnh phê duyệt quyết toán hoàn thành dự án (giai đoạn 1) với tổng giá trị 107,969 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 80 tỷ đồng).
Theo kế hoạch, khi đi vào hoạt động, dự án khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại xã Thái Thượng có thể tiếp nhận 104 tàu cá, công suất tối đa của tàu là 300 CV đến tránh trú bão.
Thế nhưng, những ngày cuối tháng 7/2022, mục sở thị công trình hơn 100 tỷ đồng này, PV Báo Giao thông ghi nhận, công trình hầu như không có tàu thuyền vào neo đậu. Các trụ sắt neo buộc tàu thuyền hoen rỉ, đứt gẫy, bờ kè bị bèo, cỏ dại bủa vây; rác thải công nghiệp, sinh hoạt tràn ngập bờ kè, mặt sông; lòng sông bị bồi lắng...
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông T.V.T, ngư dân xã Thụy Hải và thị trấn Diêm Điền (huyện Thái Thụy) cho rằng, việc xây dựng khu neo đậu tại xã Thái Thượng gây bất tiện cho sinh hoạt hằng ngày.
Theo ông T.V.T, từ trước đến nay, ngư dân vẫn có tập quán neo đậu dọc sông Diêm Hộ, hay khu vực nhánh sông cửa cống Diêm Điền và trong cảng cá Tân Sơn. Các khu vực này tương đối an toàn cho tàu bè, đặc biệt là gần nhà người dân sinh sống, đi lại đường bộ thuận tiện, dịch vụ hậu cần cho tàu cá đã có từ trước, nên ngư dân không muốn rời sang khu neo đậu mới tại xã Thái Thượng.
"Chúng tôi không muốn vào khu neo đậu tại xã Thái Thượng vì vị trí đó không an toàn và bất tiện. Mùa bão đến, nếu neo đậu tàu thuyền ở vị trí này, sóng to sẽ đánh tàu lên bờ kè bởi không có cây che chắn. Ngày bình thường, ngư dân vào bến neo đậu sẽ rất bất tiện vì bến không được nạo vét, khi vào thì dễ nhưng khi nước rút muốn di chuyển cũng không thể ra được do bị mắc cạn", ông T. cho biết thêm.
Ông Phạm Đức Thiết, Chủ tịch UBND xã Thái Thượng xác nhận, dự án khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại cửa sông Diêm Hộ trên địa bàn hiện không phát huy được hiệu quả là chính xác.
"Điểm hạn chế lớn nhất là khu vực cửa sông Diêm Hộ dẫn vào khu neo đậu Thái Thượng là cửa bồi, nhiều năm nay không được khơi thông, nạo vét bảo đảm luồng lạch. Khi có mưa bão, nước dâng tàu thuyền có thể đi vào tránh trú, nhưng khi bão tan, nước rút, các phương tiện không ra được, rất dễ mắc cạn", ông Thiết thông tin.
Theo ông Thiết, thời gian qua đã có phương tiện bị đắm, nên ngư dân không dám đưa phương tiện vào tránh trú. Việc vận động, tuyên truyền của chính quyền địa phương để ngư dân đưa tàu thuyền vào khu neo đậu này không đem lại kết quả, bởi đối với ngư dân tàu thuyền là khối tài sản lớn, nếu xảy ra sự cố thì không ai chia sẻ và chịu trách nhiệm.
"Để phát huy hiệu quả của dự án, các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Thái Bình cần tháo gỡ khó khăn, sớm khắc phục những hạn chế ở khu neo đậu này", ông Thiết đề xuất.
Một số hình ảnh PV Báo Giao thông ghi nhận tại xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại xã Thái Thượng đang bị bỏ hoang:
Khu neo đậu tàu thuyền nhưng không có bóng dáng tàu thuyền, mà chỉ thấy bèo, cây dại ken kín lòng sông, trên bờ ngập rác