Xót xa 'bờ xôi ruộng mật' thành dự án bỏ hoang hàng chục năm ở Quảng Ninh
Triển khai hơn chục năm nay nhưng một dự án nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái ở xã Dân Chủ, TP Hạ Long (Quảng Ninh) vẫn bỏ hoang.
Từ "bờ xôi, ruộng mật" thành bãi hoang
Đầu tháng 4, PV Báo Giao thông tìm về Dự án Khu chăn nuôi trồng trọt kết hợp du lịch sinh thái (Dự án sinh thái - PV) do Công ty CP Đồng Dinh thực hiện tại thôn Đồng Dinh, xã Dân Chủ.
Từ Quốc lộ 279, PV đi trên con đường bê tông phẳng lỳ được chừng nửa cây số, là đến quãng đường lầy lội đầy "ổ voi", "ổ gà", rồi băng qua con suối nhỏ, vượt tiếp quãng đường chừng gần một cây số lầy lội nữa, là đến một thung lũng rộng chừng vài chục ha cỏ mọc um tùm.
Từ trên gò cao nhìn xuống, toàn vùng Dự án sinh thái là một bãi hoang rậm rạp, ở giữa đồng có 2 chiếc ao được khoét sâu hoắm như hố bom B52, rộng chừng vài trăm mét vuông, nước cạn gần trơ đáy.
Ông Đinh Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND xã Dân Chủ, TP Hạ Long cho biết: Ở Đồng Dinh có 2 cánh đồng lớn là Đồng Dinh ngoài và Đồng Dinh trong. Đây là vùng canh tác lúa tập trung lớn nhất của xã Dân Chủ từ bao đời nay, với hơn chục hộ người đồng bào dân tộc Tày, Dao sinh sống.
>>> Clip: Cận cảnh con đường "đau khổ" vào khu Dự án sinh thái Đồng Dinh:
"Do đất đai màu mỡ, lại biết canh tác, nên hộ nào cũng thóc đầy bồ, trâu, lợn đầy chuồng. Thế nhưng từ ngày có dự án vào, bà con phải di chuyển đi nơi khác khiến vùng dự án dần thành vùng hoang hóa, cỏ dại mọc um tùm. Đường vào dự án thì toàn "ổ gà", ổ voi" nên trời nắng còn đi xe máy chật vật vào được, chứ trời mưa chỉ có thể đi bộ", ông Lượng cho hay.
Được biết, vài năm trước, chính quyền TP Hạ Long đã chỉ đạo nghiên cứu đầu tư, nâng cấp tuyến đường từ trung tâm xã Dân Chủ vào thôn Đồng Dinh với mức dự kiến là hơn chục tỷ đồng để phục vụ cho bà con phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp. Nhưng cũng do vướng dự án của doanh nghiệp, nên con đường dự kiến vẫn "nằm trên giấy".
Theo ông Đ., nhà ở thôn 1, xã Dân Chủ, dù tiếc đất đai màu mỡ bao đời ông cha để lại, nhưng nghe cán bộ và doanh nghiệp thông tin sẽ biến vùng đất này thành những vườn cây ăn quả, thảo dược, khu du lịch; đường sá thì được mở rộng, làm bê tông, xây cầu vượt suối; khi dự án hình thành sẽ tiếp nhận nhiều lao động địa phương… thì bà con bảo nhau đồng thuận giao đất, di dời.
"Vậy mà sau gần 10 năm khi chúng tôi giao đất, rời đi, nơi này trở thành bãi cỏ hoang, đường sá ngày càng xuống cấp, khiến cho giá keo canh tác được của bà con trong đó cũng thấp hơn rất nhiều so với các khu vực khác", ông Đ. cho hay.
Ông Đinh Văn Lượng, Phó chủ tịch UBND xã Dân Chủ cho biết: "Cái gọi là Dự án Khu chăn nuôi trồng trọt kết hợp với du lịch sinh thái sau gần chục năm thực hiện, giờ toàn vùng trở thành nơi cỏ dại mọc um tùm, rậm rạp. Thấy đất bỏ hoang, người dân quanh vùng đã vào làm chuồng trâu chăn thả".
Chủ đầu tư dự án "phớt lờ" chỉ đạo?
Điều mà cán bộ xã Dân Chủ, nhân dân ở Đồng Dinh thắc mắc hơn cả chính là việc triển khai dự án rất có vấn đề. Bởi lẽ, nơi đây vốn là những thửa ruộng cấy 2 vụ lúa và canh tác hoa màu. Từ năm 2008, doanh nghiệp bắt đầu vào thực hiện việc giải phóng mặt bằng rồi bỏ hoang gần chục năm.
Chiếc ao lớn được đào nham nhở trong vùng dự án rồi bỏ không để nuôi... nòng nọc
Đến năm 2016, Công ty CP Đồng Dinh bắt đầu san, gạt làm thay đổi hiện trạng, đắp bờ bao quanh diện tích đã giải phóng và đào 2 chiếc ao, làm một căn nhà tôn sau đó bỏ hoang dự án từ cuối năm 2016 đến nay.
>>> Clip: Toàn cảnh vùng dự án bỏ hoang gây lãng phí đất đai:
Theo thông tin từ UBND xã Dân Chủ, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Hồng Quảng (nay là Công ty CP Đồng Dinh) được UBND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận quy hoạch Dự án sinh thái tại thôn Đồng Dinh từ tháng 9/2008.
Đến tháng 11/2011, dự án được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư diện tích trên 68,4ha.
Tháng 8/2012, UBND tỉnh có quyết định cho doanh nghiệp thuê giai đoạn 1 là trên 15,4ha trong thời hạn 50 năm; giá đất cho doanh nghiệp thuê gồm: Đất nông nghiệp là 26,25 đồng/m2/năm, đất phi nông nghiệp là 371,25 đồng/m2/năm.
Người dân địa phương vào "tái lấn chiếm" trồng cây lấy gỗ trong phần diện tích do doanh nghiệp đã đền bù và quản lý
Công ty CP Đồng Dinh đã hoàn thành việc nộp thuế là trên 196 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 của dự án khoảng 20 tỷ đồng để trồng rau an toàn, chăn nuôi gia súc, gia cầm kết hợp với mô hình du lịch sinh thái…
“
Để rộng đường dư luận, PV Báo Giao thông đã nhiều lần điện thoại, nhắn tin để trao đổi với đại diện Công ty CP Đồng Dinh - chủ đầu tư Dự án khu du lịch sinh thái đang bị bỏ hoang, nhưng không hề nhận được hồi âm…
Sau hơn chục năm chuẩn bị và thực hiện dự án, đến nay, doanh nghiệp được cho thuê trên 15,4ha, nhưng qua kiểm tra thực địa thì doanh nghiệp đang quản lý trên 19,6ha…
Các hạng mục sau gần chục năm doanh nghiệp "vẽ dự án hoành tráng" thì mới triển khai được 1 kho chứa vật tư rộng khoảng 100m2, thi công khoảng 10.000m2 phần nền đường nội bộ, đào 2 ao, cải tạo (thực chất là nạo vét phần đất màu) trên 5,6ha…
Theo kế hoạch thực hiện, năm 2011, doanh nghiệp phải hoàn thiện thủ tục thuê đất; năm 2012 triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng; năm 2013 tổ chức thi công xây dựng chuồng trại và năm 2014 vận hành sản xuất, kinh doanh.
Thế nhưng, đến tháng 8/2017, đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Quảng Ninh đến thực địa và đã yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn thành giai đoạn 1 trước ngày 31/12/2017.
Đối với giai đoạn 2, gồm trên 42,63ha, chủ đầu tư phải hoàn thành giải phóng mặt bằng trong năm 2018, nếu hết hạn chưa thực hiện thì sẽ kiến nghị thu hồi quy hoạch.
Đến ngày 23/11/2018, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Văn bản số 8842 chấp thuận để Công ty CP Đồng Dinh được nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch dự án theo hướng đưa phần diện tích vướng mắc giải phóng mặt bằng ra ngoài, chỉ quy hoạch thực hiện dự án là 19,69ha, loại bỏ phần diện tích 49,79ha ra ngoài quy hoạch dự án…
Mặc dù cơ quan có thẩm quyền đã kiểm tra, có văn bản đôn đốc tiến độ thực hiện cụ thể như vậy, nhưng Công ty CP Đồng Dinh vẫn "phớt lờ" các văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Quảng Ninh.
Được biết, tại Văn bản số 1756, ngày 17/3/2023, UBND TP Hạ Long đã báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với Dự án khu du lịch sinh thái đang bị chậm tiến độ này.