Xót xa đội phà vỏ thép tiền tỷ ở TT-Huế 'chìm tại bến'
Đội phà vỏ thép trị giá tiền tỷ được tài trợ về huyện Quảng Điền (TT-Huế) bị sóng gió đánh dạt bờ, chìm ngay tại bến trong trận bão lụt năm 2020. Đến hiện tại, các phương tiện này chưa được trục vớt và tái sử dụng, gây lãng phí lớn về tài sản công.
Bến đò ngang Cồn Tộc - Vĩnh Tu (huyện Quảng Điền) vượt phá Tam Giang hiện là một trong số ít bến thủy nội địa tại TT-Huế vẫn còn hoạt động, để phục vụ người dân, cán bộ, giáo viên qua lại, công tác tại vùng hai xã vùng cát ven biển là Quảng Công, Quảng Ngạn. Đây cũng là nơi kết nối những vùng xa xôi, bị sông nước chia cắt lâu nay với trung tâm huyện Quảng Điền.
Vào mùa mưa bão, việc qua lại phá Tam Giang ở bến đò Cồn Tộc - Vĩnh Tu bằng đò gỗ lắp máy công suất nhỏ luôn tiềm ẩn những nguy hiểm về tai nạn sông nước.
Trước tình hình này, cuối năm 2017, thông qua sự hỗ trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, huyện Quảng Điền (tỉnh TT-Huế) nhận được tài trợ 3 phà vỏ thép, nhằm phục vụ chở khách an toàn qua về phá Tam Giang tại hai đầu bến đò ngang Cồn Tộc - Vĩnh Tu.
Được biết, thời điểm tiếp nhận, mỗi chiếc phà vỏ thép với các trang thiết bị, máy móc hiện đại có giá khoảng 600 triệu đồng.
Theo thiết kế, phà vỏ thép có chiều dài hơn 14 mét, rộng hơn 3 mét, công suất máy 64CV. Mỗi phà vỏ thép chở tối đa 20 người, cùng 10 phương tiện xe gắn máy khi vượt phá Tam Giang.
Sau khi tiếp nhận, UBND huyện Quảng Điền đã phân bổ 2 phà vỏ thép về cho UBND xã Quảng Ngạn để giao cho Hợp tác xã Cơ giới đường sông Quảng Điền trực tiếp quản lý và khai thác. Chiếc còn lại giao cho UBND xã Quảng Lợi để chuyển về Ban quản lý Khu du lịch sinh thái cộng đồng xã Quảng Lợi sử dụng.
Tuy nhiên, do kích cỡ phương tiện, quy mô thiết kế không phù hợp với điều kiện sông nước trên phá Tam Giang, nên đội phà này không được khai thác, sử dụng hiệu quả như mong muốn mục đích ban đầu, gây lãng phí lớn về tài sản công.
Theo giải thích của ông Trần Thế Lữ, Phó Giám đốc Hợp tác xã Cơ giới Đường sông Quảng Điền, khi đưa phà vỏ thép vào chở khách trên phá Tam Giang, phương tiện bị mắc cạn, vướng lưới, lừ (lờ) đánh cá của ngư dân, mức độ tiêu hao nhiên liệu lớn. Đây là lý do khiến vỏ thép không được Hợp tác xã Cơ giới Đường sông Quảng Điền sử dụng thường xuyên.
Ông Trần Thế Lữ cho biết, kể từ ngày tiếp nhận phà, các phà vỏ thép chỉ được sử dụng một vài chuyến rồi dừng. Việc phải quản lý đội phà, nhưng không khai thác và tạo doanh thu, thậm chí còn phát sinh chi phí duy tu, bảo dưỡng đã trở thành “gánh nặng” cho hợp tác xã.
Đáng chú ý, vào cuối năm 2020, các trận bão lũ dồn dập đã cuốn phà lên mép bờ phá Tam Giang. Có chiếc đã bị nhấn chìm một phần thân vỏ, máy móc xuống đầm phá Tam Giang.
Do không có phương tiện và kinh phí trục vớt, nhiều tháng nay, phà vỏ thép vẫn… chìm tại bến.
Việc bảo quản như vậy của đơn vị chủ quản phương tiện dẫn đến nguy cơ hư hỏng hệ thống máy thủy, cũng như các thiết bị, dụng cụ bảo đảm an toàn vận hành phà.
Theo ông Trần Thế Lữ, UBND xã Quảng Ngạn và Hợp tác xã Cơ giới Đường sông Quảng Điền đã có tờ trình gửi UBND huyện Quảng Điền xin ý kiến về phương án xử lý các phương tiện này.
Tuy nhiên, đến nay, quyết định cuối cùng về phương án xử lý hai chiếc phà vỏ thép thuộc quản lý của Hợp tác xã Cơ giới Đường sông Quảng Điền vẫn chưa được UBND huyện Quảng Điền đưa ra.
Tương tự, chiếc phà vỏ thép giao cho Khu du lịch sinh thái cộng đồng xã Quảng Lợi vận hành, khai thác cũng bị bão lũ năm 2020 nhấn chìm giữa sóng nước Tam Giang, hiện chưa thể trục vớt.
Liên quan vấn đề lãng phí đội phà vỏ thép trên địa bàn, một lãnh đạo UBND huyện Quảng Điền cho biết, đã giao Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện kiểm tra.
Trên cơ sở đó, UBND huyện sẽ báo cáo UBND tỉnh TT-Huế xin phương án xử lý phù hợp. “Quan điểm của UBND huyện là lựa chọn đơn vị có nhu cầu, sử dụng trong điều kiện sông nước phù hợp để đề xuất chuyển giao, nhằm tránh gây lãng phí”, vị lãnh đạo huyện này cho biết.