'Xứ cát' ba lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng
Cát và sỏi là những thứ mọi người thấy nhiều nhất khi đặt chân đến mảnh đất Bình Dương (Quảng Nam). Nhưng chính từ nơi cằn cỗi này, nhiều anh hùng được sinh ra.

Tác giả Phan Đức Nhạn chia sẻ tại buổi ra mắt sách. Ảnh: Đức Huy.
Trong những năm tháng chiến đấu thống nhất hai miền, nhiều địa phương đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng vì những đóng góp của người dân vào cách mạng. Trong đó, có xã Bình Dương (Quảng Nam) - quê hương của nhà văn Phan Đức Nhạn.
Phan Đức Nhạn là người con sinh ra trong gia đình có 22 liệt sĩ, từ ông, chú, bác cho đến mẹ, anh trai và các chị gái... đều cống hiến cho đất nước. “Mỗi người dân ở xã Bình Dương là một người chiến sĩ, tôi luôn tự hào khi được kế thừa truyền thống anh dũng đó”, nhà văn Phan Đức Nhạn chia sẻ tại buổi ra mắt bút ký Xa và gần sáng ngày 5/4.
Tuổi thơ trong gia đình có 22 liệt sĩ
Theo lời kể từ nhà văn Phan Đức Nhạn, gia đình mẹ ông có tám người con. Bảy chị em được ví như "bảy nốt nhạc Do - Re - Mi - Fa - Sol - La - Si ngân vang trên năm dòng kẻ của cuộc đời". Bên cạnh việc ruộng vườn, chăn nuôi, bếp núc, họ còn là những người phụ nữ dấn thân vì đất nước. Ba người trong số họ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Cậu út của nhà, tham gia kháng chiến chống Pháp, từng theo đoàn tập kết ra Bắc sau Hiệp định Genève với lời hẹn "hai năm sẽ trở về". Nhưng thời gian chẳng hẹn trước và nỗi chờ đợi trở thành vết hằn trong lòng người ở lại.
Lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, nhà văn Phan Đức Nhạn sớm hiểu trui rèn ý thức dân tộc và tinh thần cống hiến cho tổ quốc. Lên sáu tuổi, cha ông ra miền Bắc tập kết, Khi chưa tròn 15 tuổi, mẹ ông hy sinh trong khi đang cấy lúa nuôi giấu cán bộ. Chị Bốn - chị gái của ông - vào vai người mẹ nuôi dưỡng những đứa em.
Thời thiếu niên, nhà văn Phan Đức Nhạn may mắn được sát cánh cùng ông Phan Thanh Bốn hay còn gọi là anh Bốn Hê.

Các diễn giả và tác giả Phan Đức Nhạn trò chuyện tại buổi ra mắt sách. Ảnh: NXB Hội Nhà văn.
“Anh hay dành cho tôi sự để ý, bao bọc. Í ới nhau để cùng thả trâu ra đồng, anh kèm cặp cho tôi biết bơi, biết lặn để không sợ sông nước. Khi đốt lửa nướng khoai ngoài đồng, anh luôn chia cho tôi củ ngon nhất. Mỗi khi nhà anh có đám đình là anh mang nắm xôi gói trong lá chuối ra đồng cho tôi. Có lần cưỡi trâu, tôi té ngã sưng chân, không đi được, anh kê lưng cõng tôi về tận nhà”, nhà văn Phan Đức Nhạn kể về ông Bốn Hê.
Sau nhiều năm làm thiếu sinh quân cầm súng bảo vệ quê hương, ông ra miền Bắc học tập, những thành viên khác trong gia đình tiếp tục tham gia chiến đấu. Cuối cùng, họ dần hy sinh, ông Nhạn là người cuối cùng của gia đình còn sống. Cho đến nay khi nhìn lại mỗi dòng thư do cha mẹ, anh chị để lại, ông cảm nhận được tình yêu của mọi người dành cho mình - người con út trong gia đình.
Trong thời bình, những người con Bình Dương tiến vào xây dựng đất nước, ông Bốn Hê trở thành Bí thư Đảng ủy xã, ông Phan Đức Nhạn nỗ lực xây dựng khu kinh tế mới Chu Lai. Sau này, ông giữ chức vụ Giám đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Nam, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM.
Ra ngõ gặp anh hùng
Vùng đất Bình Dương, được nhà thơ Nguyễn Quang Thiều ví như “xứ cát”, còn là nơi sản sinh ra nhiều người anh hùng chân đất. Qua những dòng bút ký Xa và gần của tác giả Phan Đức Nhạn, hình ảnh họ hiện lên sống động, gợi nhớ một thời oanh liệt đầy gian khó nhưng cũng đầy khí phách.
Chị Ngô Thị Thanh - một người con gái khiếm thị - là một minh chứng tiêu biểu cho những lớp người trưởng thành trong kháng chiến tại Bình Dương. Từ nhỏ chị đã sống trong bóng tối, mất đi khả năng nhìn nhưng bù lại, chị có trí nhớ và thính giác đặc biệt.
“Chị đi đường bằng cảm nhận dò đường thay cho đôi mắt. Người Bình Dương nói trời phú cho người con gái mù ấy khả năng cảm nhận mọi việc xung quanh. Chị không nhìn thấy màu cờ hoa ngày quê hương mình được giải phóng nhưng cuộc sống rộn ràng của người dân đổi thay dưới chính quyền Cách mạng đã truyền vào chị cảm xúc thông qua người thân và bà con làng xã”, tác giả Phan Đức Nhạn viết.

Cuốn bút ký Xa và gần. Ảnh: NXB Hội Nhà văn.
Vượt qua khiếm khuyết thể chất, chị Ngô Thị Thanh trở thành người giao liên nắm giữ trọng trách đảm bảo đường dây liên lạc giữa vùng địch tạm chiếm và khu giải phóng. Lợi thế bất ngờ từ khiếm thị đã giúp chị vượt qua nhiều trạm kiểm soát, hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Sự thông minh, quả cảm và âm thầm cống hiến của chị đã khiến nhiều người khâm phục. Sau ngày đất nước thống nhất, chị được chăm sóc tại trại an dưỡng thương binh, như một sự tri ân đối với những đóng góp không lời của chị cho cách mạng.
Một nhân vật khác là cậu bé mười tuổi Phan Đức Tám. Khi cán bộ cách mạng bị truy đuổi, Tám nhanh trí mở hầm bí mật trong vườn để che giấu, bất chấp nguy hiểm cận kề. Trước sức ép tra hỏi, đe dọa, Tám kiên định giữ lời, bảo vệ cán bộ đến cùng. Mặc dù sự việc bị phát hiện và tổn thất là không tránh khỏi, cậu bé vẫn thể hiện khí chất trung kiên, không run sợ, không lùi bước.
Gia đình Tám là biểu tượng của tinh thần cách mạng xã Bình Dương, khi ba người anh chị lần lượt hy sinh, mẹ anh - bà Nguyễn Thị Tác - trở thành Mẹ Việt Nam anh hùng. Tám sau này được Nhà nước trao tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất và là một trong những đại biểu miền Nam vinh dự dự lễ Quốc khánh tại Hà Nội, tham dự trại hè thiếu nhi quốc tế ở Liên Xô và thăm Ba Lan - như một sự ghi nhận cho tinh thần vượt khó và lòng yêu nước từ thuở ấu thơ.
Từ chị Thanh đến cậu bé Tám, những con người đã góp phần làm nên lịch sử của một vùng đất cách mạng. “Quê hương tôi - vùng cát Bình Dương - chính là nơi đã rèn luyện tôi từ một đứa trẻ thành một người lính, rồi thành một nhà văn mang trái tim đỏ của ký ức”, tác giả Phan Đức Nhạn nói.
Theo thống kê từ bản Tổng kết chiến tranh của xã Bình Dương, 4.700 người dân Bình Dương đã ngã xuống, chiếm hơn một nửa số dân của xã trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975). Năm 1969, xã Bình Dương được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ nhất. Năm 1972, xã Bình Dương được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang lần thứ hai. Sau 10 năm phục hồi sản xuất, hàn gắn vết thương chiến tranh (1975-1985), xã Bình Dương được phong tặng danh hiệu lần thứ ba vì đã biến hàng trăm hecta bãi cát trắng thành những dải rừng phi lao xanh mượt, hạn chế sự xâm lấn của cát biển.
Nguồn Znews: https://znews.vn/xu-cat-ba-lan-duoc-phong-tang-danh-hieu-anh-hung-post1543595.html