Xứ Đoài thi quán nơi tôn vinh văn hóa đọc

Sáng 8/1.2024, nhận lời mời của CCB, Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng 'Chủ quán thơ xứ Đoài' tại Đan Phượng (Hà Nội), tôi và Nhạc sĩ Lê Mây cùng Nhà thơ Cù Thùy Loan, Bùi Tuyết Mai đến thăm thư viện và trả lời phỏng vấn của Đài Hà Nội về 'Xứ Đoài Thi quán'.

Nhà văn Quốc Toản chụp ảnh giao lưu với các nhà thơ nữ

Nhà văn Quốc Toản chụp ảnh giao lưu với các nhà thơ nữ

Cách đây vài năm, Nguyễn Mạnh Hùng sau khi nghỉ hưu, anh cùng vợ mở Thư viện Xứ Đoài books với mong muốn có nhiều người đọc sách và trở thành một nhu cầu về văn hóa đọc, xây dựng thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc, nhằm tôn vinh "sách và văn hóa đọc" cho mọi lứa tuổi, nhất là lứa tuổi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Đây cũng là nơi để bạn đọc có dịp ghé thăm sẽ hiểu hơn về vùng đất xứ Đoài quê anh và các vùng miền trong cả nước qua các cuốn sách về văn học nghệ thuật.
Tới thăm quán tôi mới biết, anh còn là tác giả của nhiều bài thơ trào phúng. Lời thơ giản dị, mộc mạc nhưng người đọc hiểu thêm tính cách của "ông chủ quán thơ xứ Đoài" và cũng là cách để Nguyễn Mạnh Hùng tôn vinh văn hóa đọc.

Người ta gom đất gom vàng
Còn tôi gom sách về mang dùng dần
Mong con cháu bớt ngu đần
Nhờ có sách đọc tu thân nên người.
hay:
Người ta xây cái Vĩnh Hằng
Tôi đi đào bới lằng nhằng văn chương
Người ta bán những mét vuông
Còn tôi mua cái ẩm ương ở đời.

Ông chủ quán còn tự nhận mình là "thằng Bờm", "đầu đất" nhưng thực ra đó là cách anh tự giễu, tự trào. Người biết "giễu mình" là người luôn ý thức và nhận diện được xã hội, biết thời cuộc. Là người có văn hóa, có kiến thức nên họ rất nhạy cảm với thời thế. Cách thức "tự giễu mình" là nét văn hóa có từ nhiều thế kỉ trước. Nhiều bậc hiền tài, văn sĩ như Tú Xương, Nguyễn Khuyến, Tản Đà, Nguyễn Công Trứ vv... đã dùng văn chương, thơ phú để "đọc vị" xã hội thời bấy giờ. Nói về mình nhưng đồng thời là "nói người" đó là cách để góp phần hạn chế cái xấu, xây dựng và tôn vinh cái đẹp trong xã hội. Nguyễn Mạnh Hùng đã dùng thơ để tôn vinh "sách và văn hóa đọc sách".
Thư viện của Hùng có nhiều cuốn sách rất giá trị. Có cuốn sách "lưu lạc" đã lâu, mà ngay chính tác giả cuốn sách đó không tìm được "con đẻ" của mình mà Hùng đã cất công tìm kiếm. Trường hợp tập thơ Hương thầm xuất bản năm 1973 của Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn là một ví dụ.

Chủ nhiệm Xứ Đoài Books – Xứ Đoài Thi quán trao tặng tập thơ Hương Thầm in năm 1973 cho chính tác giả là nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn.

Chủ nhiệm Xứ Đoài Books – Xứ Đoài Thi quán trao tặng tập thơ Hương Thầm in năm 1973 cho chính tác giả là nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn.

Ở Thư viện xứ Đoài ta bắt gắp những gương mặt xứ Đoài, tiêu biểu như cụ Tản Đà, Tào Mạt, Quang Dũng, Phan Kế An... và các nhà văn nhà thơ thế hệ kế tiếp. Đây phải là người tâm huyết như Nguyễn Mạnh Hùng mới làm được, bởi Hùng nhận ra giá trị lớn lao của những cuốn sách.
Theo Nguyễn Mạnh Hùng, sứ mệnh của Thư viện quán là: Bảo tồn lưu giữ giá trị lịch sử từ sách: Mua, sưu tầm, vận động mọi người tặng sách để tạo lập thư viện, kho sách về xứ Đoài; Tặng lại sách cho các thư viện thôn, xã và các trường học; Lan tỏa văn hóa đọc: Tổ chức đọc giới thiệu, Review sách qua kênh Youtobe Xứ Đoài books; Triển lãm trưng bày sách tôn vinh tác giả, tác phẩm tại bảo tàng và tại lễ hội Đình Chùa, trường học, hội thơ qua các Trạm lưu động...
Đó cũng là cách tiếp cận tốt nhất những tác phẩm văn học nghệ thuật đến với người đọc.
Khi trả lời phỏng vấn Đài Hà Nội, tôi nói rằng, đối với một con người, sự học không chỉ dừng lại ở trường phổ thông, mà phần rất quan trọng là tự học, mà trong việc tự học thì đọc sách là quan trọng nhất. Các bạn trẻ nên có thói quen đọc sách. Các phương tiện nghe, nhìn chỉ có nhiều lượng thông tin giải trí nhưng để hình thành nhân cách, một trái tim biết rung động trước cái đẹp, cái xấu cái ác... thì rất cần đến văn hóa đọc. Nên biết kết hợp cả hai loại hình này để trau dồi kiến thức chuyên môn, cũng như bồi đắp nhân cách và lòng nhân ái trong mỗi con người.

Nhà văn Quốc Toản

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/xu-doai-thi-quan-noi-ton-vinh-van-hoa-doc-a23094.html