Xu hướng gia tăng các vụ phòng vệ thương mại

Đây là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo Tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) năm 2019 và xu hướng chính sách PVTM sau Hiệp định Thương mại tự do châu Âu - Việt Nam (EVFTA) do Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TPHCM tổ chức ngày 2-10.

Sản xuất linh kiện xuất khẩu tại một doanh nghiệp cơ khí ở TPHCM

Sản xuất linh kiện xuất khẩu tại một doanh nghiệp cơ khí ở TPHCM

Theo ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, chính sách thương mại của các nước thời gian qua có xu hướng trái ngược nhau. Một mặt, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đẩy mạnh việc tự do hóa thương mại thông qua việc ký kết, gia nhập các FTA song phương và khu vực. Mặt khác, xu thế bảo hộ trên thế giới đang gia tăng, đặc biệt là việc sử dụng các biện pháp bảo hộ như chống bán phá giá, trợ cấp, tự vệ như một công cụ để ngăn chặn hàng nhập khẩu. Bên cạnh đó, những hình thức mới như chống gian lận xuất xứ và lẩn tránh biện pháp PVTM có xu hướng được sử dụng nhiều hơn để bảo vệ sản xuất trong nước.

Hiện đã có 193 vụ PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. 5 năm gần đây đã có 91 vụ, chủ yếu với các thị trường Mỹ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và EU khiến một số mặt hàng xuất khẩu phải chịu mức thuế cao, ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu cả ngành hàng. Đầu năm 2020 đến nay, dù hoạt động thương mại bị đình trệ do dịch Covid-19 nhưng số vụ khởi xướng điều tra liên quan đến PVTM tăng lên đáng kể, Việt Nam đang ứng phó với 27 vụ việc. Vấn đề là mức độ hiểu biết của các DN Việt Nam, nhất là các DN nhỏ và vừa còn hạn chế. Cụ thể, trong số 13 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam được cảnh báo thì ngay sau đó có tới 4 mặt hàng bị đối tác tiến hành điều tra và khởi kiện. Khảo sát mới nhất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, có 15,09% DN không biết gì về PVTM, 63,21% nghe nói nhưng không biết rõ, 19,81% DN tìm hiểu sơ sơ, chỉ 1,89% DN tìm hiểu tương đối kỹ về PVTM.

Để giảm thiểu nguy cơ đối mặt các vụ điều tra PVTM, DN cần xây dựng bộ phận pháp chế, nghiên cứu các quy định về thương mại, PVTM quốc tế hoặc tư vấn từ luật sư am hiểu pháp luật quốc tế. Mặt khác, cần xây dựng hệ thống quản trị tiên tiến, hiện đại, thực hiện lưu trữ hồ sơ, chứng từ đầy đủ và rõ ràng.

THÚY HẢI

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/xu-huong-gia-tang-cac-vu-phong-ve-thuong-mai-689047.html