Xu hướng khu vực hóa mạng lưới chuỗi cung ứng đem lại lợi ích cho ASEAN
Xu hướng khu vực hóa chuỗi cung ứng đã diễn ra trong những năm gần đây và sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sang các nền kinh tế ASEAN đang tăng tốc.
Tác giả bài viết trên báo The Business Times số ra mới đây cho rằng, đại dịch COVID-19 đã bộc lộ những rủi ro của hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu hóa tập trung vào chi phí thấp, phụ thuộc nặng nề vào các nhà sản xuất châu Á. Các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt của Trung Quốc đã làm tăng thêm áp lực to lớn cho chuỗi cung ứng và những tình trạng bất trắc do COVID-19 gây ra.
Trên mặt trận địa chính trị, căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng làm tăng thêm động lực để các công ty giảm bớt sự phụ thuộc của mình vào Trung Quốc và phân bổ sản xuất cho nhiều nhà cung cấp và khu vực.
Kết quả là xu hướng khu vực hóa chuỗi cung ứng – quá trình liên quan đến việc tổ chức lại sản xuất thành các khối nhỏ hơn, cục bộ hơn – có thể đã tăng tốc. Việc chuyển sang mô hình gia công cục bộ hơn đã diễn ra trong một thời gian, đặc biệt là ở các nền kinh tế thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), những nước có tiếp xúc thương mại với Trung Quốc đã tăng đều đặn từ 10% năm 2012 lên 16% năm 2022.
Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sang các nền kinh tế ASEAN tiếp tục lấy được đà nhờ vào dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy mạnh mẽ vào khu vực. Trong giai đoạn 2011-2021, xuất khẩu của 6 nước lớn trong ASEAN tăng 41%, cao hơn nhiều so với tăng trưởng xuất khẩu toàn cầu là 22%. Mặc dù khu vực nói chung cải thiện được năng lực sản xuất của mình, nhưng một số quốc gia và ngành công nghiệp đã phát triển một cách không cân xứng.
Xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lên đáng kể tới 219% trong 10 năm qua, dẫn đầu là các ngành sử dụng nhiều lao động (bao gồm dệt, may mặc và giày dép), cũng như các ngành máy móc và điện tử. Đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng để duy trì tính cạnh tranh đã đóng góp cho sự tăng trưởng mạnh mẽ trong đầu tư tài sản cố định thập kỷ qua.
Indonesia – nền kinh tế lớn nhất ASEAN và là quốc gia có dân số lớn thứ tư thế giới (282 triệu người) – đã và đang đẩy mạnh chiến lược nhằm thu được lợi ích kinh tế từ nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú khi quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu đang diễn ra nhanh chóng.
Năm 2014, Chính phủ Indonesia cấm xuất khẩu quặng nickel nhằm khuyến khích sản xuất kim loại chế biến ở trong nước. Jakarta có kế hoạch thực hiện chiến lược tương tự đối với đồng và các nguyên liệu thô khác như bauxite, cobalt và thiếc. Với các chính sách công nghiệp này được đưa ra, Indonesia có thể giải phóng tiềm năng và gia tăng đáng kể dấu ấn công nghiệp của mình, đặc biệt là trong các ngành hàng hóa và lọc dầu.
Thái Lan đã phát triển thành công trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á, với sản lượng tăng 18% chỉ riêng trong năm 2021. Nước này cũng có thể trở thành nhà sản xuất xe điện lớn.
Theo chính sách điện khí hóa 30:30 của nước này, Thái Lan mong muốn đến năm 2030, ít nhất 30% tất cả các phương tiện mới được sản xuất ở nước này là phương tiện không phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu có 12.000 điểm sạc vào năm 2030, tăng từ khoảng 1.000 điểm vào đầu năm 2022. Các ưu đãi của Chính phủ Thái Lan có thể sẽ khuyến khích các nhà sản xuất ô tô toàn cầu tiếp tục mở rộng cơ sở sản xuất của họ tại quốc gia này.
Malaysia đã thiết lập được dấu ấn mạnh mẽ trong ngành điện và điện tử, ngành đã và đang đóng góp đáng kể cho tăng trưởng công nghiệp, đầu tư và việc làm của quốc gia này. Năm 2021, đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực điện và điện tử đạt 146,3 tỷ RM, chiếm khoảng 70% tổng FDI hàng năm. Vào năm 2022, các sản phẩm điện và điện tử chiếm 38,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Malaysia, tăng từ 32,9% năm 2012.
Khu vực hóa các chuỗi cung ứng có thể sẽ tiếp tục có thêm đà. Trong phạm vi trọng tâm của họ chuyển từ tối ưu hóa chi phí sang tăng cường sức chống chịu của chuỗi cung ứng, các công ty có thể nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng đối với việc di dời các cơ sở sản xuất của họ. Điều này có thể ngụ ý các dòng vốn FDI được duy trì và tăng chi tiêu vốn doanh nghiệp ở các quốc gia điểm đến. Tác giả cho rằng dòng vốn FDI vào châu Á sẽ tiếp tục mạnh hơn so với châu Âu và châu Mỹ, như chúng ta đã chứng kiến trong thập kỷ vừa qua.
Các trung tâm công nghiệp mới nổi, bao gồm cả ASEAN, có thể giành được thị phần trong xuất khẩu toàn cầu – đặc biệt là trong các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động khi các tập đoàn tìm cách đa dạng hóa năng lực sản xuất theo chiến lược “Trung Quốc+1”.
Tuy nhiên, Trung Quốc có thể sẽ vẫn là “công xưởng” toàn cầu trong khi tiến lên trong chuỗi giá trị công nghiệp. Những ràng buộc kinh tế giữa các nước châu Á có thể sẽ được củng cố bằng việc ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào năm 2022. Điều này cũng có thể dẫn đến các mối quan hệ thương mại bổ sung mạnh mẽ hơn giữa kinh tế Trung Quốc và các nền kinh tế ASEAN trong những năm tới.
Khi xu hướng dài hạn của quá trình khu vực hóa chuỗi cung ứng tiếp tục mở rộng, ASEAN là bên hưởng lợi lớn. Nhân khẩu học thuận lợi của khu vực với lực lượng lao động tương đối trẻ và ngày càng tăng đem lại một cơ cấu thuận lợi cho tiềm năng chuỗi cung ứng quốc tế và là tín hiệu tốt cho sự tăng trưởng dài hạn, đặc biệt là trong các nỗ lực ứng dụng kỹ thuật số/tài chính và khử carbon.
Chất lượng và tính bền vững của thu nhập ở ASEAN cũng đang chứng kiến những cải thiện nhờ các chính sách vĩ mô tốt hơn và thận trọng hơn, sự nối lại hoạt động kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng thu nhập.
Các nhà cung cấp dịch vụ logistics và bất động sản công nghiệp sở hữu các kho hiện đại trên khắp châu Á hoặc các dự án phát triển khu công nghiệp sẽ được hưởng lợi từ các hoạt động công nghiệp và nhu cầu của người tiêu dùng đang gia tăng. Các ngân hàng tiếp xúc trực tiếp với tăng trưởng kinh tế rộng lớn trong khu vực có thể hưởng lợi từ nhu cầu cho vay doanh nghiệp cao hơn và các dịch vụ tư vấn khác.
Các ngân hàng Singapore có thể đóng vai trò là cửa ngõ cho dòng vốn đầu tư trong khu vực, trong khi các ngân hàng Indonesia mang đến cơ hội tăng trưởng cơ cấu tốt (tỷ lệ cho vay trên GDP thấp).
Ngoài ra còn có các yếu tố khác cần xem xét. Đây là một chủ đề dài hạn có thể diễn ra trong thập kỷ tới, chứ không chỉ trong những tháng tới. Các nhà đầu tư cần suy tính thấu đáo và đánh giá các nhân tố như khả năng tiếp cận thị trường, định giá và sự am hiểu địa phương.
Việc quản lý tích cực ở các thị trường mới nổi thậm chí còn có ý nghĩa quan trọng hơn so với các thị trường phát triển vì tính kém hiệu quả của thị trường và nhiều bất trắc hơn về chính sách. Điều quan trọng là lựa chọn những nhà quản lý giỏi nhất, những người chuyên về các thị trường liên quan./.