Xu hướng làm mẹ đơn thân ở Hàn Quốc

Với dân số khoảng 51 triệu người, Hàn Quốc đã chứng kiến tỷ lệ sinh xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2023 với số con trung bình của 1 phụ nữ là 0,72. Là một xã hội đậm chất truyền thống Á Đông, nhưng các nhà phân tích cho rằng có một sự thay đổi đang diễn ra trong các thế hệ trẻ ở Hàn Quốc hiện đại.

Một bà mẹ đơn thân tại Hàn Quốc. Ảnh: EASTASIAFORUM

Một bà mẹ đơn thân tại Hàn Quốc. Ảnh: EASTASIAFORUM

Bà Hyobin Lee, giáo sư thỉnh giảng về chính trị và đạo đức tại Đại học Quốc gia Chungnam, nhận định: “Từng có một định kiến ăn sâu vào xã hội Hàn Quốc đối với những người phụ nữ làm mẹ ngoài giá thú. Một người phụ nữ sinh con mà không kết hôn bị mặc định là có tội”. Theo bà, không chỉ là thái độ đối với những bà mẹ chưa kết hôn mà còn đối với những người phụ nữ đã ly hôn và góa phụ, những người thường bị coi thường và kỳ thị trong xã hội truyền thống Hàn Quốc. Những người phụ nữ này thường bị cho là ít mong muốn tái hôn. Cũng theo giáo sư Lee, điều đáng nói là hầu như không có lời chỉ trích nào hướng đến những người đàn ông liên quan đến những tình huống tương tự. Hơn nữa, trong một xã hội gia trưởng, sự kỳ thị đối với trẻ em sinh ra ngoài giá thú dường như là điều không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, số liệu mới nhất của Chính phủ Hàn Quốc cho thấy thái độ phân biệt với các bà mẹ đơn thân không còn phổ biến như trước nữa. Năm 2023, có khoảng 10.900 trẻ sơ sinh được sinh ra từ những phụ nữ không kết hôn hoặc không chung sống như vợ chồng, chiếm 4,7% tổng số ca sinh và là con số cao nhất kể từ khi số liệu thống kê bắt đầu được thu thập vào năm 1981. Mặc dù con số đó có thể tương đối nhỏ so với các quốc gia khác, nhưng nó cho thấy xu hướng tăng ở nước này, khi năm 2021 có 7.700 ca sinh ngoài giá thú và năm 2022 có 9.800 ca. Do áp lực công việc ngày càng cao, những người trẻ tuổi khó nghĩ đến việc lập gia đình. Hơn nữa, một nghiên cứu được công bố năm 2023 cho thấy, Hàn Quốc là quốc gia có chi phí nuôi dạy trẻ em cao nhất thế giới. Sự thay đổi về chuẩn mực xã hội cũng dẫn đến nhiều vụ ly hôn hơn.

Giáo sư Hyobin Lee chỉ ra một số điểm then chốt khác có thể dẫn đến xu hướng làm mẹ đơn thân. Năm 2020, Sayuri Fujita, một nhân vật truyền hình Nhật Bản có lượng người theo dõi đông đảo tại Hàn Quốc đã xác nhận đứa con trai mới sinh của cô được thụ thai thông qua tinh trùng hiến tặng và cô không kết hôn. Tương tự, một thí sinh trong chương trình truyền hình nổi tiếng I am Solo cho biết cô không kết hôn nhưng muốn có con, vì vậy cô đã có một đứa con trai với bạn trai cũ và chấp nhận làm mẹ đơn thân... Những câu chuyện như thế đã không còn xa lạ trong xã hội Hàn Quốc. Một số phụ nữ muốn có con nhưng không tìm được bạn đời phù hợp hoặc mang thai trong thời gian hẹn hò và chọn sinh con, tự nuôi con. Ngay cả Chính phủ Hàn Quốc cũng có thêm nhiều chính sách phúc lợi hỗ trợ trẻ em từ các gia đình chỉ có một cha hoặc một mẹ. Trước đây, các chính sách phúc lợi chủ yếu tập trung vào việc khuyến khích tỷ lệ sinh trong các gia đình hạnh phúc và bình thường. Nay, có thêm nhiều chính sách giảm thuế và ưu tiên cho trẻ em của các bậc cha mẹ đơn thân khi nộp đơn vào trường mẫu giáo hoặc nhà trẻ, cũng như khi nộp đơn xin cấp nhà ở.

KHÁNH MINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/xu-huong-lam-me-don-than-o-han-quoc-post759980.html