Xu hướng 'mua' quốc tịch
Ủy ban châu Âu (EC) vừa kiện Malta lên Tòa án Tối cao của EU về chương trình 'hộ chiếu vàng' cho phép các nhà đầu tư giàu có mua quốc tịch Malta mà không cần sống ở nước này. Việc mua quốc tịch và quyền cư trú đang là xu hướng toàn cầu của những người siêu giàu muốn chọn lựa nơi ở mới hoặc quyền công dân mới.
Bất chấp nhiều lần Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi chấm dứt chương trình này, Malta vẫn thực hiện chương trình cung cấp hộ chiếu để đổi lấy các khoản đầu tư, với hầu hết các nhà đầu tư đến từ vùng Vịnh, châu Á và Nga, thu khoảng 1,1 tỷ EUR tính từ năm 2013.
EU quan ngại về “đạo đức, luật pháp và kinh tế” cũng như “một số rủi ro an ninh nghiêm trọng” nếu Malta tiếp tục chương trình. Ông Didier Reynders, Ủy viên các vấn đề tư pháp của EU, khẳng định, Malta đã vi phạm luật của EU khi cung cấp quyền công dân để đổi lấy các khoản tiền hoặc đầu tư mà không có liên kết thực sự với quốc gia liên quan. Nhượng bộ duy nhất đến nay là Malta đình chỉ áp dụng chương trình đối với công dân Nga và Belarus sau khi xảy ra cuộc xung đột tại Ukraine; trong khi Cyprus và Bulgaria vừa ngưng áp dụng các chương trình tương tự Malta, dưới áp lực của EU.
Trái với lập luận của EU, ông Lior Erez, giảng viên bộ môn Lý thuyết chính trị tại Đại học Oxford, Vương quốc Anh, cho rằng, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 cũng gây áp lực lên các chính phủ trong việc tìm cách đưa đầu tư nước ngoài vào các nền kinh tế và đây được coi là “một cách làm tương đối không tốn kém”. Hơn nữa, theo công ty thăm dò Latitude của Anh, ở nhiều quốc gia, đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột tại Ukraine đã thúc đẩy nhu cầu đầu tư và di cư sang nước khác. Ước tính, có khoảng 110.000 cá nhân giàu có đã mua quyền sống ở nước ngoài vào năm 2019. Dự kiến năm 2023, con số này sẽ đạt 125.000 và có thể tăng hơn. Đặc biệt, nhu cầu về hộ chiếu thứ hai ở những người Mỹ giàu có đã tăng 300% trong giai đoạn 2019-2021.
Theo cuộc điều tra của truyền hình Al Jazeera, 1.400 ứng viên được chấp thuận cấp quốc tịch Cyprus, đã rót 2,15 triệu EUR vào quốc gia này từ năm 2017 đến 2019. Trong số này, có 30 người bị điều tra hình sự và 40 người từng nắm giữ các vị trí chính trị hoặc nhà nước tại nơi họ có quốc tịch gốc, nghĩa là họ bị coi là một nguy cơ nghiêm trọng đối với hành vi hối lộ hoặc rửa tiền theo quy định của EU. Theo các quan chức EU, những trường hợp này gây ra rủi ro an ninh đáng lo ngại, vì một khi đã được cấp quyền công dân thì rất khó để xóa bỏ.
Do các biện pháp trừng phạt, các nước thành viên EU không được phép cấp quốc tịch hoặc quyền cư trú cho người Nga. Tuy nhiên, còn rất nhiều lựa chọn khác bên ngoài châu Âu. Một trong các điểm đến là Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara chủ trương thu hút người giàu không phân biệt quốc gia gốc. Vị trí địa lý của Thổ Nhĩ Kỳ tạo cho nước này sự pha trộn giữa lối sống phương Tây, phương Đông, giữa người Hồi giáo và các tôn giáo khác.
Để có được quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ đầy đủ cho người nộp đơn và các thành viên trong gia đình, nhà đầu tư phải đóng góp tối thiểu cho nước này 400.000 USD, chẳng hạn như mua một căn nhà có giá trị tương đương. Khoảng 120 ngày sau, họ có thể trở thành chủ nhân của hộ chiếu Thổ Nhĩ Kỳ. Hoặc ở mức uyển chuyển hơn, không cần mua quốc tịch, với 200.000 EUR, những người không phải người châu Âu có thể mua quyền sống, làm việc và học tập tại Bồ Đào Nha và đi du lịch miễn thị thực trong khu vực Schengen trong tối đa 5 năm, miễn là họ dành 5 ngày mỗi năm ở đất nước này.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//xu-huong-mua-quoc-tich-848786.html