Xu hướng người trẻ tìm về văn hóa truyền thống

Tiếp cận nhiều cách khác nhau, những người trẻ đang mở ra hướng đi mới trong bảo tồn, phát huy giá trị của văn hóa truyền thống vào thực tiễn đời sống.

Nhóm bạn trẻ “Người lạ bàn chuyện quen”. (Ảnh: NVCC)

Nhóm bạn trẻ “Người lạ bàn chuyện quen”. (Ảnh: NVCC)

“Nhựt Bình y”

Được ra mắt từ năm 2020, Great Vietnam được biết đến là tổ chức của những người trẻ, chuyên nghiên cứu và cung cấp các giải pháp cổ phục Việt Nam, đặc biệt là trang phục cung đình.

Với kinh nghiệm và uy tín được đón nhận mạnh mẽ trong giới nghiên cứu cổ phục trẻ, Great Vietnam đã âm thầm thực hiện sứ mệnh phổ biến các chất liệu cổ xưa bằng hơi thở hiện đại, tái hiện nghiêm túc và ứng dụng sáng tạo các di sản trang phục; đề cao chất lượng thẩm mỹ trên cơ sở nghiên cứu chuyên sâu, kế thừa kỹ thuật từ những cá nhân ưu tú trong cộng đồng cổ phong, cộng đồng sáng tạo.

Trên tinh thần đó, họ đã thực hiện dự án “Nhựt Bình y” với mục đích lần đầu tiên phân loại và tái hiện đúng nghĩa các dạng thức điển hình nhất của áo Nhựt bình (còn gọi là Nhật Bình) - loại áo đặc trưng dành riêng cho nữ giới cung đình triều Nguyễn gồm các bậc hậu cung, công chúa, phủ thiếp, mệnh phụ...

Theo anh Vũ Đức - đại diện dự án, trong giai đoạn hiện nay, hình ảnh áo Nhựt Bình đang trở lại và phổ biến ngày càng rộng rãi. Tuy nhiên, những yếu tố mỹ thuật căn bản làm ra áo, đặc biệt là các đồ án trang trí trên áo lại không thực sự được phục hồi một cách thành thục, dù đây là điểm nhấn mang đậm tính nhận diện của Việt phục thời Nguyễn.

Anh nói: “Khoảng trống này bị quên lãng trong cả giới nghiên cứu và bảo tồn, trong những dự án văn hóa và thương mại, chúng tôi mong muốn góp phần nhỏ bé vào việc này”.

Hiện tại, các mẫu áo Nhựt Bình của dự án được trưng bày trong không gian của Great Vietnam tại tầng 3, tòa nhà số 3 Đội Cung - 336 Bà Triệu, Hà Nội. Cũng tại đây, họ còn trưng bày thành quả nghiên cứu trước đó của nỗ lực tái hiện cổ phục Việt và quá trình thực hiện các dự án chất lượng cao long bào, phụng bào, mãng bào, mãng lan...

“Người lạ bàn chuyện quen”

Đây là tên của một dự án thú vị được tạo nên bởi nhóm bạn trẻ Hà Nội yêu thích văn hóa truyền thống. Hoạt động nổi bật nhất của dự án này là tạo nên các buổi giao lưu với không gian hội thoại mở giữa người trẻ và những vị khách mời là các nhà nghiên cứu, nghệ nhân, nghệ sĩ trong nghề, nhà sáng lập dự án… đang trong hành trình nghiên cứu thực hành các bộ môn nghệ thuật truyền thống.

Anh Thư, một thành viên sáng lập nhóm, chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn kết nối người trẻ với văn hóa, giúp người trẻ có góc nhìn mới mẻ về sáng tạo nghệ thuật từ chất liệu văn hóa trong thời điểm hiện tại. Qua đó, truyền cảm hứng cho các bạn trẻ tìm hiểu văn hóa, thể hiện niềm tự hào với văn hóa truyền thống theo chất riêng của mình”.

Mới đây, nhóm đã gây ấn tượng khi tổ chức chuỗi sự kiện trực tuyến “Thêu nét chầu văn”, mang lại cho mọi người một góc nhìn sâu sắc hơn về nguồn cội của chầu văn.

Với sự góp mặt của nhiều khách mời đặc biệt như nghệ sĩ Cao Bá Hưng, tiến sĩ Lương Thị Thu Hường... cùng với các nghiên cứu sinh về văn hóa, “Thêu nét chầu văn” thu hút sự quan tâm, thích thú của các bạn trẻ yêu văn hóa truyền thống.

Điểm độc đáo của sự kiện là khách mời không đóng vai trò trung tâm, họ như người bạn đồng hành, người kể chuyện, khuyến khích những người tham gia chia sẻ góc nhìn về chầu văn. Vì thế, sự kiện không chỉ giúp người tham gia mở mang kiến thức về lĩnh vực nghệ thuật mà còn kết giao những tâm hồn đồng điệu cùng hướng về tín ngưỡng thờ Mẫu.

Số hóa dữ liệu dân gian

Nhiều bạn trẻ đang say sưa với việc kết hợp các giá trị văn hóa truyền thống và đương đại trong các sản phẩm sáng tạo của mình.

Là người yêu thích đặc biệt với thể loại tranh dân gian, chị Vũ Thùy Dương ở Hà Nội đã nghĩ cách thổi hồn dòng tranh dân gian lên các mặt đồng hồ với những biến tấu nghệ thuật mới lạ. Để những bức tranh dân gian nhìn có hồn chỉ với kích thước vỏn vẹn 30mm trên mặt đồng hồ, chị phải sử dụng kính hiển vi để tỉ mỉ vẽ và phối màu.

Một trong những tác phẩm mới và nổi bật nhất của chị Dương là bộ năm chiếc đồng hồ "Ngũ hổ Thần Tướng". Bộ tranh lấy cảm hứng từ tranh Ngũ hổ, vẽ năm chiếc đồng hồ dân gian chào đón Tết Nhâm Dần. Qua bộ tranh này, chị mong muốn lưu giữ nét đẹp văn hóa dân gian cũng như khoác lên mình tranh dân gian một diện mạo mới.

Không chỉ tại Việt Nam, ở Australia, Vietnam Centre - một tổ chức hoạt động độc lập và phi lợi nhuận của người Việt trẻ cũng đã hoạt động nhiều năm nay với sứ mệnh quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Các dự án “Dệt nên triều đại”, “Vẽ về Hát Bội” cũng đã được họ thực hiện với mong muốn giữ lại những nét văn hóa đặc sắc xưa cũ của dân tộc.

Đặc biệt, dự án "Họa sắc Việt" là cách mà các bạn trẻ lưu giữ lại văn hóa truyền thống bằng hình thức số hóa. Với mong muốn tạo ra một kho lưu trữ dân gian trong thiết kế bằng kỹ thuật đồ họa, các nhà thiết kế trẻ của Vietnam Centrer đã lưu trữ lại những nét đẹp của tranh Hàng Trống và mở ra nguồn tư liệu ứng dụng màu và họa tiết của dòng tranh này lên các sản phẩm khác như đồ họa, thời trang, thủ công mỹ nghệ…

Đáng chú ý, đầu năm nay, triển lãm HAPPY NEW TẾT đã được Vietnam Centre tổ chức tại Canberra, mang đến cho người dân Australia một thoáng trải nghiệm năm mới của người Việt qua những bức tranh in mộc bản theo lối xưa và những tác phẩm gốm sứ mang đậm văn hóa truyền thống Việt.

HÀ ANH

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xu-huong-nguoi-tre-tim-ve-van-hoa-truyen-thong-180301.html