Xu hướng phát triển của máy bay không người lái và các loại vũ khí mang theo

Hiện nay, với vai trò là một lực lượng tác chiến mới trên không, máy bay không người lái (UAV) ngày càng tham gia sâu hơn vào chiến trường nhờ những ưu điểm vượt trội như không gây thương vong cho bên sử dụng, không tiếp xúc và có khả năng tác chiến từ xa. Cũng vì thế, nhiệm vụ của của UAV được mở rộng từ 'phát hiện' sang 'tấn công', tích hợp vừa trinh sát vừa tấn công, kéo theo sự phát triển của các loại đạn mang theo.

Tổng quan về đạn UAV

Trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh năm 2020 giữa Azerbaijan và Armenia, quân đội Azerbaijan đã sử dụng UAV để tiêu diệt số lượng lớn trang bị mặt đất của Armenia, bao gồm xe tăng chiến đấu chủ lực, xe chiến đấu bộ binh, pháo, bệ phóng tên lửa, hệ thống phòng không dã chiến... Hay trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, ngoài việc thực hiện các hoạt động tình báo, trinh sát và giám sát, các video về những cuộc tấn công do UAV thực hiện cũng thu hút sự quan tâm nhiều nước về một loại phương tiện tấn công có cấu trúc đơn giản, giá thành thấp nhưng mang lại hiệu quả lớn.

Theo trang mạng 81.cn, sự phát triển tích hợp tính năng trinh sát, chiến đấu của UAV quân sự đã kéo theo sự phát triển của các loại đạn dược mang theo. Sau sự kiện khủng bố 11-9, quân đội Mỹ đã cải tiến tên lửa Hellfire, liên tục đưa ra các phiên bản tên lửa AGM-114P/P+ /R gắn trên các UAV "Predator" và "Reaper". Tháng 10-2001, trên chiến trường Afghanistan, quân đội Mỹ lần đầu tiên đã sử dụng UAV Predator để phóng tên lửa Hellfire, phá hủy một chiếc xe tăng và tiến hành các cuộc tấn công mặt đất UAV.

Tên lửa hành trình Kh-59MK2 của Nga. Ảnh: 81.cn

Tên lửa hành trình Kh-59MK2 của Nga. Ảnh: 81.cn

Từ đó đến nay, với yêu cầu chiến đấu ngày càng nâng cao như hỗ trợ hỏa lực tầm gần, chế áp hệ thống phòng không của đối phương và tấn công sâu các mục tiêu chủ chốt, đạn UAV đã được nhiều nước quan tâm phát triển.

Ban đầu, phần lớn đạn trang bị cho UAV được cải tiến từ các loại đạn hiện có. Đây thường là loại đạn lớn, với một quả bom nặng từ 45 đến 250kg và chủ yếu được sử dụng bởi UAV cỡ lớn và vừa. Chẳng hạn như tên lửa không đối đất AGM-114 Hellfire của Mỹ, tên lửa dẫn đường "Brimstone" của Anh, bom dẫn đường KAB-500 của Nga…. Trong đó, tên lửa hành trình tầm xa Kh-59MK2 của Nga nặng tới 770kg.

Với lợi thế về công nghệ hoàn thiện, giá thành thấp và lượng tồn kho lớn, bom dẫn đường đã trở thành vũ khí không đối đất chủ yếu trang bị cho các UAV cỡ lớn và vừa. Phương thức dẫn đường của chúng chủ yếu là bán chủ động bằng laser và GPS/INS. Bộ phận chiến đấu chủ yếu là đầu đạn xuyên giáp.

Việc chuyển đổi này có chi phí thấp hơn, chu kỳ phát triển ngắn và có thể nhanh chóng đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, uy lực của những loại đạn này thường “vượt quá mức cần thiết” khi tấn công các mục tiêu nhỏ hoặc mục tiêu đa điểm phức tạp. Do đó, một số quốc gia đã phát triển loại đạn dành riêng cho UAV hạng nhẹ. Ví dụ, tên lửa LMM (đa năng hạng nhẹ) của Anh, tên lửa "Spike-LR" của Israel, tên lửa IMPI của Nam Phi…. Ưu điểm của chúng là trọng lượng nhẹ, kích thước nhỏ, ít sát thương phụ, thích hợp sử dụng trên các UAV cỡ nhỏ và vừa.

Yêu cầu tác chiến thúc đẩy sự phát triển đa dạng

Hiện nay có rất nhiều loại đạn dùng trang bị riêng cho UAV. Phân loại theo phương thức bắn có tên lửa, bom dẫn đường, tên lửa dẫn đường, đạn cối dẫn đường, đạn dẫn đường….; theo trọng lượng bao gồm loại nặng (250kg trở lên), loại trung bình (50kg), loại nhẹ (hạng 25kg trở xuống). Phương pháp phân loại này về cơ bản không khác biệt so với cách phân loại đạn thông thường dành cho máy bay có người lái.

Tên lửa Spike-LR của Israel. Ảnh: 81.cn

Tên lửa Spike-LR của Israel. Ảnh: 81.cn

Phân loại và mục đích sử dụng của đạn UAV quyết định bởi khả năng chuyên chở và vấn đề chiến thuật, có thể chia làm bốn loại.

Đầu tiên là loại đạn sử dụng dẫn đường tổng hợp. Tận dụng đặc điểm “thấp, chậm và nhỏ”, UAV có thể được sử dụng để tấn công một số mục tiêu có giá trị cao. Trong trường hợp này, yêu cầu về độ chính xác khi tấn công của loại đạn này là tương đối cao. Hầu hết các loại đạn trang bị cho UAV hiện nay đều sử dụng dẫn đường bán chủ động bằng laser, nhưng phương thức dẫn đường này dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Để khắc phục nhược điểm này, một số loại đạn UAV đã áp dụng phương pháp dẫn đường tổng hợp giữa chiếu xạ laser bán chủ động + GPS/INS.

Thứ hai, đạn dùng cho tác chiến tập trung và phát động các cuộc tấn công bão hòa. Các UAV "bầy đàn" có thể tiến hành các cuộc tấn công trinh sát và bão hòa mật độ cao vào các khu vực mục tiêu với ưu thế về số lượng. Trong trường hợp này, chi phí thấp, khả năng thu nhỏ và mô-đun hóa đã trở thành những đặc điểm nổi bật của UAV (một số trong số đó là đạn dược). Một số chương trình có thể kể đến, như: Dự án Golden Horde của Mỹ đang cố gắng tích hợp "bom đường kính nhỏ" GBU-39/B và tên lửa hành trình AGM-158, "bom mồi nhử cỡ nhỏ phóng từ trên không" ADM-160 và các loại đạn khác để tạo thành một "bầy đàn" với khả năng phán đoán, tấn công chính xác vào các mục tiêu.

Thứ ba, đạn có thể dừng trên không và thực hiện “săn mồi”. Tiêu biểu của loại đạn này là tên lửa “lảng vảng”. Nó có thể dừng lại và bay qua, tấn công mục tiêu sau khi tìm được cơ hội thích hợp. Một số cuộc xung đột hiện nay cho thấy các tiểu đội, trung đội và thậm chí từng binh sĩ đều có thể sử dụng UAV tấn công các đơn vị và từng binh sĩ của đối phương. Loại đạn này nhẹ, dễ mang theo, thông dụng và giá thành thấp. Trong đó, một số được cải tiến trực tiếp từ tên lửa, tên lửa chống tăng, đạn súng cối.

Ngoài ra, những năm gần đây, robot bay bắt đầu được sử dụng trên chiến trường. Bằng loại UAV này (bản thân nó cũng là một loại đạn), người điều khiển có thể lấy thông tin chiến trường theo thời gian thực thông qua màn hình, điều khiển nó di chuyển ở tốc độ cao qua các địa hình hoặc tòa nhà, tiến hành tìm kiếm và tấn công các mục tiêu. Mặc dù phương thức tấn công này dựa vào sự điều khiển thủ công của con người, nhưng ưu điểm của nó là có thể nhanh chóng loại bỏ các điểm hỏa lực ở các tòa nhà đô thị hoặc địa hình phức tạp.

“Dễ sử dụng” trên chiến trường sẽ là hướng ưu tiên phát triển

Do nhu cầu chiến đấu, đạn UAV đã trở nên đa, hiệu quả tấn công được cải thiện, chú trọng vào thiết kế mô-đun và bệ lắp đa năng, tuy nhiên vẫn còn những yếu điểm như bị nhiễu điện tử hoặc bị đối phương ngụy trang đánh lừa. Một số loại đạn UAV có yêu cầu cao về môi trường điện từ. Ví dụ, robot bay phụ thuộc vào điều khiển từ xa, một khi gặp phải sự can thiệp mạnh, rất dễ mất kiểm soát, tự hủy hoặc bị vô hiệu hóa. Khi đối phương ngụy trang đánh lừa sẽ khó xác định mục tiêu, thậm chí tấn công nhầm.

Tên lửa không đối không "NCADE" của Mỹ. Ảnh: 81.cn

Tên lửa không đối không "NCADE" của Mỹ. Ảnh: 81.cn

Hoàn thiện những hạn chế này sẽ là hướng đi quan trọng cho sự phát triển của đạn UAV trong tương lai, có thể khái quát ở các khía cạnh sau:

Đầu tiên, tiếp tục phát triển đa chiều. Mỗi loại đạn UAV đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng. Các loại đạn lớn như " Hellfire", "Paveway" và "Brimstone" thích hợp để tấn công các mục tiêu cứng hoặc được bọc thép dày; trong khi các loại đạn như "Spike" và "Viper" có lợi cho việc tăng tải trọng UAV và giảm sát thương phụ. Trong tương lai, đạn UAV có thể sẽ tiếp tục phát triển đa dạng, phục vụ những mục đích riêng. Gần đây, một số quốc gia đã phát triển các loại đạn siêu nhỏ, như "Chiến binh Bantu" của Nam Phi và MAM-C của Thổ Nhĩ Kỳ, có thể tăng thêm tải trọng bom cho UAV và tăng cường khả năng che giấu cuộc tấn công. Một số quốc gia đang nghiên cứu tên lửa không đối không dành UAV, như "NCADE" của Mỹ và "Azaraksh" của Iran.

Thứ hai, tăng cường chống can thiệp, gây nhiễu và tác chiến điện tử. Trong tương lai, công nghệ sử dụng điều hướng tích hợp, dẫn đường tổng hợp đa chế độ, liên kết dữ liệu…, đạn UAV có thể sẽ phát triển theo hướng tự động bắt mục tiêu, nhận dạng, phân tích và phán đoán tín hiệu điện từ. Công nghệ AI sẽ giúp đạn UAV trở nên thông minh hơn trước các “mồi nhử” của đối phương.

Cuối cùng, xu thế tất yếu sẽ là giảm chi phí nghiên cứu chế tạo và chi phí sử dụng, nhất là khi phương thức tấn công bằng UAV “bầy đàn” và UAV lảng vảng ngày càng trở nên phổ biến.

VĂN DUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/quan-su-the-gioi/xu-huong-phat-trien-cua-may-bay-khong-nguoi-lai-va-cac-loai-vu-khi-mang-theo-782220