Xu hướng thay màu mắt: Đẹp nhưng phải trả cái giá quá đắt
Mặc dù các thủ thuật này có thể mang lại cho người ta vẻ ngoài mong muốn, nhưng chúng cũng đi kèm với rất nhiều rủi ro và biến chứng – một trong số đó là mù lòa.
Có vẻ như không có giới hạn nào cho những điều mọi người sẵn sàng làm để có được vẻ ngoài hoàn hảo. Cho dù đó là tiêm “mỡ tự thân” vào mông, chỉnh sửa hàm răng; cấy ghép hay loại bỏ các mảng da trên đầu để điều trị hói... bất kể các thủ thuật thẩm mỹ đó có nguy hiểm đến đâu, vẫn luôn có những người sẵn sàng đánh cược sức khỏe của họ.
Một số người thậm chí còn trải qua các thủ thuật để thay đổi màu mắt vĩnh viễn. Điều này có thể được thực hiện theo nhiều cách khác nhau – chẳng hạn như cấy ghép để thay đổi diện mạo mống mắt, xăm mống mắt hoặc tẩy sắc tố bằng laser.
Xin hiểu cho con mắt
Mặc dù các thủ thuật này có thể mang lại cho người ta vẻ ngoài mong muốn, nhưng chúng cũng đi kèm với rất nhiều rủi ro và biến chứng – một trong số đó là mù lòa.
Vì sao vậy? Mống mắt là vòng màu bao quanh đồng tử. Nó đẹp nhưng vô cùng phức tạp. Mống mắt bao gồm hai lớp cơ trơn (mà chúng ta không thể kiểm soát). Những cơ này có chức năng làm co và giãn kích thước của đồng tử và mống mắt để kiểm soát lượng ánh sáng đi vào mắt. Những cơ này cũng bảo vệ các tế bào thụ thể nhạy cảm trong mắt khỏi bị tổn thương vĩnh viễn.
Mống mắt cũng có hai lớp sắc tố chứa melanin quyết định màu mắt của bạn. Có sáu màu chính được công nhận: nâu, hổ phách, hạt dẻ, xanh lá cây, xanh lam và xám.
Nếu bạn có nhiều sắc tố ở cả hai lớp, mắt bạn sẽ có màu sẫm hơn – chẳng hạn như nâu, là màu mắt phổ biến nhất (xảy ra ở khoảng 80% dân số thế giới).
Nếu bạn có ít sắc tố ở lớp trước, bạn sẽ có mắt màu hạt dẻ hoặc xanh lá cây (màu hiếm nhất, chỉ tìm thấy ở 2% dân số). Những người có rất ít hoặc không có melanin ở lớp trước sẽ có mắt xanh lam hoặc xám.
Chỉnh sửa vấn đề hay tạo ra vấn đề?
Phẫu thuật mắt, đặc biệt là mống mắt, không phải là điều mới mẻ. Các ca phẫu thuật mắt để điều trị đục thủy tinh thể đã có từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên và các vết sẹo màu ở mắt đã có từ hơn 2.000 năm trước.
Cho đến những năm gần đây, các ca phẫu thuật đã được thực hiện để tái tạo mống mắt hoặc sửa chữa khuyết điểm. Nhưng các thủ thuật thẩm mỹ để thay đổi màu sắc mống mắt vĩnh viễn hiện đang bắt đầu trở nên phổ biến hơn.
Keratopimentation là một ví dụ về một trong những thủ thuật này. Một loạt các vết rạch nhỏ được thực hiện bằng kim vào giác mạc (lớp bảo vệ trong suốt của nhãn cầu). Các sắc tố được đưa vào lớp này để thay đổi vĩnh viễn màu mắt. Kỹ thuật này đã có từ hàng nghìn năm trước, với nhiều loại sắc tố đã được thử nghiệm, gồm cả… bồ hóng.
Tương tự như vậy, việc sử dụng tia laser để loại bỏ sắc tố khỏi lớp ngoài của mống mắt có thể thay đổi mắt nâu thành mắt xanh nhạt hoặc xám. Các thủ thuật khử sắc tố thực hiện điều này bằng cách đốt cháy sắc tố và các tế bào tạo ra sắc tố bằng tia laser.
Kỹ thuật này chỉ có thể được sử dụng để chuyển từ mắt tối sang mắt sáng hơn và sẽ không hiệu quả với những người muốn chuyển sang hướng ngược lại. Nguyên nhân là do hiện tại không thể bổ sung hoặc đưa thêm melanin vào mống mắt nếu đã thiếu hoặc không có nhiều melanin.
Không có phương pháp nào là an toàn
Ban đầu, phương pháp khử sắc tố được phát triển để điều trị chứng hắc tố da ở mắt, một tình trạng mà các tế bào sắc tố không di chuyển đến nơi cần thiết, khiến các phần khác của mắt (như lòng trắng) bị sẫm màu. Tình trạng này có thể cần nhiều đợt điều trị nhưng thường là phải thực hiện suốt đời.
Cả phương pháp sắc tố giác mạc và phương pháp khử sắc tố bằng laser đều có nguy cơ nhiễm trùng đáng kể vì chúng làm tổn thương các lớp ngoài cùng của mắt.
Các thủ thuật này cũng có thể gây ra tình trạng nhạy cảm với ánh sáng và thay đổi thị lực dẫn đến giác mạc mỏng và thủng, bệnh tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể, thậm chí mù lòa. Một số bệnh nhân đã trải qua các thủ thuật sắc tố giác mạc thậm chí còn phàn nàn về việc bị đau mắt trong quá trình chụp MRI.
Một thủ thuật khác mà một số người đang sử dụng để thay đổi màu mắt của họ là cấy ghép silicone vào mắt.
Một người mẫu Instagram đã thực hiện thủ thuật này đã gặp phải những biến chứng trầm trọng khiến cô chỉ còn thị lực của một người 90 tuổi - mất 50% thị lực ở một mắt và 80% ở mắt còn lại. Cũng ghi nhận biến chứng tương tự ở một số ca khác chứng tỏ trường hợp trên không phải hãn hữu.
Những cấy ghép này có nguy cơ nhiễm trùng cao và các biến chứng khác - chẳng hạn như thay đổi hình dạng của mắt và cách chất lỏng bên trong mắt tạo áp lực lên dây thần kinh thị giác. Vì dây thần kinh này kiểm soát thị lực nên có thể bị mù nếu bị chèn ép.
Không có đủ bằng chứng nào cho thấy việc sử dụng bất kỳ thủ thuật nào trong số này đảm bảo an toàn. Cũng giống như rất nhiều phẫu thuật được thực hiện vì lý do thẩm mỹ, việc đạt được kết quả trong thời gian ngắn có thể khiến bạn phải chịu đau đớn trong thời gian dài sau này. Ngay cả khi những thủ thuật này được sử dụng để điều trị các tình trạng bệnh lý, vẫn có báo cáo về các biến chứng.
Nếu bạn đang cân nhắc thực hiện một trong những thủ thuật này, hãy tự hỏi liệu có đáng để bị mù chỉ vì bạn không thích màu mắt của mình hay không. Một cách an toàn để thay đổi màu mắt là sử dụng kính áp tròng màu theo toa. Hơn nữa, việc thay đổi này còn có thể giúp người dùng thay đổi màu mắt mới khi cảm thấy không hài lòng với một màu mắt vừa thay. Nhưng tốt nhất là vẫn không nên thay đổi gì hết mà tôn trọng màu mắt tự nhiên của bạn.