Xu hướng tích trữ hàng của đối tác Mỹ sẽ giảm dần, xuất khẩu Việt Nam đối diện sức ép cạnh tranh

Xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng vọt trong tháng 4, đạt mức tăng trưởng 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Động lực chính đến từ việc các nhà nhập khẩu Mỹ đẩy mạnh tích trữ hàng hóa trước khi mức thuế đối ứng 46% có thể được tái áp dụng sau thời gian tạm hoãn. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo đà tăng này có thể không kéo dài khi hàng tồn kho dần đầy và cạnh tranh từ Trung Quốc quay trở lại.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Mỹ, các sản phẩm từ khu vực FDI có mức tăng cao hơn trong tháng 4, bao gồm điện tử (+57% YoY), máy móc (+38% YoY), trong khi các sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp trong nước có tốc độ tăng trưởng thấp hơn, bao gồm dệt may (+23% YoY), thủy sản (+15% YoY), và đồ gỗ nội thất (+4%).

Trong báo cáo vừa công bố, VIS Rating cho rằng việc tạm ngưng áp dụng thuế đối ứng 46% trong 90 ngày và tạm thời thay thế bằng mức thuế 10% có hiệu lực từ ngày 10/4 đang thúc đẩy các nhà nhập khẩu Mỹ tích trữ hàng trước cho nửa cuối năm, giúp giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 25% trong nửa cuối tháng 4 so với nửa đầu tháng.

"Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng xu hướng tích trữ hàng sẽ sớm giảm dần trong các tháng còn lại của quý II, khi các nhà nhập khẩu Mỹ đã tích lũy đủ hàng tồn kho cho nửa cuối năm. Thêm vào đó, các cuộc đàm phán đang diễn ra thuận lợi giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ mở đường xuất khẩu của Trung Quốc quay trở lại Mỹ và gia tăng cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng tới", ông Nguyễn Lý Thanh Lương, Trưởng nhóm phân tích VIS Rating cho hay.

Xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ tăng mạnh trong tháng 4, với mức tăng trưởng hai con số ở hầu hết các ngành hàng.Nguồn: Tổng cục hải quan, VIS Rating.

Xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ tăng mạnh trong tháng 4, với mức tăng trưởng hai con số ở hầu hết các ngành hàng.Nguồn: Tổng cục hải quan, VIS Rating.

Trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, ngành điện tử đã được hưởng lợi từ việc nhập khẩu trước của các doanh nghiệp Mỹ do được miễn thuế đối ứng. Ngược lại, các sản phẩm không thiết yếu - như đồ gỗ nội thất - đã chứng kiến mức tăng trưởng chậm hơn sau thông báo áp thuế, do người tiêu dùng ít động lực tích trữ các mặt hàng này. Với 55% xuất khẩu phụ thuộc vào thị trường Mỹ, VIS Rating cho rằng mục tiêu 18 tỷ USD (+10% YoY) của ngành gỗ trong năm 2025 là rất khó đạt được dưới áp lực thuế quan hiện tại.

"Biên lợi nhuận EBITDA của các nhà sản xuất các mặt hàng như dệt may, đồ gỗ và thủy sản đang ở mức khoảng 10-15%, sẽ không đủ để bù đắp mức thuế cao hơn 10% và chi phí logistics tăng do phí cập cảng mà Mỹ áp dụng đối với các tàu thuyền không được đóng tại Mỹ.

Các công ty niêm yết có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ cao như May Sông Hồng (mã: MSH), Phú Tài (mã: PTB) và Vĩnh Hoàn (mã: VHC) đã chỉ ra trong các cuộc họp ĐHĐCĐ gần đây rằng thị trường Mỹ sẽ không có lợi nhuận nếu như mức thuế cao hơn được áp dụng", ông Nguyễn Đình Duy, Chuyên gia phân tích cấp cao VIS Rating đánh giá.

Biên lợi nhuận EBITDA trung bình của các doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ chỉ nhỉnh hơn một chút so với mức thuế 10% từ phía Mỹ.Nguồn: VIS Rating.

Biên lợi nhuận EBITDA trung bình của các doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ chỉ nhỉnh hơn một chút so với mức thuế 10% từ phía Mỹ.Nguồn: VIS Rating.

Trao đổi với báo chí trong một tòa đàm mới đây, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Quốc tế và Chính sách hội nhập, Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - Tài chính phân tích, ngành dệt may, da giày phụ thuộc rất cao vào thị trường Mỹ, do vậy, tác động tiêu cực là rất lớn khi xuất khẩu giảm mạnh, số lượng lao động bị ảnh hưởng.

Đối với ngành điện tử (gồm cả máy tính, sản phẩm điện tử, linh kiện và điện thoại di động), mặc dù một số mặt hàng điện tử cụ thể (điện thoại thông minh, máy tính, chip) đã được miễn trừ khỏi thuế đối ứng trong một sắc lệnh điều chỉnh nhưng mối đe dọa về các loại thuế mới đối với chất bán dẫn trong tương lai vẫn còn hiện hữu, tạo ra sự không chắc chắn cho ngành.

Trong khi đó, ngành đồ gỗ là phụ thuộc đặc biệt cao. Về lâu dài, Việt Nam có nguy cơ mất thị phần vào tay các đối thủ cạnh tranh như Mexico và Indonesia nếu mức thuế cao được duy trì.

Đối với ngành thủy sản, Mỹ là thị trường lớn thứ 2 đối với thủy sản Việt Nam, do vậy, ngành này có nguy cơ đối mặt với việc các nhà nhập khẩu Mỹ sẽ chuyển sang các nhà cung cấp từ các quốc gia khác như Thái Lan.

Đặc biệt, việc áp thuế đối ứng sẽ tác động không nhỏ đến khả năng thu hút vốn FDI khi giảm sức hấp dẫn của Việt Nam, dẫn đến nguy cơ chuyển hướng nguồn vốn sang các quốc gia như Mexico, Ấn Độ, hoặc Indonesia.

Ký hiệp định thương mại song phương với Mỹ sẽ biến nguy thành cơ

Trong một góc nhìn khác, phát biểu tại Hội thảo thuế đối ứng của Mỹ và ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam tổ chức hồi giữa tháng 4, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, thuế đối ứng của Mỹ không chỉ có rủi ro mà còn có cơ hội. Hiện Việt Nam có FTA với 17 nước nhưng không có với Mỹ. Hợp tác hai bên vẫn dừng ở mức song phương thông thường với Hiệp định Thương mại Việt Nam - Mỹ (BTA), một thỏa thuận kinh tế giữa hai nước được ký kết năm 2000 và có hiệu lực từ cuối năm 2001.

Do đó, bà cho rằng cần đẩy nhanh đàm phán để ứng xử với hàng hóa Mỹ như một nước có FTA với Việt Nam từ hàng rào thuế đến phi thuế quan. Trong quá trình đàm phán cần kết hợp được giá trị nhập khẩu dịch vụ với nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ.

Ngoài ra, chuyên gia Phạm Chi Lan cũng khuyến nghị cần tăng mạnh tỷ lệ nội địa hóa trong chuỗi cung ứng hàng hóa xuất khẩu đi Mỹ. Tích cực phát triển công nghiệp phụ trợ để đưa Việt Nam khỏi phận gia công, trước khi vươn lên ngưỡng phát triển cao hơn.

"Việc chuyển thị trường mới bao giờ cũng khó hơn giữ thị trường cũ, chi phí mở thị trường mới gấp 3 lần giữ thị trường Mỹ. Vì thế, cần có giải pháp để giữ thị trường Mỹ, kết hợp với đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Thị trường nhập khẩu hàng hóa cần đa dạng hơn hiện nay", bà Lan lưu ý thêm.

Trang Mai

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/xu-huong-tich-tru-hang-cua-doi-tac-my-se-giam-dan-xuat-khau-viet-nam-doi-dien-suc-ep-canh-tranh.html