Xu hướng tiêu dùng thay đổi, doanh nghiệp chủ động đáp ứng
Sở thích và hành vi người tiêu dùng (NTD) luôn thay đổi, doanh nghiệp (DN) Việt đang gia tăng tốc độ thích nghi, đổi mới chiến lược để phù hợp với những xu hướng tiêu dùng hiện nay.
Nhiều DN tìm hiểu, thay đổi bao bì sản phẩm để đáp ứng nhu cầu NTD. Trong ảnh: DN tham gia Triển lãm quốc tế giấy và bao bì Việt Nam - VPPE 2024 tại Bình Dương
Linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh
Theo các DN bán lẻ, xu hướng mua hàng của NTD không cố định mà sẽ thay đổi do tác động của thị trường, công nghệ và nền kinh tế, bắt buộc các DN cần đổi mới cách thức hoạt động. Ông Thái Thành Nhân, Quản lý mảng bán hàng online GO! & Big C Bình Dương, cho biết hiện nay công nghệ đã rút ngắn khoảng cách của người mua và người bán, các dịch vụ đặt hàng, giao hàng ra đời mang lại nhiều tiện ích hơn… Do đó để bắt kịp xu hướng tiêu dùng, siêu thị thay đổi phương thức kinh doanh bằng cách tập trung vào thương mại điện tử.
Không chỉ DN bán lẻ mà cả nhà sản xuất cần nắm rõ sự thay đổi của thị hiếu, thói quen và khả năng chi tiêu của NTD để xoay chuyển sản xuất và cách thức kinh doanh. Nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu, cơ sở sản xuất lạp xưởng tươi Cô giáo Phượng (huyện Bàu Bàng) lựa chọn nguồn nguyên liệu tốt nhất để bảo đảm dinh dưỡng. Chị Bùi Thị Đoan Phương, chủ cơ sở sản xuất này, cho biết hiện cơ sở của chị đang tập trung sản xuất dòng lạp xưởng không hóa chất như không sử dụng bột ngọt, bột niêm, chất tạo màu… bên cạnh việc quan tâm ứng dụng kỹ thuật, công nghệ và sáng tạo để tạo ra sản phẩm riêng đặc biệt. Từ đó, đáp ứng thị hiếu chọn thực phẩm xanh và dẫn dắt NTD.
Thời đại 4.0 đòi hỏi DN gia tăng kênh phân phối, đem đến sự tiện lợi cho người mua. Ông Nguyễn Quang Vũ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nam Bình, chủ nhân nhãn hàng giày thể thao Prowin (TP.Dĩ An) cho biết DN đang đẩy mạnh việc bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử. “Prowin vẫn nỗ lực phục vụ các khách hàng trong cũng như ngoài nước ở kênh bán hàng truyền thống (trực tiếp) và đầu tư mở rộng kênh online. Trong thời đại mà thời gian là quý giá, nhu cầu về sự tiện lợi và tốc độ đã tăng lên, trở thành yếu tố quan trọng trong việc ra quyết định mua hàng, DN cần tập trung chăm sóc khách hàng một cách tốt nhất”, ông Nguyễn Quang Vũ nêu vấn đề.
Tăng cường khả năng thích ứng
“Chất lượng quyết định sản phẩm, nhưng nếu bao bì không đem lại sự thiện cảm, mẫu mã chưa đẹp và đặc biệt không thân thiện với môi trường rất khó chiếm được lòng tin khách hàng”, đó là ý kến của chị Thái Thị Hương Linh, phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một. Theo chị Linh, bao bì là công cụ thể hiện thành quả từ mọi nỗ lực nghiên cứu, sản xuất và cống hiến của một DN. Nhìn vào bao bì, NTD có thể đánh giá sơ bộ quy mô hoạt động và chất lượng sản phẩm mà DN cung cấp cho thị trường.
Sản phẩm Việt có sự thay đổi nhiều về mẫu mã, bao bì để tạo ấn tượng với NTD
Xác nhận ý kiến này, anh Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc maketing Tổng Công ty Liksin, cho biết trước thách thức về ô nhiễm môi trường, tâm lý NTD đã thay đổi, nắm bắt được điều đó, nhiều DN đã đi tiên phong trong sử dụng bao bì xanh. Đặc biệt, hiện nay các DN vừa và nhỏ và những DN mới bắt đầu gia nhập thị trường cũng rất quan tâm đến bao bì xanh. Các DN Việt Nam đang thay đổi thói quen, nhận thức từ sản xuất chất lượng đến mẫu mã sản phẩm, để hòa nhập theo quy chuẩn chung.
Với xu hướng này, các công ty sản xuất bao bì sẽ sử dụng 100% vật liệu an toàn, có thể tái chế, dễ tiêu hủy trong thời gian ngắn, không gây hại đến sức khỏe con người cũng như môi trường. Các loại nhựa thông thường sẽ sớm được thay thế bằng các vật liệu tự nhiên. Từ đó, hiện có nhiều nhóm hàng như bánh kẹo, nước giải khát, gạo, thực phẩm đóng hộp, hay nhóm hàng thực phẩm Organics được NTD đánh giá là có sự vượt trội về bao bì, tạo sự tin tưởng, an tâm hơn.
Ông Hoàng Trung Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam đánh giá, NTD ngày càng coi trọng yếu tố bền vững khi mua sắm. Điều này thể hiện rõ trong 5 năm qua (từ 2019 đến 2023) sản lượng sản xuất của ngành đạt mức tăng trưởng bình quân hàng năm 13,3%. Tính riêng năm 2023 tổng sản lượng giấy trong nước sản xuất đạt gần 7 triệu tấn, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia). Trong đó, giấy bao bì sản xuất hơn 6 triệu tấn, chiếm 86% tổng sản lượng, đứng đầu Đông Nam Á. Xu hướng dùng sản phẩm giấy thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần, sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử và xuất khẩu hàng hóa ở Việt Nam là những động lực chính dẫn đến nhu cầu bao bì tăng trưởng mạnh mẽ và xu hướng này được dự đoán sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng bền vững của ngành giấy Việt Nam trong nhiều năm tới.