Xu hướng ứng dụng công nghệ AI trong quản lý hải quan ngày càng được quan tâm
Đó là thông tin được ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (US-ABC) đưa ra tại cuộc trao đổi với phóng viên báo Tin tức, bên lề Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33.
Xin ông chia sẻ về quá trình triển khai các chương trình, sáng kiến hợp tác của cơ quan Hải quan ASEAN với hoạt động của doanh nghiệp khối tư nhân?
Một trong những chức năng quan trọng nhất của cơ quan Hải quan là quản lý, kiểm soát rủi ro; nên để thực hiện tốt nhiệm vụ này, các cơ quan Hải quan đã rất tích cực cập nhật các công nghệ mới, đặc biệt là mối quan hệ tham vấn giữa các cơ quan Hải quan và khu vực tư nhân. Đó là một trong những mối quan hệ hợp tác công tư hiệu quả nhất. Cơ quan Hải quan và doanh nghiệp có mối quan hệ cộng sinh với nhau. Qua chia sẻ với chúng tôi, lãnh đạo các cơ quan Hải quan cho biết, hoạt động của doanh nghiệp không thuận lợi chính là thất bại của cơ quan Hải quan.
Chính vì vậy, mục tiêu của cơ quan Hải quan là tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Việc nhân rộng những thông lệ tốt, những kinh nghiệm tốt đang được các cơ quan hải quan triển khai ngày càng mạnh mẽ hơn. Thời gian qua, doanh nghiệp khối kinh doanh US-ABC đã trực tiếp làm việc với Hải quan Việt Nam nhiều hơn. Chúng tôi đánh giá cao cơ hội được chia sẻ những hiểu biết của mình với Hải quan Việt Nam thông qua sự hợp tác thường xuyên với Tổng cục Hải quan.
Hiện nay, một số nhiệm vụ của cơ quan Hải quan đòi hỏi trình độ chuyên môn cao. Ông có đề xuất gì về cơ chế trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn nhằm thúc đẩy hợp tác giữa cơ quan Hải quan và các đối tác trong khu vực tư nhân?
Việc nâng cao năng lực chuyên môn của cơ quan Hải quan là công việc thường xuyên mà cơ quan Hải quan các nước ASEAN vẫn đang làm. Một phần quan trọng của công việc đó là thường xuyên tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp. Hàng chục năm nay, chúng tôi đã có một quá trình hợp tác chặt chẽ với cơ quan Hải quan các nước ASEAN. Trong quá trình hợp tác đó, cũng như tại Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần này do Tổng cục Hải quan chủ trì, US-ABC đã có các kiến nghị tập trung vào một số lĩnh vực.
Trước hết, cơ quan Hải quan ASEAN phải tiếp tục tổ chức các buổi tập huấn, đào tạo cho cán bộ, nhân viên hải quan để cập nhật về một số vấn đề thực tiễn trong hoạt động thương mại xuất nhập khẩu, các xu hướng mới sẽ phát sinh liên tục. Chẳng hạn, như xu hướng hàng hóa thương mại điện tử gia tăng đột biến trong vài năm, nhất là sau dịch COVID-19. Tuy nhiên, kèm theo đó là tỷ lệ số lượng những kiện hàng bị thu giữ liên quan đến các chất cấm, ma túy cũng tăng vọt.
Đồng thời, cán bộ, nhân viên hải quan cần cập nhật, thực hành tốt nhất về các ứng dụng công nghệ mới. Theo ghi nhận hiện nay, xu hướng áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác của hải quan đang được các cơ quan hải quan rất quan tâm và doanh nghiệp cũng hết sức ủng hộ. Được biết, Hải quan Việt Nam đang tích cực để cập nhật các công nghệ mới này. Khối doanh nghiệp tư nhân Hoa Kỳ sẵn sàng chia sẻ những công nghệ mới nhất cho cơ quan Hải quan.
Chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan Hải quan cần phải đẩy mạnh thiết lập những nền tảng trực tuyến dùng chung cho các cơ quan quan hải quan, nhằm hạn chế việc doanh nghiệp phải thực hiện khai báo hải quan lại nhiều lần. Theo đó, doanh nghiệp chỉ cần cung cấp thông tin cho nền tảng dùng chung, các cơ quan Hải quan của các nước đối tác có quan hệ thương mại đều nắm được toàn bộ thông tin. Điều này tạo thuận lợi cho cả cơ quan Hải quan và doanh nghiệp.
Ông đánh giá như thế nào về vai trò của US – ABC trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và giải quyết những thách thức mà cơ quan Hải quan gặp phải?
Trên thực tiễn, đổi mới sáng tạo của khu vực tư nhân thường đi nhanh hơn so với khu vực nhà nước. Bởi khu vực tư nhân luôn có cơ hội để thử nghiệm đổi mới sáng tạo, thử nghiệm những công nghệ mới trước khu vực nhà nước. Trước lợi thế đó, chúng tôi thường xuyên tham vấn với các cơ quan Hải quan. Qua đó, chia sẻ những công nghệ mới nhất mà doanh nghiệp đã triển khai và đưa ra những khuyến nghị cho các cơ quan Hải quan.
Thứ nhất, chúng tôi khuyến khích các quốc gia thành viên ASEAN đẩy nhanh giao dịch phi giấy tờ, không cần giấy tờ và đảm bảo cách tiếp cận hài hòa giữa các cơ quan khác nhau nhằm thúc đẩy hệ sinh thái kinh tế kỹ thuật số. Trước sự phát triển của Hiệp định Kinh tế số (DEFA), cộng đồng doanh nghiệp hy vọng các quốc gia thành viên Hải quan ASEAN coi trọng chương trình Hải quan và Tạo thuận lợi Thương mại trong Hiệp định này nhằm cho phép trao đổi chứng từ điện tử, tạo tiền đề để xây dựng tương lai của thương mại kỹ thuật số.
Ngoài ra, Hội đồng kinh doanh US -ABC đã và đang ủng hộ việc đẩy mạnh hài hòa hóa các quy tắc thương mại, cải thiện các quy định hiện hành về phân loại hàng hóa và tự do hóa thuế quan, thủ tục kiểm tra xuất xứ hàng hóa cũng như nhiều nội dung khác. Đặc biệt là nâng cấp các hiệp định thương mại hiện có như Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA)…
Vậy theo ông, những tín hiệu tích cực nào được ghi nhận từ các cơ quan Hải quan ASEAN nói chung và Hải quan Việt Nam nói riêng trong việc đổi mới sáng tạo?
Tín hiệu tích cực là các cơ quan hải quan mà chúng tôi gặp ở trong hội nghị lần này đều chia sẻ kế hoạch đang nâng cấp hệ thống hải quan cả về chính sách lẫn công nghệ. Ở góc độ đa phương, các cơ quan Hải quan ASEAN cũng đang tích cực đàm phán và phối hợp với nhau để triển khai những các thỏa thuận hướng tới việc xây dựng những nền tảng dùng chung. Tuy nhiên, tốc độ triển khai nhanh, chậm còn phụ thuộc vào từng quốc gia.
Về phía Việt Nam, tin vui cho cộng đồng doanh nghiệp là Chính phủ cũng như lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã ý thức được tầm quan trọng của việc này từ rất sớm. Mặc dù nguồn lực của Chính phủ hạn chế nhưng đã kiến nghị Quốc hội dành những nguồn lực cần thiết để Tổng cục Hải quan triển khai hiện đại hóa hệ thống hải quan.
Qua trao đổi, lãnh đạo Hải quan Việt Nam cho biết đang triển khai nâng cấp hệ thống hải quan. Theo dự kiến cuối năm 2026 sẽ hoàn thành nâng cấp, chuyển sang một hệ thống hải quan mới. Đây là một tín hiệu rất vui đối với cộng đồng doanh nghiệp. Bởi vì, hệ thống được nâng cấp sớm ngày nào thì doanh nghiệp và nền kinh tế được hưởng lợi ngày đấy.
Xin trân trọng cảm ơn ông!