Xu hướng Workation hè 2025: Khi bạn trẻ 'đưa văn phòng ra biển'

Không còn gò bó trong bốn bức tường của văn phòng hay góc học tập quen thuộc, ngày càng nhiều bạn trẻ đang 'xách laptop lên và đi', chọn những bãi biển, vùng núi yên bình làm nơi vừa làm việc vừa nghỉ dưỡng.

Làm việc giữa rừng, bên bờ biển

Tháng 5 vừa qua, Tạ Thị Mỹ Duyên (sinh viên năm cuối ngành Xuất bản điện tử, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã có kỳ nghỉ đặc biệt khi cô nàng chọn một homestay nằm lưng chừng đồi ở ngoại ô Đà Lạt để vừa hoàn thành khóa luận tốt nghiệp, vừa trải nghiệm hình thức workation.

Mỹ Duyên đã từng trải nghiệm workation vào thàng 5 năm nay.

Mỹ Duyên đã từng trải nghiệm workation vào thàng 5 năm nay.

“Mỗi sáng mình bật máy họp nhóm với giảng viên hướng dẫn, sau đó dành khoảng 5 tiếng để hoàn thành công việc. Phần còn lại trong ngày là thời gian đọc sách, pha cà phê, tản bộ trong rừng thông. Mình chưa từng nghĩ việc viết khóa luận lại có thể chill đến thế", Duyên cho hay.

Workation – kết hợp giữa “work” (làm việc) và “vacation” (nghỉ dưỡng) – không còn là khái niệm xa lạ với người trẻ ở Việt Nam, đặc biệt sau đại dịch. Sự linh hoạt của hình thức học và làm từ xa khiến thế hệ Gen Z không ngần ngại rời xa thành phố để “chuyển văn phòng” về vùng đất mới. Và trong những chuyến đi ấy, họ không chỉ hoàn thành deadline, mà còn nạp lại năng lượng, mở rộng tầm nhìn và tạo nên những kỷ niệm khó quên.

Chị Nguyễn Thanh Hà (28 tuổi), hiện đang là giáo viên tiểu học tại Trường Tiểu học Tứ Hiệp, Hà Nội, chọn Đà Nẵng - Hội An là điểm dừng trong 2 tuần nghỉ hè. Chị mang theo giáo án, bài làm cần chấm của học sinh và cả tài liệu chuẩn bị cho năm học mới:

“Ban ngày mình ngồi ở một quán cà phê ven sông Hoài, vừa chấm bài vừa ngắm cảnh, tối thì lang thang chợ đêm hay đi dạo phố cổ. Cảm giác công việc không còn là gánh nặng mà trở thành một phần rất tự nhiên của cuộc sống", chị Hà kể.

Chị Thanh Hà cùng chồng tại Hội An vào tháng 6 năm nay.

Chị Thanh Hà cùng chồng tại Hội An vào tháng 6 năm nay.

Nguyễn Trọng Huân (23 tuổi), sinh viên trường Đại học Xây dựng Hà Nội, đã trải nghiệm workation ở Phú Quốc và Đà Nẵng trong khoảng hơn 2 tháng. Mỗi nơi, Huân ở từ 1 đến 2 tuần, vừa làm bài tập, khóa luận vừa quay những thước phim ghi lại hành trình "làm mà chơi" của bản thân.

Trọng Huân trong chuyến đi Đà Nẵng.

Trọng Huân trong chuyến đi Đà Nẵng.

“Mình nhận ra một điều: Miễn là có internet tốt và máy tính đủ pin, mình hoàn toàn có thể hoàn thành công việc ở bất kỳ đâu. Đôi khi, ý tưởng, cảm hứng công việc còn nảy ra nhanh hơn khi mình đang ngồi ngắm hoàng hôn, uống cà phê cạnh bãi biển", Huân chia sẻ.

Có thể là "con dao" 2 lưỡi

Theo Báo cáo về xu hướng công việc toàn cầu năm của Microsoft, có tới 73% người lao động được hỏi cho biết họ mong muốn tiếp tục làm việc từ xa với hình thức linh hoạt. Tại Việt Nam, một khảo sát được thực hiện bởi Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (trực thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cùng với Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) cũng ghi nhận hơn 90% trong số hơn 10.000 người tham gia bày tỏ ý định sẽ đi du lịch trong vòng 10 tháng tiếp theo. Những con số này phản ánh rõ xu hướng gia tăng nhu cầu vừa làm việc vừa dịch chuyển, tạo tiền đề cho hình thức "workation" ngày càng thu hút giới trẻ.

Theo chị Nguyễn Mai Lan, quản lý cấp cao về mảng Truyền thông, Marketing tại một công ty công nghệ lớn ở Việt Nam, hình thức Workation đang trở thành xu hướng mới giúp người lao động giải tỏa căng thẳng, nạp lại năng lượng và khơi mở cảm hứng sáng tạo:

“Với những ngành nghề không phụ thuộc nhiều vào cơ sở vật chất cố định như truyền thông, kinh doanh, chăm sóc khách hàng…, Workation sẽ ngày càng được ưa chuộng vì mang lại sự linh hoạt, thoải mái và hiệu suất cao hơn”, chị Lan chia sẻ.

Tuy nhiên, sự linh hoạt ấy cũng đồng nghĩa với những thách thức không nhỏ: “Workation có thể trở thành ‘con dao hai lưỡi’ nếu bạn trẻ không biết cách quản lý thời gian và thiết lập ranh giới giữa công việc và nghỉ ngơi”, chị Lan cảnh báo. Một số rủi ro dễ gặp phải là: địa điểm lưu trú thiếu riêng tư, chất lượng mạng yếu, không có thiết bị hỗ trợ hay đơn giản là… quá mải tận hưởng cảnh đẹp mà quên deadline. Do đó, không phải ai cũng phù hợp với hình thức làm việc này.

Dù còn nhiều tranh cãi về tính hiệu quả của workation, không thể phủ nhận rằng mô hình này đang tạo nên sự thay đổi trong cách người trẻ nhìn nhận công việc. Với Gen Z hiện nay, “đi làm” không còn đồng nghĩa với 8 tiếng ngồi bàn giấy với bốn bức tường, mà có thể là mở máy tính giữa vườn cà phê, hoàn thành báo cáo khi ngồi bên suối, hay học nhóm online từ một homestay sát biển. Và biết đâu, trong một tương lai không xa, “phòng họp” sẽ là chiếc bàn gỗ dưới tán cây rừng, còn “deadline” lại được nộp khi hoàng hôn vừa buông?

Workation là xu hướng kết hợp làm việc từ xa với du lịch trải nghiệm. Thay vì bó mình trong văn phòng hay góc làm việc quen thuộc tại nhà, nhiều người trẻ lựa chọn mang công việc đến những không gian mới mẻ hơn như một khu nghỉ dưỡng ven biển, một homestay giữa rừng thông hay căn phòng nhỏ hướng ra núi. Vừa hoàn thành công việc đúng tiến độ, Gen Z vừa tận dụng thời gian rảnh để khám phá cảnh đẹp, thưởng thức món ăn địa phương hoặc đơn giản là thả hồn theo ánh hoàng hôn nơi đất lạ.

Ảnh: NVCC

Hiếu Nguyễn

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/xu-huong-workation-he-2025-khi-ban-tre-dua-van-phong-ra-bien-post1758131.tpo