Xu hướng xanh hóa trong xây dựng thương hiệu
Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực đầu tư sản xuất nhằm cho ra đời những sản phẩm yếu tố xanh, sạch, thân thiện với môi trường và đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người tiêu dùng.
Thương mại xanh đã trở thành xu hướng tất yếu và phát triển thương mại xanh đã trở thành chiến lược quốc gia. Đây là khâu cuối cùng trong quy trình xanh hóa, đưa sản phẩm Việt đến với người tiêu dùng trên khắp thế giới. Vì vậy, sản phẩm để đứng vững và phát triển trên thị trường toàn cầu phải an toàn, có khả năng tái tạo, được sản xuất có trách nhiệm, hạn chế sản phẩm dùng nhanh, xả thải ra môi trường, vòng đời sản phẩm ngắn. Đi liền đó, xây dựng thương hiệu càng trở nên cấp thiết giúp gia tăng nội lực cho doanh nghiệp phát triển vững mạnh và vươn xa.
Nhận định từ các chuyên gia, xu hướng sống bền vững và tiêu dùng xanh dự báo sẽ tiếp tục lan rộng, tạo động lực cho doanh nghiệp chuyển hướng sản xuất bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu và phát triển dài hạn. Cùng đó, doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được tầm quan trọng của việc xanh hóa trong xây dựng thương hiệu giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là khi Việt Nam đang tham gia vào quá trình toàn cầu hóa.
Theo Bộ Công Thương, xu hướng xanh hóa trong xây dựng thương hiệu ngày càng phổ biến. Rất nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực đầu tư sản xuất nhằm cho ra đời những sản phẩm yếu tố xanh, sạch, thân thiện với môi trường và đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra bài toán mới cho các thương hiệu Việt để phù hợp với xu thế phát triển chung và nâng cao vị thế, tăng sức cạnh tranh ở cả thị trường trong và ngoài nước.
Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia với tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới (đến 102%) trong giai đoạn 5 năm, từ 2019-2023. Giá trị thương hiệu của Việt Nam năm 2023 đạt hơn 498 tỷ USD, tăng 15,6% so với năm 2022 và xếp thứ 33/121 quốc gia được đánh giá.
Theo ông Vương Ngọc Dũng - Giám đốc Tiếp thị Phát triển Thị trường Công ty CP mỹ phẩm Sài Gòn (SCC) khẳng định, bằng cách hướng tới nền kinh tế xanh, doanh nghiệp không chỉ đảm bảo sự bền vững của môi trường mà còn tạo ra cơ hội cho sự phát triển kinh tế xã hội trong tương lai. Đồng thời, thông qua sự hợp tác, nỗ lực chung của các bên, doanh nghiệp mới có thể tạo ra một tương lai xanh và bền vững.
Bà Ngô Thị Thu Thủy-CEO sang lập Công ty TNHH Fujiwa Việt Nam đã thành công trong việc chuyển giao công nghệ sản xuất nước uống ion kiềm hiện đại từ Nhật Bản mở ra một chương mới trong hành trình mang đến những sản phẩm chất lượng cao cho thị trường Việt Nam.
Cùng đó, công ty luôn đặt mục tiêu phát triển bền vững lên hàng đầu, thể hiện qua các hoạt động như đầu tư vào công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, sử dụng nguồn nước sạch, giảm thiểu chất thải và tăng cường tái chế. Đặc biệt, chú trọng kiểm soát, phòng ngừa, xử lý và loại bỏ các nguồn gây ô nhiễm; bảo đảm tất cả quy trình sản xuất và tiêu dùng đều hướng tới tăng chu kỳ sử dụng của sản phẩm và sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến chỉ ra rằng trong chuỗi giá trị thương mại toàn cầu, sản phẩm Việt vẫn tồn tại chủ yếu dưới hình thức gia công, giá trị gia tăng thấp, tỷ lệ xuất khẩu qua trung gian là chính, rất ít sản phẩm có thể xuất khẩu bằng thương hiệu của mình.
Thống kê cho thấy, có tới 70-80% tổng sản lượng hàng hóa Việt Nam là xuất thô, giá trị gia tăng thấp. Theo đó, ngành công nghiệp chế biến - chế tạo có tới 95% giá trị xuất khẩu thuộc công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thương hiệu toàn cầu riêng; còn nhóm hàng hóa nông sản là mặt hàng xuất khẩu chủ lực cung ứng cho cả thị trường trong và ngoài nước nhưng 80% sản phẩm chưa có thương hiệu.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/xu-huong-xanh-hoa-trong-xay-dung-thuong-hieu/354882.html