Xử lý cây keo phân cành, tạo tán sớm: Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp
Keo là giống chủ lực trong cơ cấu giống cây lâm nghiệp của tỉnh, tuy nhiên gần đây xuất hiện tình trạng keo trồng thời gian ngắn đã phân cành, tạo tán ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh khối. Xử lý tình trạng này, theo các chuyên gia lâm nghiệp cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Gần 100 ha keo mới bước sang năm thứ 4 song Công ty cổ phần Lâm nghiệp Nguyễn Văn Trỗi (Yên Sơn) buộc phải khai thác để tận thu để giảm thiểu thua lỗ. Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Giám đốc Công ty cho biết, diện tích keo phải khai thác sớm là những lô bị nhiễm bệnh chết héo, số còn lại phân cành sớm, kém phát triển. Ông Tiến so sánh, nếu chu kỳ trước cây keo sinh trưởng phát triển rất tốt, cây trồng 4 - 5 năm tuổi, chiều cao ít nhất đã gần 20 m tuy nhiên đến chu kỳ này cây còi cọc, rất nhiều cành nhánh, chiều cao chỉ đạt 6 - 7 m, sinh khối đạt rất thấp. Điển hình năm 2020, công ty khai thác 200 ha tuy nhiên năng suất chỉ đạt trên 6.000 m2 gỗ, bình quân chỉ đạt trên 30 m2/ha, chỉ bằng 1/2 bình quân chung của tỉnh.
Gia đình ông Hoàng Văn Hồng, thôn Hòa Bình, xã Đội Bình (Yên Sơn) áp dụng biện pháp “mạnh” trồng dày để buộc keo phát triển chiều cao, tuy nhiên cũng không mấy hiệu quả, cây vẫn phân nhiều cành, nhánh, thậm chí nhiều cây keo ngọn đã bị héo kém phát triển. Xử lý tình trạng keo phân cành, tạo tán, héo ngọn, ông Hồng đang áp dụng biện pháp tỉa bỏ cành, nhánh, chỉ để lại cành ngọn, đồng thời bón bổ sung phân hy vọng cây sẽ sinh trưởng phát triển tốt.
Ông Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh lý giải, hiện tượng cây keo phân cành, tạo tán sớm phần lớn xuất hiện giống keo hom. Nguyên nhân có thể do giống cây đã bị thoái hóa, điều này xuất phát từ giống gốc (tức cây mẹ). Trên thực tế một số cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp, trong đó có cây hom khai thác nhiều chu kỳ cây gốc bị già cỗi dẫn đến nguồn hom giảm chất lượng kéo theo hom ươm sản xuất cây giống cũng bị ảnh hưởng. Một nguyên nhân nữa cũng tác động đến việc phân cành, tạo tán sớm là người làm rừng trồng thuần loài nhiều chu kỳ trên 1 đơn vị diện tích dẫn đến sâu, bệnh hại xâm nhập vào cây non ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây. Qua kiểm tra cho thấy diện tích cây keo kém phát triển, đặc biệt là nhiễm bệnh chết héo đều xuất hiện trên những diện tích rừng đã trồng 2 - 3 chu kỳ keo.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Triệu Đăng Khoa thừa nhận, cây phân cành, tạo tán sớm sẽ kém phát triển ảnh hưởng lớn đến sinh khối gỗ. Xử lý hiện tượng này cần phải thực hiện đồng bộ các biện pháp. Biện pháp kỹ thuật, các vườn ươm phải hủy bỏ cây gốc đã quá tuổi khai thác, chỉ khai thác hom trên cây gốc khỏe mạnh, sạch bệnh. Hiện tại, Chi cục đang rà soát, kiểm tra toàn bộ quy trình sản xuất cây giống tại các vườn ươm được cấp phép nếu phát hiện cây gốc quá tuổi khai thác yêu cầu cơ sở sản xuất hủy bỏ thay thế cây gốc mới để phục vụ sản xuất cây giống. Về biện pháp lâm sinh, xử lý thực bì kỹ trước khi bước vào chu kỳ trồng rừng mới; đối với những diện tích rừng 1 - 2 năm tuổi, tăng cường kiểm tra, thực hiện phát dọn, tỉa bỏ cành nhánh, chỉ để lại cành ngọn bón bổ sung phân tổng hợp tạo điều kiện cho cây sinh trưởng phát triển. Các chủ rừng, hộ gia đình cũng cần luân canh, thay thế, chuyển đổi giống cây trồng, hạn chế trồng thuần giống, nhiều chu kỳ trên một diện tích đất.
Ghi nhận tại một số địa phương, công ty lâm nghiệp đã chuyển đổi diện tích đất rừng trồng nhiều chu kỳ keo sang trồng cây bạch đàn hoặc một số loại cây trồng bản địa khác bước đầu đem lại hiệu quả, hạn chế sâu, bệnh hại phát sinh, cây sinh trưởng, phát triển tốt. Ngoài ra người trồng rừng cũng cần chăm sóc và phòng trừ dịch hại theo đúng quy trình kỹ thuật, tránh tình trạng trồng xong bỏ đó, khi dịch bệnh xâm nhập, lan rộng mới phòng trừ hiệu quả rất thấp, chi phí tốn kém. Thực hiện đồng bộ các biện pháp sẽ hạn chế được sâu, bệnh hại, nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng.