Xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường

ĐBP - Tình trạng ô nhiễm môi trường đô thị trên địa bàn tỉnh thời gian qua có diễn biến gia tăng, nhất là ô nhiễm không khí do các hoạt động xây dựng, vận chuyển vật liệu đất, đá từ các dự án xây dựng; tình trạng xả nước thải, khí thải từ các cơ sở công nghiệp, sản xuất, chế biến nông nghiệp. Công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp thông thường, chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất công nghiệp, xây dựng, du lịch, dịch vụ chưa được xử lý theo quy định của pháp luật. Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh đi vào hoạt động nhưng không có hệ thống xử lý nước thải, khí thải, bụi… gây ô nhiễm môi trường. Cùng với đó là chất thải từ chăn nuôi không qua xử lý được thải trực tiếp ra môi trường; tình trạng lạm dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh trong trồng trọt, chăn nuôi vẫn chưa được kiểm soát.

Năm 2018, Công ty Cổ phần Tinh bột Hồng Diệp Điện Biên bị tạm dừng hoạt động, xử lý hành chính vì gây ô nhiễm môi trường. Ảnh tư liệu

Trước thực trạng đó, Công an tỉnh đã chỉ đạo phòng nghiệp vụ, công an cấp huyện xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.

Thượng tá Lò Văn Tình, Phó trưởng phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) cho biết: Trên cơ sở các kế hoạch của Công an tỉnh, phòng Cảnh sát môi trường và công an cấp huyện đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường cho các tổ chức, doanh nghiệp, cán bộ, công nhân viên chức và Nhân dân. Đối với từng địa bàn, lực lượng công an tiến hành rà soát, nắm toàn diện đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh có phát sinh chất thải, nước thải, khí thải gây ô nhiễm môi trường, thu gom xử lý chất thải nguy hại... Qua đó xây dựng phương án, kế hoạch triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường. Đồng thời, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. 5 năm qua, lực lượng công an phối hợp với các cơ quan chức năng đã phát hiện 17 vụ, 17 đối tượng vi phạm pháp luật về gây ô nhiễm môi trường; hoàn thiện hồ sơ xử phạt hành chính với số tiền 513,73 triệu đồng.

Hiện nay, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường của nước ta vẫn chưa đầy đủ, chưa thống nhất và đồng bộ, một số văn bản còn chồng chéo, vì vậy chưa tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho công tác đấu tranh, gây khó khăn trong xử lý vi phạm pháp luật về môi trường. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh chưa quy hoạch các điểm, bãi đổ chất thải rắn xây dựng, cũng như chưa có đơn vị thu gom, xử lý. Vì vậy, việc đấu tranh, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân đổ chất thải rắn xây dựng trái phép còn gặp nhiều vướng mắc. Trong khi đó nhận thức và ý thức về bảo vệ môi trường trong nhân dân còn hạn chế. Một số ngành, chính quyền địa phương còn có tư tưởng coi trọng phát triển kinh tế mà chưa quan tâm công tác bảo vệ môi trường.

Thượng tá Lò Văn Tình cho biết: Thời gian tới, lực lượng công an tỉnh phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường. Tăng cường lực lượng chủ động nắm chắc tình hình các tuyến, địa bàn, lĩnh vực trong điểm để tổ chức đấu tranh có hiệu quả với tội phạm về môi trường. Đồng thời phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân; vận động, khuyến khích người dân tố giác, phản ánh các hành vi, cơ sở gây ô nhiễm môi trường với cơ quan chức năng.

Nhật Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/phap-luat/189544/xu-ly-co-so-gay-o-nhiem-moi-truong