Xử lý doanh nghiệp vận tải 'nhờn luật'

Thời gian gần đây, nhiều người dân tại TP Hồ Chí Minh liên tục phản ánh tình trạng xe khách dừng, đỗ, đón, trả khách sai quy định trên các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 13, Xa lộ Hà Nội... Đáng chú ý, mặc dù lực lượng Cảnh sát giao thông và chính quyền địa phương đang ra quân xử lý nhưng các nhà xe vẫn thản nhiên vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, mất an toàn giao thông.

Tình trạng "xe dù, bến cóc" ở TP Hồ Chí Minh là một vấn nạn không mới nhưng luôn là vấn đề bức xúc, khó giải quyết. Thực tế cho thấy, việc các nhà xe ngang nhiên đón, trả khách hay tự lập bến lậu ở nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố đang gây ra những hệ lụy, tác động tiêu cực đối với xã hội. Vấn nạn trên ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh trật tự, ngân sách nhà nước và doanh thu của các bến xe cũng như những doanh nghiệp vận tải làm ăn hợp pháp.

Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Bất chấp những đợt ra quân xử lý rầm rộ của các cơ quan chức năng, tình trạng "xe dù, bến cóc" ở TP Hồ Chí Minh đang có dấu hiệu “nhờn luật”. Thậm chí, một số nhà xe đã tìm nhiều cách để đối phó với cơ quan chức năng, như thay đổi mục đích sử dụng các bến bãi; cử người canh gác lực lượng chức năng; thường xuyên thay đổi vị trí đón, trả khách, gây khó khăn trong việc kiểm tra, xử phạt.

Nhìn rộng ra, tình trạng "xe dù, bến cóc" còn tồn tại ở nhiều địa phương trên cả nước. Làm sao để chấm dứt vấn nạn này là câu hỏi đặt ra cho các cơ quan chức năng khi nó đang ngày càng diễn biến phức tạp.

Trên thực tế, để xử lý tình trạng “xe dù, bến cóc”, đòi hỏi phải có sự tham gia của nhiều lực lượng, như: Cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, thanh tra giao thông, quản lý trật tự đô thị... cùng sự hỗ trợ của các thiết bị: Camera hành trình, định vị phương tiện, camera giám sát dùng để quản lý và phạt nguội tại những tuyến giao thông nội đô, các tuyến đường... Tuy nhiên, vì nhiều lý do, cả từ phía các nhà xe cố tình "lách luật" và từ phía ý thức chấp hành luật pháp của người dân (hành khách) nên việc chống "xe dù, bến cóc" vẫn như... "đá ném ao bèo", "bắt cóc bỏ đĩa"...

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông vận tải, cần có quy chế phối hợp chặt chẽ, kế hoạch thực hiện thường xuyên của các lực lượng liên quan, trong đó phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu nếu không kiểm soát được tình trạng "xe dù, bến cóc", xe đón, trả khách sai quy định. Có thể thấy rõ, chính quyền địa phương là đơn vị nắm rõ nhất về các hoạt động trên địa bàn mình đảm trách. Vì vậy, phải tăng cường phối hợp xử lý các nhà xe, cá nhân vi phạm từ các địa phương. Tiếp đến, cần kiến nghị bổ sung các quy định xử lý theo hướng tăng nặng đối với các doanh nghiệp liên tục vi phạm như: Thu hồi giấy phép kinh doanh, giấy phép vận tải... Cần tăng cường ứng dụng khoa học-công nghệ trong công tác quản lý và điều hành hoạt động vận tải, giám sát các hành vi vi phạm để có biện pháp xử lý kịp thời. Ngoài sự tham gia của lực lượng chức năng, cần nâng cao ý thức tham gia giao thông của hành khách, không lên xe, xuống xe sai nơi quy định; khuyến khích người dân cùng tham gia xây dựng những tuyến phố văn minh, tự quản để thu hẹp, tiến tới xóa bỏ không gian, điều kiện hoạt động của “xe dù, bến cóc”...

MINH NGÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/xu-ly-doanh-nghiep-van-tai-nhon-luat-771077