Xử lý dữ liệu cá nhân trẻ em: Cần sự đồng thuận từ cả trẻ và người giám hộ

Việc thu thập và xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em cần có sự đồng thuận của cả trẻ em và người giám hộ hợp pháp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Tại Hội thảo “Bảo đảm an toàn dữ liệu cá nhân của trẻ em - Thực trạng và giải pháp” diễn ra ngày 1-7, do Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM phối hợp với Tổ chức Taiwan Fund for Children and Families (TFCF) tổ chức, nhiều chuyên gia pháp lý và đại diện các tổ chức quốc tế đã nhấn mạnh tính cấp thiết của việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của trẻ em trong thời đại số.

Ông Đặng Hoa Nam, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, nhấn mạnh: "Hiến pháp năm 2013 quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình. Điều đó đồng nghĩa với việc không ai được phép thu thập, xử lý hoặc chia sẻ dữ liệu cá nhân của người khác nếu không có căn cứ pháp lý".

 Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh: TV

Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh: TV

Đặc biệt, ông Nam lưu ý đối với trẻ từ đủ 7 tuổi trở lên, việc xử lý dữ liệu cá nhân phải có sự đồng thuận của cả trẻ và cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

“Nếu xảy ra sự khác biệt giữa ý kiến của trẻ và người giám hộ, thì việc xử lý dữ liệu phải đảm bảo hài hòa quyền lợi các bên, trong đó ưu tiên lợi ích tốt nhất của trẻ” - ông Nam nói.

Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Lữ Gia, đại diện tổ chức Save the Children, cho biết việc xử lý dữ liệu cá nhân chỉ hợp pháp khi có một trong các căn cứ: Được sự đồng thuận của người cung cấp thông tin hoặc người đại diện hợp pháp cho trẻ; phục vụ thực hiện hợp đồng; đáp ứng yêu cầu pháp luật; hoặc vì lợi ích sống còn và chính đáng của người được thu thập thông tin.

Từ kinh nghiệm thực tế, ông Gia cho rằng cần bố trí cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm vai trò bảo vệ dữ liệu (DPO), tiến hành đánh giá tác động và giảm thiểu rủi ro, đặc biệt khi xây dựng quy trình hoặc hệ thống mới.

“Toàn bộ nhân viên phải hoàn thành khóa đào tạo về bảo vệ dữ liệu sau khi tuyển dụng và tái huấn luyện định kỳ. Khi kết thúc hợp đồng, nhân sự không còn quyền truy cập hệ thống” - ông Gia đề xuất.

 Dữ liệu cá nhân của trẻ không đơn thuần là thông tin mà liên quan trực tiếp đến quyền riêng tư và an toàn của trẻ. Ảnh minh họa: HN

Dữ liệu cá nhân của trẻ không đơn thuần là thông tin mà liên quan trực tiếp đến quyền riêng tư và an toàn của trẻ. Ảnh minh họa: HN

Đồng quan điểm, bà Mai Thị Ngọc Mai, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, nhấn mạnh rằng dữ liệu cá nhân của trẻ em không đơn thuần là thông tin mà liên quan trực tiếp đến quyền riêng tư, an toàn và sự phát triển toàn diện của trẻ.

“Việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của trẻ cần sự vào cuộc đồng bộ từ cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, đến chính mỗi gia đình và các em nhỏ. Trong bối cảnh chuyển đổi số, việc nâng cao nhận thức cộng đồng, hoàn thiện khung pháp lý, cùng sự hợp tác liên ngành là yêu cầu cấp thiết” - bà Mai nhấn mạnh.

Tại hội thảo, bà Huang Ya-Ke, Trưởng đại diện TFCF tại Việt Nam, cũng chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong bảo vệ dữ liệu trẻ em. Theo bà, TFCF Việt Nam đã xây dựng “Phiếu đồng thuận cho hoạt động bảo trợ”, giúp trẻ và người chăm sóc hiểu rõ cách dữ liệu cá nhân được thu thập và sử dụng.

Tổ chức cũng xây dựng Bộ quy tắc đạo đức trong ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông với các nguyên tắc cốt lõi: Sự đồng thuận sau khi được thông tin đầy đủ, đảm bảo quyền riêng tư, tính ẩn danh và an toàn dữ liệu.

Ngoài ra, nhân viên được yêu cầu duy trì ranh giới rõ ràng giữa tài khoản cá nhân và công việc, đồng thời không được phép sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) hoặc công cụ kỹ thuật số liên quan đến dữ liệu cá nhân khi chưa có sự đồng ý rõ ràng từ chủ thể dữ liệu.

HẢI NHI

Nguồn PLO: https://plo.vn/xu-ly-du-lieu-ca-nhan-tre-em-can-su-dong-thuan-tu-ca-tre-va-nguoi-giam-ho-post858262.html