Xử lý dứt điểm tồn tại trong quản lý tàu cá

Thực hiện mục tiêu gỡ 'thẻ vàng' thủy sản trong năm 2024, hiện nay, 28 tỉnh, thành phố ven biển nói chung, tỉnh Quảng Ngãi nói riêng đang nỗ lực giải quyết dứt điểm những tồn tại trong quản lý, giám sát tàu cá hoạt động khai thác thủy sản (KTTS).

Tập trung đăng ký tàu “3 không”

Sau khi tiến hành rà soát, toàn tỉnh đã phát sinh 1.087 tàu cá “3 không” (không đăng ký, đăng kiểm, giấy phép KTTS). Số tàu cá này đã được tỉnh công bố tại Quyết định số 432/QĐ-UBND ngày 6/6/2024, tập trung ở TP.Quảng Ngãi (397 tàu), TX.Đức Phổ (232 tàu) và các huyện Lý Sơn (227 tàu), Bình Sơn (197 tàu), Mộ Đức (34 tàu). Từ giữa tháng 6 đến nay, Chi cục Thủy sản tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan mở đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra và hướng dẫn ngư dân thực hiện hồ sơ đăng ký đối với tàu cá “3 không”.

Đến ngày 26/8, lực lượng chức năng đã tổ chức kiểm tra thực tế tại 510/1.087 tàu cá, qua đó cấp 240/510 giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, cấp 148/240 giấy phép KTTS. Thông tin tàu cá được Chi cục Thủy sản tỉnh cập nhật đầy đủ và kịp thời vào hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase).

Cảng dịch vụ hậu cần nghề cá 19/5, ở xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) do Công ty TNHH MTV 19/5 đầu tư, quản lý và khai thác.

Cảng dịch vụ hậu cần nghề cá 19/5, ở xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) do Công ty TNHH MTV 19/5 đầu tư, quản lý và khai thác.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nguyễn Văn Mười cho biết, chi cục đã chỉ đạo Trung tâm Đăng kiểm tàu cá tỉnh về tại các xã, phường có tàu cá “3 không” để kiểm tra thực trạng phương tiện và hướng dẫn ngư dân thực hiện các thủ tục liên quan. Với những tàu cá dưới 12m, ngư dân chỉ thực hiện thủ tục đăng ký. Còn với những tàu từ 12m đến dưới 15m thì phải thực hiện đầy đủ thủ tục đăng ký, đăng kiểm, làm cơ sở để cấp giấy phép KTTS.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện một số tàu cá “3 không” có thiết bị và ngư lưới cụ không đúng với ngành nghề đăng ký, nên chi cục hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân thực hiện các thủ tục theo quy định. Đối với tàu cá chưa đảm bảo chất lượng và an toàn KTTS, chi cục báo cáo cơ quan chức năng xem xét, hướng dẫn triển khai thực hiện các bước tiếp theo.

Phó Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi Nguyễn Lâm cho biết, hiện thành phố là địa phương có số tàu cá “3 không” nhiều nhất tỉnh, với 365 tàu ở 4 xã Nghĩa An, Nghĩa Phú, Tịnh Khê và Tịnh Kỳ. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, các địa phương cử cán bộ đến từng nhà để tuyên truyền, đôn đốc ngư dân chấp hành nghiêm túc việc đăng ký tàu cá.

Để hoàn thành việc đăng ký 577 tàu cá “3 không” trước ngày 30/9/2024 theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT và của tỉnh, từ ngày 29/8 – 26/9, Chi cục Thủy sản tỉnh cùng với chính quyền TP.Quảng Ngãi, TX.Đức Phổ và các huyện Bình Sơn, Lý Sơn tiếp tục tổ chức kiểm tra thực tế tại tàu, hướng dẫn hồ sơ đăng ký tàu cá “3 không”; đồng thời xác định rõ thực trạng đối với 142 tàu cá đã xóa đăng ký tại địa phương.

Kiến nghị mở “cảng cá vệ tinh”

Bộ NN&PTNT đã có Công văn số 419 ngày 12/6/2024 về việc thực hiện thí điểm hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử (eCDT) đối với bến cá tư nhân, truyền thống và cảng cá chưa đủ điều kiện để công bố mở cảng theo quy định kể từ ngày 1/8/2024.

Theo đó, Sở NN&PTNT đã tiến hành rà soát, đánh giá cụ thể thực trạng 24 bến cá tư nhân, truyền thống và cảng dịch vụ hậu cần nghề cá 19/5, thuộc dự án Cơ sở đóng tàu, dịch vụ hậu cần và định cư nghề cá Gò Tây, ở xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi), do Công ty TNHH MTV 19/5 đầu tư, quản lý và khai thác.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho biết, hiện các công trình hạ tầng kỹ thuật của cảng dịch vụ hậu cần nghề cá 19/5 đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và phòng, chống cháy, nổ đảm bảo cho tàu cá hoạt động vùng khơi cập cảng bốc dỡ thủy sản từ khai thác. Vì vậy, Sở NN&PTNT đã thực hiện các thủ tục có liên quan tham mưu tỉnh kiến nghị Bộ NN&PTNT đưa cảng này vào hoạt động theo hình thức là cảng cá vệ tinh của cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa.

Đồng thời, kiến nghị tỉnh chỉ định lực lượng chức năng và bố trí nguồn lực để triển khai thí điểm thực hiện hệ thống eCDT. Qua đó, đáp ứng nhu cầu và tạo thuận lợi cho tàu cá của ngư dân hoạt động vùng khơi cập cảng bốc dỡ sản phẩm thủy sản khai thác, vừa nâng cao hiệu quả quản lý tàu cá. Bên cạnh đó, tránh tình trạng nhiều tàu cập vào bến cá tư nhân, truyền thống để bốc dỡ thủy sản, ảnh hưởng đến công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Bài, ảnh: MỸ HOA

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/kinh-te/bien-kinh-te-bien/202408/xu-ly-dut-diem-ton-tai-trongquan-ly-tau-ca-7611064/