Xử lý dứt điểm vi phạm phòng cháy, chữa cháy: Cơ sở kêu khó
Theo đề xuất, đến năm 2030, thành phố Hà Nội sẽ chi hơn 26.300 tỷ đồng để triển khai Đề án 'Nâng cao năng lực và đảm bảo PCCC&CNCH'. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đề án rất khó thành công do những tồn tại hiện nay không thể khắc phục.
Chi 26.341 tỷ đồng nâng cao năng lực PCCC
UBND thành phố Hà Nội vừa có Tờ trình gửi HĐND thành phố Hà Nội đề nghị ban hành Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, kinh phí triển khai đề án dự kiến hơn 26 nghìn tỷ đồng được dư luận quan tâm, nhất là thời gian qua trên địa bàn thành phố liên tiếp xảy ra các vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Theo UBND thành phố Hà Nội, trong 10 năm qua (2014- 2023), trên địa bàn thành phố xảy ra 4.459 vụ cháy, 18 vụ nổ và trên 8.000 sự cố cháy nhỏ. Trong đó, các vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng tập trung tại loại hình nhà ở hộ gia đình, nhà ở nhiều căn hộ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh gây thiệt hại lớn về người và tài sản (202 người chết, 271 người bị thương).
Trong khi đó, Hà Nội hiện có khoảng trên 9.483 tuyến đường, phố, ngõ, ngách, hẻm... có chiều dài hơn 200m, xe chữa cháy không thể tiếp cận được (chủ yếu tập trung tại các quận nội thành). Số bể chứa nước ngầm, nhất là tại các điểm công cộng nội đô còn rất hạn chế. Tại những điểm có nguồn nước thì không có bến lấy nước, hố ga thu nước, nguồn nước không đủ “sạch” để máy bơm chữa cháy có thể lấy nước ổn định, đủ trong thời gian phục vụ cho chữa cháy. Phương tiện PCCC&CNCH còn nhiều hạn chế, cần được bổ sung. Đó là chưa kể, ý thức PCCC của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, nhân dân còn hạn chế. Do đó, việc triển khai đề án nhằm nâng cao năng lực PCCC&CNCH là cần thiết.
Đề án đưa ra 5 nhóm giải pháp với 13 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá nằm nâng cao năng lực PCCC&CNCH. Cụ thể, giải pháp thứ nhất, tăng cường sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các cấp, ngành, địa phương từ cấp thành phố đến cấp cơ sở trong công tác PCCC&CNCH. Thứ hai, làm tốt công tác quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng, trong đó tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại liên quan PCCC&CNCH. Thứ ba, xây dựng và phát triển toàn diện hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH. Thứ tư, đầu tư phát triển hạ tầng PCCC&CNCH. Cuối cùng là kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các lực lượng PCCC tại chỗ.
Theo đề xuất, đề án được thực hiện trong 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 thực hiện đến năm 2025 và giai đoạn 2 từ năm 2026 đến 2030. Tổng kinh phí thực hiện các nhiệm vụ đề án khoảng 26.341 tỷ đồng.
Chính quyền cơ sở kêu khó
Nhiều ý kiến cho rằng, một loạt giải pháp mà đề án đưa ra là rất hay, nhưng chỉ giải quyết được vấn đề “ngọn”, còn gốc thì không thể giải quyết được. Luật gia Trần Nhật Minh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, hiện nay trên địa bàn thành phố có hàng nghìn ngõ, ngách nhỏ xe chữa cháy không thể vào được. Trong đó, có ngõ, ngách có nút thắt “cổ chai”, trước đây do chủ nhà xây lấn. Rồi tình trạng vi phạm trật tự xây dựng… ngang nhiên diễn ra ở nhiều xã phường, quận/huyện, nhưng chỉ khi xảy ra hỏa hoạn dẫn đến chết người thì mới xử lý. "Từ sau vụ cháy ở Thanh Xuân, dù thành phố đã rà soát, nhưng tôi thấy tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, PCCC vẫn diễn ra ở nhiều nơi", luật gia Trần Nhật Minh nói.
Cũng theo luật gia Trần Nhật Minh, đối với các công trình không bảo đảm yêu cầu về PCCC từ trước và sau khi Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực, đề án yêu cầu phải khắc phục xong trong năm 2025. Tuy nhiên, với hiện trạng như hiện nay thì khắc phục như thế nào, nhất là đối với công trình trong ngõ, ngách. Chính quyền khó có thể cưỡng chế phá dỡ, trong khi không phải nhà ai cũng có thể làm thang thoát hiểm thứ hai. ", luật gia Trần Nhật Minh bày tỏ.
Còn theo luật sư Đinh Đức Duy (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), đề án đã chỉ ra những hạn chế của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, nhất là cấp xã. Tuy nhiên, chưa làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc để xảy ra vi phạm PCCC tại các công trình trên địa bàn. Để xảy ra vi phạm thì xử lý như thế nào, trách nhiệm ra sao.
Lãnh đạo một phường tại quận Thanh Xuân thì cho rằng, cán bộ xã phường hiện nay quá nhiều việc. Trong khi đó, ở UBND không ai có kiến thức chuyên sâu về PCCC, thậm chí công an phường cũng chỉ có 1 cán bộ chuyên sâu về PCCC.
Còn theo ông Dương Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hà (huyện Thường Tín), hầu như không thể khắc phục được những vướng mắc về PCCC hiện nay tại các địa phương, nhất là tại khu vực nội đô. Ông Tuấn cho rằng, việc nhà dân làm trong ngõ nhỏ, vi phạm trật tự xây dựng từ thời điểm trước giờ xử lý rất khó.