Xử lý hình sự hay chế tài kinh tế?

Chọn cách nào, xử lý hình sự hay chế tài kinh tế, trước những sai phạm kinh tế để có lợi nhất cho phát triển?

Những kinh nghiệm tươi mới

Gần khu nhà tôi có một tòa nhà đã hoàn thiện được 7 năm mà chưa đi vào vận hành, để phơi mưa phơi nắng. Thi thoảng trước tòa nhà lại xuất hiện nhiều người mặc áo đỏ tụ tập đòi nhà. Người ta nói với tôi, họ không thể nhận được nhà dù đã đóng gần hết tiền, nhiều người lâm vào cảnh bần cùng, nợ nần chồng chất.

“Đúng là lừa đảo! Thật đáng căm phẫn! Cần bắt chủ đầu tư đi tù!”, có lần tôi chợt nghĩ sau khi trò chuyện với những người đáng thương đó, mà hoàn cảnh của họ, tôi tin, cũng đại diện cho nhiều người mua nhà tương tự ở không ít địa phương.

Lâu nay, các chỉ số về quyền tài sản, về thực thi hợp đồng ở nước ta còn bị xếp ở thứ hạng thấp trong các bảng xếp hạng của thế giới. Hợp đồng đã ký kết, nhưng một bên không tuân thủ thì họ cũng chẳng mấy khi làm sao.

Quốc hội đã nhìn ra lỗ hổng này và đã ban hành một số quy định chặt chẽ hơn về huy động vốn, về hợp đồng và trách nhiệm của chủ đầu tư trong Luật Kinh doanh bất động sản vừa được thông qua.

Cách tiếp cận đó với chế tài mạnh chắc chắn có hiệu quả hơn nhiều so với cách nghĩ xúc cảm của tôi. “Bắt” chủ đầu tư thì những người mua nhà cũng có lấy được nhà đâu.

Quốc hội đã thông qua Luật Kinh doanh bất động sản với nhiều quy định chặt chẽ hơn và chế tài nặng hơn để vá những lỗ hổng chính sách.

Quốc hội đã thông qua Luật Kinh doanh bất động sản với nhiều quy định chặt chẽ hơn và chế tài nặng hơn để vá những lỗ hổng chính sách.

Những nỗ lực vá lỗ hổng trong luật cho phù hợp với thực tiễn để giúp quản lý nhà nước hiệu quả hơn cũng như để thị trường vận hành trơn chu hơn được phản ánh thêm trong trường hợp dưới đây.

Khi Quốc hội thảo luận sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2015, đã có tranh luận nhiều chiều về đề xuất bỏ hay giữ Điều 159 về tội kinh doanh trái phép.

Cho đến lúc đó, tội kinh doanh trái phép đã đưa nhiều doanh nhân vào tù dù họ chỉ có các hành vi vi phạm là kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký và kinh doanh không có giấy phép trong lĩnh vực pháp luật quy định phải có giấy phép. Mà đó chỉ là những vi phạm về mặt thủ tục hành chính.

Rốt cục, luồng ý kiến ủng hộ bỏ tội này thắng thế, như đã biết, để thể chế hóa Điều 33 của Hiến pháp 2013 “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Hơn nữa, các điều kiện kinh doanh đã được nêu trong rõ trong Luật Đầu tư.

Tác động của việc bỏ quy định này là rất tích cực, xã hội hưởng ứng nhiệt liệt, tạo ra luồng sinh khí tươi mới cho phát triển doanh nghiệp ở nước ta.

Tác động dây chuyền

Gần đây, tôi thực sự rất mừng khi đọc được một số bài báo liên quan đến các lãnh đạo của một doanh nghiệp lớn phát hành trái phiếu doanh nghiệp bị bắt vì sử dụng tiền không đúng mục đích huy động. Xin trích lại tít vài bài báo đó, rằng doanh nghiệp “…đã nộp lại 8.600 tỉ, khắc phục toàn bộ hậu quả”, doanh nghiệp “nộp đủ tiền khắc phục hậu quả vụ án”, “Người bị hại có cơ hội được nhận lại tiền”,…

Các bài báo đó còn đề cập đến các tình tiết giảm nhẹ của doanh nhân, doanh nghiệp như có nhiều thành tích, cống hiến cho xã hội; tham gia nhiều hoạt động từ thiện xã hội; được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị, địa phương, các ngành tặng nhiều bằng khen.

Không mừng sao được khi biết bao nhiêu người mua trái phiếu, tưởng đã mất, lại có cơ hội nhận lại tiền của mình dù họ đã ký hợp đồng, tức đồng thuận góp vốn với doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh; mà đã đầu tư kinh doanh thì phải theo nguyên tắc “lời ăn, lỗ chịu”.

Vụ bắt giữ lãnh đạo doanh nghiệp đó và một số doanh nghiệp khác và phản ứng chính sách “siết chặt” đột ngột, giật cục của các nghị định liên quan đã gây một cú sốc với thị trường trái phiếu doanh nghiệp như mô tả của Bộ Tài chính: quý I hầu như không có đợt phát hành nào, thị trường trái phiếu doanh nghiệp biến động mạnh, nhà đầu tư mất niềm tin và yêu cầu doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu trước hạn, doanh nghiệp bị áp lực mạnh phải mua lại trái phiếu đã phát hành và không phát hành được trái phiếu mới để huy động nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh.

Cú sốc từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã lan cực nhanh sang nhiều lĩnh vực khác như bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, lãi suất tăng, thanh khoản của nền kinh tế gặp khó khăn, kinh tế vĩ mô chao đảo,… Hệ lụy là đà tăng trưởng kinh tế khá thuận lợi, 8,02%, sau mấy năm kiệt quệ vì phong tỏa Covid đã bị phanh gấp lại.

Thủ tướng và Chính phủ đã phải ban hành bao nhiêu chỉ thị; sửa đổi bao nhiêu nghị định; gặp gỡ, đối thoại nhiều lần với các doanh nghiệp trong suốt cả năm 2023. Kết quả của các nỗ lực đó là đến hết tháng 11, có 77 doanh nghiệp phát hành khoảng 220.000 tỷ đồng, theo Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã giảm từ 15% GDP năm 2021 xuống còn hơn 10% cuối năm nay. Thị trường trái phiếu đã phát triển khá thuận lợi và đúng chủ trương để giúp doanh nghiệp thêm một kênh huy động vốn dài hạn thay thế các nguồn vốn ngân hàng ngắn hạn bị thách thức rất lớn.

Liệu tình thế trên có thể tránh được hay không nếu chọn một cách ứng xử khác với doanh nghiệp, ví dụ như có các quy định phát hành chặt chẽ hơn, có chế tài nặng hơn, giải quyết tranh chấp hợp đồng và phá sản doanh nghiệp hiệu quả hơn ở tòa án,…?

Hay là cứ phải xử lý hình sự?

Thị trường bất động sản và nhiều thị trường khác đã đông cứng lại sau những tác động từ thị trường TPDN.

Thị trường bất động sản và nhiều thị trường khác đã đông cứng lại sau những tác động từ thị trường TPDN.

Mục đích tối thượng là thu hồi tài sản bị chiếm đoạt

Tôi nêu lại vấn đề này sau khi bài viết “Không hình sự hóa và món nợ thể chế” nhận được một số phản ứng trái chiều, rằng nếu phi hình sự hóa một cách ồ ạt thì dẫn đến tội phạm tràn lan.

Làm sao lại hiểu như vậy được!

Theo thống kê của VCCI, trong năm 2022 đã ban hành 12 luật, 131 nghị định và 462 thông tư. Trong khi đó, người dân và doanh nghiệp trên thực tế chủ yếu thường thấy thông tư, nghị định để tuân thủ hơn là luật. Luật không đổi, nhưng nghị định, thông tư thay đổi, và có thể thay đổi thường xuyên. Các thông tư của các lĩnh vực khác nhau có thể hướng dẫn khác nhau về cùng một vấn đề.

Vì thế, lỗi đầu tư, kinh doanh không đúng quy định, hay trái quy định là thường trực đối với doanh nghiệp. Khi thanh tra, kiểm tra thì chắc chắn tìm ra sai phạm của doanh nghiệp; nếu bị xử lý hình sự thì doanh nghiệp có thể mất tất cả.

Mục tiêu tối thượng của áp dụng chế tài kinh tế hay xử lý hình sự là gì? Thu hồi lại tài sản đã mất sẽ là lựa chọn tốt nhất.

Vì thế, những sai phạm về kinh tế cần được xử lý bằng các biện pháp kinh tế để thu hồi các khoản tiền bị chiếm đoạt phi pháp. Các chế tài cần phải được quy định nặng hơn nhiều số tiền, của bị chiếm đoạt để ngăn chặn việc tái diễn trong tương lai và làm bài học cảnh tỉnh. Chế tài kinh tế thật nặng sẽ làm người có ý định “lừa đảo”, dù thông qua hợp đồng, sẽ không dám “lừa đảo” nữa.

Trong khi đó, biện pháp xử lý hình sự, tức hạn chế tự do cá nhân, chưa chắc đã đảm bảo được mục tiêu lớn nhất là thu hồi lại tài sản cho Nhà nước và Nhân dân vì thực tế có nhiều vụ bị xử phạt tù, thậm chí tử hình, nhưng tài sản vẫn bị thất thoát, không thu hồi được.

Tất nhiên, để “không hình sự hóa quan hệ kinh tế dân sự” còn cần thêm nhiều yếu tố khác như cải cách nâng cao hiệu quả, hiệu lực và niềm tin của giải quyết tranh chấp hợp đồng và thủ tục phá sản doanh nghiệp; thành lập tòa án kinh tế cấp liên huyện, vùng không gắn và phụ thuộc cấp hành chính; thiết lập thể chế phù hợp, nhất là trong Bộ Luật hình sự, đồng thời nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả của bộ máy và hoạt động thi hành án.

Mà đó đều là những vấn đề cần đặt ra để giải quyết nhằm thực hiện Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị với những chủ trương rất lớn: “Tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, pháp luật về sở hữu, quyền tự do kinh doanh, bảo hộ quyền tài sản hợp pháp, khởi nghiệp, bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế…”.

Việt Nam là nền kinh tế chuyển đổi với những sự phát triển, mâu thuẫn trong cuộc sống đi trước luật pháp, hay kinh nghiệm điều hành. Vậy chọn cách nào, xử lý hình sự hay chế tài kinh tế, trước những sai phạm kinh tế để có lợi nhất cho phát triển?

Câu hỏi này cần được đặt ra cho mục tiêu lớn hơn là thúc đẩy khu vực doanh nghiệp tư nhân để họ phát triển mạnh thêm lên thoát khỏi tình trạng “mãi không lớn lên được” và làm nền kinh tế thịnh vượng, bền vững.

Tư Giang

Tư Giang

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/xu-ly-hinh-su-hay-che-tai-kinh-te-2228965.html