Xử lý kinh tế thay vì hình sự
Trong một nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, rủi ro, tranh chấp và thất bại là điều không thể tránh khỏi. Những điều đó không đồng nghĩa với hành vi tội phạm. Bởi vậy, chủ trương 'không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự' mà Nghị quyết 68-NQ/TW (Nghị quyết 68) của Bộ Chính trị mới đây xác lập là một bước tiến lớn trong tư duy quản lý nhà nước, thể hiện sự tôn trọng nguyên lý thị trường, đồng thời tạo lập niềm tin mạnh mẽ cho khu vực kinh tế tư nhân.

Nghị quyết 68 tạo lập niềm tin mạnh mẽ cho khu vực kinh tế tư nhân. Ảnh minh họa
Từ “hình sự hóa” đến “thị trường hóa” tranh chấp
Không ít doanh nhân từng vướng vòng lao lý chỉ vì những rủi ro kinh doanh mang bản chất dân sự hoặc hành chính. Một hợp đồng không thể thực hiện đúng tiến độ, một khoản vay không được trả đúng hạn, một dự án đầu tư gặp trở ngại pháp lý… có thể trở thành cớ để bị khởi tố hình sự, nếu người ta không phân biệt rõ giữa sai sót kinh tế và hành vi phạm tội.
Thực tế đó khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào trạng thái “sợ sai”, “không dám làm”. Mỗi quyết định kinh doanh đều tiềm ẩn nguy cơ vướng vòng tố tụng hình sự, đặc biệt trong môi trường pháp lý còn chưa thật sự minh bạch và ổn định. Điều này không chỉ kìm hãm tinh thần đổi mới sáng tạo mà còn làm chùn bước nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Chính vì vậy, Nghị quyết 68 đã kịp thời điều chỉnh một tư duy quản lý quan trọng: Thay vì vội vã áp dụng các chế tài hình sự, cần ưu tiên sử dụng các biện pháp xử lý mang tính thị trường, như: Dân sự, hành chính, kinh tế - để giải quyết tranh chấp, xử lý rủi ro và đảm bảo sự công bằng.
Pháp quyền hiện đại: Hình sự là biện pháp sau cùng
Trong lý luận nhà nước pháp quyền hiện đại, hình sự hóa là lựa chọn cuối cùng (ultima ratio), chỉ áp dụng khi hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng cho xã hội và không thể xử lý bằng các công cụ khác. Sự phân định rõ ràng giữa vi phạm dân sự-hành chính và tội phạm hình sự là nguyên tắc cốt lõi để bảo đảm quyền con người, quyền công dân và duy trì niềm tin vào công lý.
Các nước phát triển như: Hoa Kỳ, Anh, Đức, Nhật Bản… đều xây dựng hệ thống pháp luật theo hướng “hình sự tối giản, dân sự tối đa”. Khi doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, họ bị phạt tiền, bị yêu cầu bồi thường, bị kiện ra tòa- chứ không bị điều tra hình sự ngay lập tức. Ngay cả những vụ gian lận tài chính nghiêm trọng cũng phải qua quá trình điều tra kỹ lưỡng, với tiêu chuẩn chứng minh rất cao, để tránh xâm phạm quyền tự do cá nhân một cách tùy tiện.
Chủ trương của Đảng ta trong Nghị quyết 68 cho thấy sự tiếp cận tiến bộ này. Đó là một cam kết rõ ràng về việc không hình sự hóa các tranh chấp kinh tế, mà thay vào đó là xử lý đúng bản chất, đúng công cụ.
Tác hại của việc hình sự hóa quan hệ kinh tế
Hình sự hóa quá mức không chỉ là một sai lầm kỹ thuật pháp lý mà còn gây ra những hệ lụy nặng nề cho môi trường đầu tư và phát triển của đất nước.
Trước hết là tâm lý sợ hãi trong giới doanh nhân- những người được kỳ vọng là “chiến sĩ trên mặt trận kinh tế”. Nếu rủi ro bị khởi tố cao hơn rủi ro đầu tư, thì động lực kinh doanh sẽ teo tóp dần. Không ai muốn khởi nghiệp, không ai dám đột phá. Sự trì trệ sẽ trở thành một vòng luẩn quẩn, kìm hãm toàn bộ nền kinh tế.
Thứ hai là sự lạm dụng quyền lực. Trong môi trường pháp lý thiếu rõ ràng, việc khởi tố, điều tra các doanh nghiệp có thể bị biến tướng thành công cụ để cạnh tranh không lành mạnh, để trấn áp đối thủ, để chiếm đoạt tài sản. Khi đó, luật pháp không còn là nơi bảo vệ công lý, mà trở thành rào cản, thậm chí là mối đe dọa đối với doanh nghiệp.
Thứ ba là mất niềm tin thị trường. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ đánh giá Việt Nam là nơi có “rủi ro thể chế cao” nếu pháp luật có thể được sử dụng theo cách tùy tiện, không nhất quán. Họ sẽ lựa chọn những quốc gia nơi luật pháp rõ ràng, ổn định và thân thiện hơn với thị trường.
Tạo dựng môi trường pháp lý an toàn cho kinh doanh
Ưu tiên xử lý kinh tế thay vì hình sự là một bước tiến đúng hướng để tạo ra một môi trường kinh doanh an toàn, minh bạch và dễ dự đoán- những yếu tố quyết định niềm tin thị trường.
Một hệ thống pháp luật hiện đại cần xác định ranh giới rõ ràng giữa vi phạm dân sự và hình sự. Các hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, chậm thanh toán, chậm tiến độ… nên được giải quyết thông qua trọng tài thương mại, tòa dân sự hoặc chế tài hành chính. Chỉ khi có đủ bằng chứng về gian lận, lừa đảo với yếu tố cố ý rõ ràng, thì mới cần đến biện pháp hình sự.
Đồng thời, cơ quan tiến hành tố tụng cũng cần được đào tạo lại về tư duy phân biệt bản chất hành vi, tránh “tư duy hình sự hóa theo quán tính”. Tư pháp không nên là nơi “trừng phạt kinh doanh”, mà là nơi “bảo vệ kinh doanh chân chính”.
Việc thiết lập các cơ chế cảnh báo sớm, phản ánh sai phạm trong khởi tố kinh tế, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp cũng cần được thể chế hóa. Mỗi vụ việc bị xử lý sai là một vết sẹo trong lòng cộng đồng doanh nghiệp- và cũng là một tổn thất lớn cho nền kinh tế.
Kiến tạo niềm tin để kinh tế tư nhân vươn lên
Không thể có một khu vực kinh tế tư nhân hùng mạnh nếu người làm kinh tế phải sống trong nỗi lo hình sự. Niềm tin là nền tảng để doanh nhân dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận rủi ro và vươn xa. Mà muốn có niềm tin, trước hết thể chế phải bảo vệ họ - bảo vệ quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh và quyền được đối xử công bằng.
Chủ trương ưu tiên xử lý kinh tế thay vì hình sự là một cam kết chính trị mạnh mẽ: Nhà nước đứng về phía doanh nghiệp làm ăn chân chính. Đây không phải là sự buông lỏng kỷ cương, mà là một bước tiến về tư duy quản trị- khi pháp luật được sử dụng một cách tinh tế, đúng mức và hiệu quả.
Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự- mà ưu tiên xử lý bằng biện pháp kinh tế- là bước ngoặt tư duy thể hiện rõ trong Nghị quyết 68. Đó là lời khẳng định mạnh mẽ rằng, thể chế Việt Nam đang đổi mới theo hướng hiện đại, thân thiện và đáng tin cậy hơn với thị trường. Đây chính là nền tảng để tạo nên một môi trường đầu tư hấp dẫn, để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, để mở đường cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân.
Không có quốc gia phát triển nào mà không có một hệ thống pháp lý bảo vệ người làm ăn chân chính. Và không có hành trình vươn mình nào có thể thiếu một thể chế pháp quyền hiện đại, minh bạch và công bằng. Hôm nay, chúng ta đã chọn đúng hướng- và chỉ cần kiên định đi tiếp, tương lai sẽ thuộc về chúng ta./.
Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/xu-ly-kinh-te-thay-vi-hinh-su-40262.html