Vốn tín dụng cho doanh nghiệp tư nhân: Khơi thế nào cho 'thông'?
Hoàn thiện mô hình Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là một định hướng có tính chuyển đổi, nếu được thiết kế đúng cách sẽ trở thành đòn bẩy khơi thông dòng vốn cho khu vực kinh tế chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam.
Trong Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, Bộ Chính trị đã đặt ra mục tiêu xây dựng thị trường tín dụng minh bạch, cạnh tranh, qua đó mở rộng cơ hội tiếp cận vốn cho khu vực kinh tế tư nhân.
Doanh nghiệp muốn giảm lãi suất, cho vay tín chấp
Ngày 15/5, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Theo dự thảo, mặc dù pháp luật và thể chế về doanh nghiệp ngày càng hoàn thiện, nhưng kinh tế tư nhân vẫn gặp nhiều rào cản, chưa thực sự bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh.
Dự thảo Nghị quyết quy định cụ thể về việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh. Cùng với đó là hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công.
Theo đó, doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được hỗ trợ lãi suất 2%/năm khi vay vốn để thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn. Sẽ miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, công ty quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo… Theo các doanh nghiệp, đây cũng là vướng mắc lớn nhất của doanh nghiệp tư nhân khi tiếp cận vốn ngân hàng hiện nay.

Tính đến cuối năm 2024, dư nợ tín dụng cho vay đối với doanh nghiệp tư nhân đạt khoảng 7 triệu tỷ đồng, tăng 14,7% so với năm 2023, chiếm 44% tổng dư nợ toàn nền kinh tế
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, lâu nay, nhiều ngân hàng tập trung cho vay doanh nghiệp lớn, ngại cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Trong Nghị quyết 68, Bộ Chính trị đặt ra nhiệm vụ về cắt bỏ rào cản tiếp cận đất đai, tín dụng, dữ liệu, nhân lực chất lượng cao… với doanh nghiệp tư nhân. Điều này mở ra cơ hội tiếp cận vốn nhiều hơn với DNNVV.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối năm 2024, dư nợ tín dụng cho vay đối với doanh nghiệp tư nhân đạt khoảng 7 triệu tỷ đồng, tăng 14,7% so với năm 2023, chiếm 44% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong đó, 100 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ cho vay DNNVV, với tổng dư nợ 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2023, chiếm 17,6% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Hiện có 208.992 DNNVV gần như là kinh tế tư nhân có dư nợ vay vốn ngân hàng.
Ông Nguyễn Kim Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kim Nam chia sẻ, hiện nay, cầu vốn của doanh nghiệp tư nhân hầu hết đều dựa vào ngân hàng. Các doanh nghiệp đang đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ, tăng trưởng xanh. “Tuy nhiên, ngân hàng hiện chưa có gói vay nào hỗ trợ đổi mới sáng tạo, ví dụ như cho vay đầu tư nền tảng, cho vay phát triển AI....”, ông Hùng cho hay.
Chưa kể, việc tiếp cận vốn tín dụng của các DNNVV rất khó khăn do thiếu tài sản đảm bảo, hồ sơ tài chính chưa minh bạch… Ông Nguyễn Nam Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tasco (Hà Nội) cho rằng để thúc đẩy vốn tín dụng cho doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ, các ngân hàng nên thiết kế sản phẩm tài chính chuyên biệt như khoản vay tín chấp dựa trên dòng tiền kinh doanh, khoản vay theo hợp đồng đầu ra hoặc khoản vay dựa trên tài sản hình thành từ vốn vay. Ngoài ra, cần mở rộng mô hình đánh giá tín dụng dựa trên dữ liệu giao dịch thực tế của doanh nghiệp thay vì chỉ tập trung vào tài sản đảm bảo.
Đưa dòng vốn đến đúng địa chỉ
Ở góc độ ngân hàng, phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại lớn cho hay, các ngân hàng khi cho vay phải tuân thủ quy trình chặt chẽ để đảm bảo không bị mất vốn. Một khi xảy ra nợ xấu có khả năng mất vốn, không chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng, mà cán bộ tín dụng còn có nguy cơ bị xử lý hình sự.
“Chưa kể, tình trạng một doanh nghiệp có hai báo cáo tài chính - một báo cáo lãi để làm hồ sơ vay vốn ngân hàng và một báo cáo lỗ để gửi cơ quan thuế - đã trở thành phổ biến. Với tình trạng này, ngân hàng rất khó để tin tưởng cho vay thế chấp. Nếu được liên thông dữ liệu với ngành thuế, được tiếp cận báo cáo tài chính thực của doanh nghiệp, việc cho vay tín chấp không còn quá khó khăn”, vị này nói.
Nghị quyết 68 có nội dung ưu tiên một phần nguồn tín dụng thương mại cho khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là DNNVV đầu tư vào máy móc, công nghệ, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Đồng thời, đặt ra yêu cầu hoàn thiện mô hình Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV. Theo các chuyên gia, đây là một định hướng có tính chuyển đổi, nếu được thiết kế đúng cách sẽ trở thành đòn bẩy khơi thông dòng vốn cho khu vực kinh tế chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính – Ngân hàng (Trường Đại học Nguyễn Trãi), cần cụ thể hóa tiêu chí và mức độ ưu tiên. Nếu không có ranh giới rõ ràng, chính sách dễ rơi vào tình trạng “ưu đãi dàn trải”, thiếu trúng đích và khó đo lường hiệu quả. Đồng thời, mức độ ưu đãi cần được phân tầng theo quy mô và mức độ đổi mới. Ví dụ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có thể được vay đến 80% vốn đầu tư với lãi suất 3,5-5% trong thời hạn 5-7 năm. Doanh nghiệp chuyển đổi số nên có chính sách riêng, khác biệt so với doanh nghiệp chỉ đầu tư thiết bị thông thường.
Để DNNVV tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, ông Huy cho rằng Nhà nước cần có cơ chế bảo lãnh tín dụng hiệu quả và có các quỹ hỗ trợ đầu tư khởi nghiệp. Bên cạnh đó, ngân hàng cần có sản phẩm tín dụng đặc thù, thay đổi cách thẩm định, tập trung vào phương án kinh doanh thay vì tài sản thế chấp.
Bản thân doanh nghiệp cần nâng cao năng lực quản trị, minh bạch dòng tiền và hoạch định đầu tư bài bản. “Chỉ khi doanh nghiệp thể hiện được tính kỷ luật tài chính và minh bạch vận hành, thì ngân hàng mới đủ cơ sở ra quyết định tín chấp có trách nhiệm. Và chỉ khi ngân hàng thiết kế mô hình thẩm định phù hợp với “tài sản phi truyền thống”, thì vốn mới thật sự đến đúng nơi cần”, ông Huy nhấn mạnh.