Xử lý kỷ luật trong Đảng - Nghiêm minh, không có ngoại lệ, không có vùng cấm
Việc các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm minh các cán bộ sai phạm, trong đó có những người giữ các cương vị cao cấp như Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam, thêm một lần nữa khẳng định sự quyết liệt, nghiêm minh, không có ngoại lệ, không có vùng cấm, bất kỳ ai dù giữ cương vị gì mà vi phạm đều bị xử lý trong kỷ luật của Đảng.
Mọi vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh
Tại Hội nghị lần thứ 3 diễn ra từ ngày 5 đến 8-7 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã quyết định thi hành kỷ luật ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Bình Dương, bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng.
Trước đó, ngày 18-6-2021, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp để xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương nhiệm kỳ 2015-2020, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2016-2021 và một số cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Bình Dương. Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nghe đại diện tổ chức đảng và đảng viên trình bày, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thấy, ông Trần Văn Nam, với cương vị là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XIV, chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020.
Theo đó, ông Trần Văn Nam đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc, làm trái chủ trương của Tỉnh ủy và vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, vốn, tài sản của Đảng, Nhà nước tại Tổng Công ty 3-2; buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra, giám sát; chỉ đạo hợp thức hóa tài liệu để che giấu vi phạm; gây thất thoát lớn tài sản, ngân sách của Đảng, Nhà nước và nhiều cán bộ, đảng viên của tỉnh vi phạm kỷ luật đảng, bị khởi tố hình sự.
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ rõ, ông Trần Văn Nam chịu trách nhiệm trực tiếp khi giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã ký văn bản áp dụng giá đất tính thu tiền sử dụng đất, vi phạm quy định pháp luật về đất đai, gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước; thực hiện trái chủ trương về phương án sử dụng 43 ha đất tại Tổng Công ty 3-2; hợp thức việc chuyển nhượng trái phép Dự án Tân Phú cho tư nhân; để Tổng Công ty 3-2 đưa 145 ha đất góp vốn vào Công ty Tân Thành trái pháp luật.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020 và Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2016-2021 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số tổ chức đảng, đảng viên vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, vốn, tài sản tại Tổng Công ty 3-2, gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý hình sự, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Trước những sai phạm nghiêm trọng trên đây, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương nhiệm kỳ 2015-2020, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2016-2021 bằng hình thức cảnh cáo. Cơ quan chức năng sau đó cũng đã khởi tố, bắt tạm giam nhiều nguyên lãnh đạo tỉnh Bình Dương, trong đó có cả nguyên Chủ tịch HĐND và nguyên Chủ tịch UBND tỉnh.
Vì sự trong sạch, vững mạnh của Đảng
Việc xử lý nghiêm khắc đối với cán bộ vi phạm trong thời gian vừa qua, đặc biệt là ngay sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã thêm một lần nữa khẳng định công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng được triển khai quyết liệt, nghiêm minh với tinh thần chung là không có ngoại lệ không có vùng cấm vì sự trong sạch, vững mạnh của Đảng. Đây chính là thể hiện việc thực hiện quyết liệt theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3. Việc xử lý nghiêm minh, kiên quyết và triệt để những sai phạm ngay đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XIII cũng là sự cụ thể hóa những nội dung quan trọng đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đó là Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa...
Công tác kiểm tra, giám sát là một trong những chức năng lãnh đạo, nhiệm vụ quan trọng của Đảng ta, là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng. Công việc này luôn được Đảng triển khai nghiêm túc và đạt được những kết quả quan trọng. Có thể thấy rất rõ điều này trong nhiệm kỳ Đại hội XII vừa qua của Đảng. Trong nhiệm kỳ, các cấp ủy, tổ chức Đảng và ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra, giám sát hàng chục vạn tổ chức Đảng và hàng triệu đảng viên; thi hành kỷ luật hơn một nghìn tổ chức Đảng và hơn 87.000 đảng viên, trong đó, có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, các tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, kể cả đương chức và đã nghỉ hưu.
Cùng với đó, việc đưa ra xét xử nhiều vụ án về tham nhũng kinh tế; việc khởi tố, xử lý, kỷ luật cán bộ, đảng viên; trong đó có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao, cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương quản lý… trong nhiệm kỳ XII đã minh chứng cho chủ trương và hành động quyết liệt của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Những kết quả quan trọng trong phòng và đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đó đã góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng để Đảng được trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với vai trò tiền phong.
Việc xử lý kiên quyết, nghiêm minh các tổ chức Đảng và cá nhân vi phạm tại tỉnh Bình Dương ngay đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII này của Đảng một lần nữa khẳng định quyết tâm chính trị cao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong công cuộc chỉnh đốn, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là xuyên suốt và liên tục của Đảng ta. Xử lý nghiêm minh, kiên quyết là cần thiết, song cùng với đó thì công tác kiểm tra, giám sát của Đảng cần chặt chẽ hơn nữa để phát hiện sớm, cảnh báo và ngăn ngừa những vi phạm có thể xảy ra hoặc mới xảy ra.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đã yêu cầu tập trung kiểm tra toàn diện hơn các lĩnh vực như sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; về chấp hành nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, các lĩnh vực kinh tế - tài chính, hành chính, tư pháp…; chú trọng kiểm tra, giám sát cán bộ có biểu hiện tham nhũng; bị nhiều phản ánh, tố cáo tham nhũng… tập trung chỉ đạo kiểm tra những nơi có vấn đề phức tạp, dư luận quan tâm, các lĩnh vực, địa bàn dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng. Chỉ đạo đó của nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng ta đã đi vào thực tiễn với tinh thần và cũng là nguyên tắc nhất quán “không có ngoại lệ, không có vùng cấm” vì sự trong sạch, vững mạnh của Đảng.