Xử lý lái xe ô tô đi chậm trên đường cao tốc

Đây là đề xuất mới dựa trên tình hình thực tế khi có nhiều ý kiến về tình trạng tài xế ô tô cố tình đi sát làn trái, tạo ra cản trở cho các xe khác. Hành vi này có thể bị xử phạt từ 400 – 600 nghìn đồng và trừ 3 điểm trên giấy phép lái xe.

Khi tham gia giao thông, một số tài xế “chiếm” làn đường ngoài cùng bên trái nhưng đi chậm, ảnh hưởng đến giao thông. Ảnh minh họa

Khi tham gia giao thông, một số tài xế “chiếm” làn đường ngoài cùng bên trái nhưng đi chậm, ảnh hưởng đến giao thông. Ảnh minh họa

Nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm

Một trong những vấn đề đang gây bức xúc cho một số người khi lái xe trên cao tốc là nhiều tài xế chạy tốc độ thấp hơn tốc độ giới hạn quy định nhưng lại “ôm” làn ngoài cùng bên trái (làn quy định tốc độ tối đa cao nhất) gây bức xúc và mất an toàn cho các phương tiện phía sau. Điều này không chỉ sai cả về Luật Giao thông đường bộ (phương tiện có tốc độ cao hơn đi bên trái, tốc độ nhỏ hơn đi bên phải) mà còn tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông. Ghi nhận thực tế trên các tuyến cao tốc, rất nhiều tài xế không hiểu rõ luật giao thông hoặc cố tình vi phạm, dẫn đến việc "ôm" làn trái với tốc độ thấp hơn tốc độ cho phép. Nhưng việc xử lý các trường hợp vi phạm này chưa đủ sức răn đe, khiến nhiều tài xế vẫn ngang nhiên "ôm" làn trái.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Thiêm - Phó Trưởng phòng Kỹ thuật - Công nghệ, Công ty TNHH MTV Quản lý và Khai thác đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (Vidifi) cho rằng, việc các xe di chuyển chậm ở làn trái sẽ cản trở đến các phương tiện khác muốn di chuyển nhanh hơn và sẽ dẫn đến ùn tắc giao thông khi các xe di chuyển với tốc độ khác nhau trên cùng một làn đường, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra va chạm giao thông cao hơn. Chưa kể, việc các xe “ôm” làn trái khiến những người muốn di chuyển nhanh hơn cảm thấy ức chế và bức xúc.

Cũng theo ông Nguyễn Huy Thiêm, ngoài việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của lái xe, cũng cần phải xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm thông qua việc lắp đặt camera giám sát. Cần phải bổ sung làn đường theo tiêu chuẩn của cao tốc và thiết kế các biển báo, vạch kẻ đường rõ ràng, dễ hiểu để người tham gia giao thông có thể dễ dàng nhận biết và tuân thủ luật giao thông. “Cần tăng cường hệ thống giám sát giao thông thông minh có thể giúp phát hiện và xử lý vi phạm một cách tự động, giúp nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm” - ông Nguyễn Huy Thiêm cho hay.

Chế tài về sử dụng làn

Liên quan đến vấn đề này, đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có đề xuất xử phạt hành vi này.

Cụ thể, tại điểm b, c của khoản 2 Điều 7 của Dự thảo Nghị định này quy định, điều khiển xe chạy tốc độ thấp hơn các xe khác đi cùng chiều mà không đi về bên phải phần đường xe chạy, trừ trường hợp các xe khác đi cùng chiều chạy quá tốc độ quy định và điều khiển xe chạy tốc độ thấp hơn xe khác đi cùng chiều mà không đi về làn đường bên phải chiều đi của mình, trừ trường hợp xe khác đi cùng chiều chạy quá tốc độ quy định thì sẽ bị xử phạt tiền từ 400 - 600 nghìn đồng.

Đồng thời, điều khiển xe chạy tốc độ thấp hơn các xe khác đi cùng chiều mà không đi về bên phải phần đường xe chạy dẫn đến tai nạn giao thông thì người điều khiển phương tiện bị trừ 3 điểm trên giấy phép lái xe. “Đây là đề xuất mới dựa trên tình hình thực tế khi có nhiều ý kiến về tình trạng tài xế cố tình đi sát làn trái, tạo thành cản trở với xe khác” - đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết thêm.

TS. Đặng Minh Tân, Trường Đại học Giao thông Vận tải cho biết, ở nhiều nước trên thế giới, việc sử dụng làn đường của các phương tiện giao thông trên đường cao tốc được quy định và được quản lý rõ ràng. Theo TS. Đặng Minh Tân, ở Việt Nam, các quy định, chế tài về việc sử dụng làn đối với các loại phương tiện khác nhau trên đường cao tốc chưa thực sự đầy đủ, rõ ràng. Không chỉ ở trên đường cao tốc mà trên nhiều tuyến đường ôtô thông thường, hầu hết tài xế đều muốn “chiếm” làn bên trái sát dải phân cách dù đi tốc độ rất chậm.

Kiến nghị một số giải pháp, TS. Đặng Minh Tân đề nghị cần phát triển các quy định pháp luật, các giải pháp quản lý, kỹ thuật và chế tài về việc sử dụng làn đường trên hệ thống đường cao tốc Việt Nam để góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng làn đường cao tốc, góp phần giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông. Theo TS. Đặng Minh Tân, với tuyến đường cao tốc có 6 làn xe có thể nghiên cứu triển khai phương án tổ chức giao thông với xe tải chỉ được đi ở làn số 2 và làn số 3. Đồng thời tăng cường sử dụng một số giải pháp sử dụng biển báo khuyến khích các phương tiện đi chậm đi về bên phải và nhường đường cho xe vượt.

TS. Đặng Minh Tân cho rằng, cần phát triển giải pháp, ứng dụng hệ thống quản lý giao thông thông minh để quản lý, điều hành tổng thể đường cao tốc nói chung và giám sát vấn đề về tốc độ và sử dụng làn đường nói riêng. Đặc biệt, cần coi trọng vấn đề tuyên truyền, tăng cường các giải pháp đào tạo người lái xe nhận thức về việc sử dụng làn đường khi tham gia giao thông nói chung và đường cao tốc nói riêng.

Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 26, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về giao thông trên đường cao tốc như sau: "Không được cho xe chạy quá tốc độ tối đa và dưới tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu, sơn kẻ trên mặt đường". Điểm s khoản 3 Điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, nếu điều khiển xe chạy dưới tốc độ tối thiểu trên những đoạn đường bộ có quy định tốc độ tối thiểu cho phép bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Trường hợp chạy dưới tốc độ tối thiểu gây tai nạn giao thông sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/xu-ly-lai-xe-o-to-di-cham-tren-duong-cao-toc-392202.html