Xử lý lấn chiếm lòng đường, vỉa hè: Vẫn loay hoay tìm 'lời giải'

Câu chuyện lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, buôn bán hàng hóa không còn xa lạ với bất kỳ đô thị nào. TP. Thái Nguyên cũng không là trường hợp ngoại lệ.

Khu vực cổng Bệnh viện A Thái Nguyên thường xuyên xuất hiện tình trạng người bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

Khu vực cổng Bệnh viện A Thái Nguyên thường xuyên xuất hiện tình trạng người bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

Đi trên một số tuyến đường ở trung tâm của TP. Thái Nguyên như: Bến Oánh (khu vực chợ Thái, chợ Túc Duyên), phố Cột Cờ (phường Trưng Vương), Lương Ngọc Quyến (khu vực cổng Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên; chợ Đồng Quang), Quang Trung (khu vực cổng Bệnh viện A Thái Nguyên)… chắc hẳn ai cũng thấy tình trạng người dân lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán, kinh doanh. Không ít tiểu thương "vô tư" xả rác ra vỉa hè, khiến cho bộ mặt đô thị trở nên nhếch nhác, mất mỹ quan.

Điều đáng nói là trong thời gian dài, lực lượng chức năng của TP. Thái Nguyên cũng như các phường, xã đã nhiều lần ra quân lập lại trật tự, song tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè vẫn tái diễn. Khi được hỏi vì sao lại lấn chiếm vỉa hè để buôn bán, người dân đưa ra vô vàn lý do. Chị T.T.N, một người dân bán hàng rong tại khu vực phố Cột Cờ nói: Nhà chỉ có vài mớ rau nên tôi tranh thủ đem ra bán rong. Hàng hóa có ít nên không đáng để thuê địa điểm. Còn chị T. - một tiểu thương khác bán hàng tại đường Bến Oánh cho biết: Bán hàng gần đường cho người dân tiện mua. Chúng tôi muốn vào chợ đầu mối Túc Duyên, nhưng đường đi nhếch nhác khiến khách hàng không muốn vào chợ nên rất khó bán…

“Chỉ có vài mới rau”; “vào chợ bán cho ai”; “ngồi vỉa hè tiện cho người mua”; “thuê quầy đắt”…, với muôn vàn lý do để chiếm dụng vỉa hè như thế đã khiến đô thị của TP. Thái Nguyên khó có thể đảm bảo mỹ quan. Ông Nguyễn Hữu Thảo, bảo vệ dân phố tổ 3, phường Trưng Vương cho rằng: Nếu không có giải pháp lâu dài thì việc lập lại trật tự mỹ quan đô thị sẽ vẫn là điệp khúc “đuổi - chạy” của tiểu thương và cơ quan chức năng. Chúng tôi mong muốn, tỉnh, thành phố xây dựng chợ đầu mối khang trang để người dân có điều kiện họp chợ mưu sinh, không vi phạm các quy định của pháp luật.

Hầu hết người dân đều biết việc buôn bán trên vỉa hè, lòng đường là vi phạm pháp luật. Bởi thế, họ chọn cách bán trên xe để không chỉ tiện mà còn dễ dàng di chuyển nhanh khi thấy “bóng" của cơ quan chức năng. Bà Nguyễn Thị Hiên, một người bán trà đá tại khu vực cổng Bệnh viện A Thái Nguyên cho hay: “Tôi chỉ để 2-3 ghế, khi có cơ quan chức năng đi qua dọn cho nhanh. Mà dọn không kịp thì mất cũng đỡ tiếc”.

Để đối phó với việc kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng, nhiều người đã chế ra các loại xe đẩy, xe kéo có thùng phía sau. Khi phát hiện có lực lượng chức năng tuần tra thì họ nổ máy lái xe đi. Nếu không thì tiện chỗ nào, dừng bán chỗ đó, khiến người tham gia giao thông gặp nhiều khó khăn. Điều đáng nói là nhiều người còn chấp nhận nộp phạt để tiếp tục được kinh doanh. Chị D., một tiểu thương tại khu vực chợ Thái cho biết: Một tháng bị phạt vài lần thì mất khoảng vài trăm nghìn đồng, nhưng bù lại mình vẫn bán được hàng và có thu nhập. Chủ một quán cà phê trên đường Lương Ngọc Quyến lý giải: Khách hàng thường thích ngồi ở vỉa hè cho thoáng mát. Khi lực lượng tuần tra ra quân dẹp bỏ, chúng tôi vẫn nghiêm túc chấp hành.

Buôn bán trên vỉa hè, lòng đường vào mục đích cá nhân, gây ảnh hưởng và cản trở đến người tham gia giao thông hay các hoạt động bình thường khác là vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành. Thời gian qua, TP. Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp như: Tuần tra, kiểm soát và xử lý các vi phạm; chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương ra quân lập lại trật tự vỉa hè; xây dựng, đề xuất phương án thu phí tạm thời sử dụng lòng đường, hè phố… Nhưng trên thực tế, các giải pháp trên chưa đem lại kết quả như mong đợi. Theo số liệu thống kê, chỉ riêng tháng 5-2024, lực lượng chức năng của TP. Thái Nguyên đã nhắc nhở gần 400 trường hợp lấn chiếm hành lang giao thông đường bộ, xử phạt 39 trường hợp, với số tiền trên 19 triệu đồng.

Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt sẽ phạt tiền từ 100-200 nghìn đồng với cá nhân, từ 200-400 nghìn đồng đối với tổ chức khi có hành vi bán hàng rong, hàng hóa nhỏ lẻ khác ngay trên lòng đường đô thị hoặc trên phần vỉa hè của các tuyến phố có quy định cấm bán hàng. Phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với cá nhân và từ 4-6 triệu đồng đối với tổ chức khi có hành vi sử dụng trái phép lòng đường, hè phố để họp chợ, bày bán hàng hóa, kinh doanh dịch vụ ăn uống…

Ông Đào Hoàng Phương, Phó Chủ tịch UBND phường Trưng Vương cho biết: Trưng Vương là một trong những phường trung tâm của thành phố, trên địa bàn có 2 chợ lớn (chợ Thái và chợ Túc Duyên) nên công tác quản lý trật tự đô thị gặp rất nhiều khó khăn. Do không có lực lượng, người làm nhiệm vụ lại là cán bộ kiêm nhiệm, phụ cấp thấp nên càng khó hơn. Còn theo lãnh đạo UBND phường Thịnh Đán, địa phương đã nhiều lần ra quân lập lại trật tự đô thị, nhất là tại khu vực cổng Bệnh viện A Thái Nguyên. Tình trạng này đến nay đã được cải thiện, song chỉ một thời gian sau đó, khi vắng bóng cơ quan chức năng, người dân lại bày bán công khai. Ông Nguyễn Hữu Quang, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng và giao thông TP. Thái Nguyên thì chia sẻ: Hiện, nhân lực của đơn vị rất mỏng, khi thực hiện nhiệm vụ phải phối hợp với các địa phương. Bên cạnh đó, các phường hầu như không có cán bộ chuyên trách nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn…

Nhiều người để hàng hóa trên bàn ghế tạm, xe kéo để thuận tiện rời khỏi địa điểm khi thấy lực lượng chức năng của TP. Thái Nguyên và chính quyền địa phương.

Nhiều người để hàng hóa trên bàn ghế tạm, xe kéo để thuận tiện rời khỏi địa điểm khi thấy lực lượng chức năng của TP. Thái Nguyên và chính quyền địa phương.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý đô thị, lập lại kỷ cương, văn minh đô thị, năm 2021, TP. Thái Nguyên đã xây dựng, đề xuất phương án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố. Theo đó, đối tượng nộp phí là các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời một phần lòng đường, lề đường, vỉa hè trên tuyến đường chính, trong các khu dân cư, đô thị vào mục đích kinh doanh, trông giữ xe có thu phí… Qua khảo sát, phương án này được chính quyền các phường cũng như đông đảo người dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, đến nay phương án này vẫn “án binh bất động”.

Về vấn đề này, kiến trúc sư Vũ Nguyên Bình, Trưởng Phòng tư vấn thiết kế số 5, Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng Thái Nguyên (TCICO) cho rằng: Việc thu phí đối với người buôn bán trên lòng, lề đường là biện pháp cần thiết để quản lý và duy trì hạ tầng đô thị. Tuy nhiên, để phương án này thực sự hiệu quả, cần đảm bảo việc thu phí minh bạch, công bằng và được người dân đồng tình. Các khoản phí thu phải được tái đầu tư vào việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải thiện giao thông và tăng cường dịch vụ công ích. TP. Thái Nguyên nên nghiên cứu, đánh giá những tuyến phố phù hợp, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật về hạ tầng giao thông nội thị, như: mặt đường, vỉa hè đủ rộng để cho người bán hàng và vẫn đảm bảo cho người đi bộ, không gây mất an toàn giao thông. Sau đó, thực hiện thí điểm ở 1-2 tuyến đường, dần dần sẽ triển khai nhân rộng.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tin-noi-bat/202406/xu-ly-lan-chiem-long-duong-via-he-van-loay-hoay-tim-loi-giai-fdd1aa6/