Xử lý lấn chiếm vỉa hè kiểu 'bắt cóc bỏ đĩa'
Do vỉa hè bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh, nên nhiều đoạn đường, người đi bộ phải đi xuống lòng đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Tương tự, tại các tuyến đường Bắc Sơn, Minh Cầu, Hoàng Ngân…, nhiều người cũng thấy phiền lòng bởi các hộ dân công khai bày bán hàng hóa tràn lan trên vỉa hè. Buổi tối, nhiều hàng quán kinh doanh ăn uống còn kê cả bàn ghế ra vỉa hè, khách vô tư xả rác, quán thì xả cả nước thải có nhiều dầu mỡ ra lòng đường... gây mất mỹ quan đô thị.
Do vỉa hè bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh, nên nhiều đoạn đường, người đi bộ phải đi xuống lòng đường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.
Thực tế, TP. Thái Nguyên đã không ít lần triển khai các chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Các loại bạt treo để che nắng, biển quảng cáo, nhiều công trình lấn vỉa hè đã bị dỡ bỏ. Tuy nhiên, sau khi lực lượng chức năng rút đi thì tình hình lại như... cũ.
Năm này sang năm khác, lực lượng chức năng đã tổ chức nhiều cuộc ra quân, xử lý những trường hợp vi phạm hành lang giao thông, lấn chiếm vỉa hè, đặc biệt là dịp chuẩn bị tổ chức những sự kiện lớn, nhưng việc này vẫn như “bắt cóc bỏ đĩa”.
Có một nguyên nhân căn bản là sự thiếu kiên quyết của lực lượng chức năng và việc quy hoạch, quản lý đô thị của chính quyền địa phương còn chưa khoa học. Cũng có nơi còn e dè, nể nang khi xử lý các hành vi vi phạm bởi liên quan đến sinh kế của người dân.
Để việc giành lại vỉa hè cho người đi bộ không rơi vào tình trạng "đánh trống bỏ dùi", “bắt cóc bỏ đĩa”, chính quyền cần có quy định rõ ràng về diện tích vỉa hè được sử dụng, cho các hộ kinh doanh ký cam kết nếu vi phạm sẽ bị thu hồi, xử phạt...
Về lâu dài, các cấp, ngành liên quan cần quan tâm hơn nữa đến công tác quy hoạch, có kế hoạch quản lý, sử dụng vỉa hè đối với từng tuyến. Việc lập lại trật tự vỉa hè cần gắn kết chặt chẽ với bảo đảm sinh kế lâu dài cho các hộ kinh doanh.