Xử lý 'mạnh tay' đối với những vi phạm trong kinh doanh hàng hóa phục vụ Tết Trung thu

Cục Quản lý thị trường tỉnh đã triển khai tháng cao điểm kiên quyết xử lý 'mạnh tay' đối với những hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng hóa phục vụ thị trường Tết Trung thu.

Các lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra hàng hóa phục vụ Tết trung thu.

Các lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra hàng hóa phục vụ Tết trung thu.

Thị trường bánh Trung thu bắt đầu sôi động, ngay từ đầu tháng 7 âm lịch, tại các siêu thị, các cửa hàng trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu bày bán, giới thiệu đa dạng các mẫu bánh Trung thu. Các quầy bánh Trung thu lưu động trên các tuyến phố được chuẩn bị rất sớm nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Đa số mặt hàng được nhiều người ưa chuộng vẫn là các loại bánh đến từ những thương hiệu lớn như: Công ty Bánh mứt kẹo Hà Nội, Kinh Đô, Bibica, Hữu Nghị… Bên cạnh đó, trên thị trường xuất hiện bánh trung thu do nước ngoài sản xuất, chủ yếu được bán online trên các trang mạng xã hội như Facebook, TikTok… có nguy cơ về vệ sinh an toàn thực phẩm, gây khó khăn cho công tác giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Ông Phan Thế Anh, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Trước những khó khăn kiểm soát thị trường bánh Trung thu, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã yêu cầu các Đội quản lý thị trường bám sát địa bàn. Trong thời gian trước Tết Trung thu yêu cầu giám sát, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu; phương tiện vận tải, địa điểm tập kết hàng hóa trên địa bàn quản lý; nội dung kiểm tra tập trung vào nguồn gốc nguyên liệu sản xuất bánh Trung thu; việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, kiểm tra chất lượng sản phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm.

Trong dịp Tết Trung thu, tập trung giám sát, kiểm tra các cơ sở kinh doanh, các đại lý, cửa hàng trong việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu. Trong thời gian sau Tết Trung thu, tập trung kiểm tra việc thu hồi và xử lý các sản phẩm hết hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng.

Những chiếc bánh Trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ được các cơ sở kinh doanh dán tem để đưa ra thị trường

Những chiếc bánh Trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ được các cơ sở kinh doanh dán tem để đưa ra thị trường

Thực hiện sự chỉ đạo của Cục quản lý thị trường, ngay từ tháng Bảy các đơn vị đã tổ chức giám sát quản lý địa bàn, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, thu thập thông tin để kịp thời triển khai vắc biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các sản phẩm được vận chuyển, tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Trung thu như: bánh kẹo, thực phẩm, rượu, bia, nước giải khát, đồ chơi trẻ em,...

Vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 4 - Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình đã kiểm tra cửa hàng kinh doanh thực phẩm Lương Vui do ông Vũ Đức Chỉnh, ở xóm 3, xã Hùng Tiến, huyện Kim Sơn làm chủ. Tại thời điểm Đoàn kiểm tra, cửa hàng đang bày bán 288 chiếc bánh Trung thu các loại, trên nhãn hàng hóa ghi bằng chữ nước ngoài. Chủ hộ kinh doanh không cung cấp được hóa đơn, chứng từ hoặc tài liệu kèm theo để chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm gần 10 triệu đồng. Lực lượng chức năng đã quyết định xử phạt hộ kinh doanh nói trên với mức phạt tiền 6 triệu đồng, đồng thời buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm theo quy định.

Thu giữ hàng hóa vi phạm tại cửa hàng kinh doanh thực phẩm Lương Vui (Kim Sơn).

Thu giữ hàng hóa vi phạm tại cửa hàng kinh doanh thực phẩm Lương Vui (Kim Sơn).

Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh cũng vừa tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Cửa hàng kinh doanh thực phẩm Chí Cường (hộ kinh doanh Mai Chí Cường) tại phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình đã phát hiện hàng nghìn chiếc bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cửa hàng đang kinh doanh hàng hóa là thực phẩm, gồm: 332 chiếc bánh Trung thu loại 500g/chiếc; 2.160 chiếc bánh Trung thu loại 40g/chiếc, 120 chiếc bánh Trung thu loại 66.5g/chiếc, 120 gói bánh Trung thu loại 180g/gói (6 chiếc/gói). Toàn bộ số hàng hóa trên không có nhãn hàng hóa, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chủ hộ kinh doanh là ông Mai Chí Cường không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa theo quy định.

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quyết định xử phạt hộ kinh doanh Mai Chí Cường về hành vi kinh doanh hàng hóa là thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ với số tiền 17 triệu đồng, đồng thời buộc tiêu hủy 3.332 chiếc bánh Trung thu các loại nói trên.

Bên cạnh các sản phẩm bánh Trung thu và nguyên liệu làm bánh…, Cục Quản lý thị trường tỉnh cũng tích cực phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng văn phòng phẩm và đồ chơi trẻ em, các cơ sở kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà hàng có sản xuất, kinh doanh bánh, kẹo nhân dịp Tết Trung thu. Việc kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền, giả mạo nhãn hiệu sản xuất, kinh doanh thực phẩm... sẽ bị xử lý nghiêm.

Thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Triển khai tháng cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp Tết Trung thu đến nay, Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình đã kiểm tra 34 vụ, xử lý 22 vụ việc, phạt tiền 115,1 triệu đồng, tịch thu tang vật vi phạm có trị giá 88,4 triệu đồng, gồm 1.119 sản phẩm đồ chơi trẻ em các loại; buộc tiêu hủy tang vật vi phạm có trị giá trên 84 triệu đồng, gồm 5.119 chiếc bánh Trung thu các loại và 300 sản phẩm là thực phẩm, thực phẩm chức năng.

Trong thời gian tới, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết Trung thu năm 2024 như: bánh trung thu, đồ chơi trẻ em, bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát…, đảm bảo thị trường ổn định, hàng hóa lưu thông bình thường.

Cùng với việc kiên quyết xử lý các vi phạm trong kinh doanh hàng hóa phục vụ Tết Trung thu, cơ quan chức năng ở địa phương khuyến cáo, người tiêu dùng nên lựa chọn sản phẩm theo các tiêu chí như: thông tin trên bao bì sản phẩm phải có tên, địa chỉ của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu; có ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản; bánh kẹo, thực phẩm không bị dập nát biến dạng, bao bì nguyên vẹn, không bị rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, không bị mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ. Đặc biệt, các "thượng đế" tuyệt đối không mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc xuất xứ, hàng hết hạn sử dụng, hàng hóa không có nhãn mác…

Bài, ảnh: Nguyễn Thơm

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/xu-ly-manh-tay-doi-voi-nhung-vi-pham-trong-kinh-doanh-hang/d20240912075429932.htm