Xử lý ngân hàng 0 đồng: Không sử dụng trực tiếp ngân sách

Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định, có nhiều biện pháp xử lý ngân hàng bắt buộc và các biện pháp này không sử dụng trực tiếp ngân sách Nhà nước.

Trong phiên chất vấn tại Nghị trường sáng nay (17/11), đáp lại ý kiến đại biểu Võ Thị Như Hoa (đoàn Đà Nẵng) về xử lý ngân hàng yếu kém, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, đã có nhiều biện pháp xử lý ngân hàng bắt buộc và các biện pháp này không sử dụng trực tiếp ngân sách Nhà nước và đã được quy định cụ thể tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

Đại biểu Quốc hội Võ Thị Như Hoa

Đại biểu Quốc hội Võ Thị Như Hoa

Không dùng trực tiếp ngân sách nhà nước

Ông Hưng nêu rõ: NHNN đã và sẽ thực hiện nhiều giải pháp, một trong số đó là hoàn thiện khung khổ pháp lý. "Việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng sẽ giúp NHNN có cơ sở xử lý vấn đề này tốt hơn".

Thống đốc Lê Minh Hưng cho hay, theo quy định trong dự luật đang trình Quốc hội thông qua tại kỳ này, với ngân hàng bị mua được phép bán nợ xấu cho VAMC, được hỗ trợ xử lý rủi ro, hỗ trợ của tổ chức tín dụng... nhưng không dùng trực tiếp ngân sách nhà nước. Luật quy định rất cụ thể về biện pháp hỗ trợ rất cụ thể trong luật để công khai, minh bạch.

Về ý kiến chất vấn của đại biểu Võ Thị Như Hoa về nguyên nhân do không tự kiểm tra, thanh tra nội bộ không phát hiện kịp thời dẫn đến ngân hàng bị định giá 0 đồng, ông Hưng cho rằng, hoàn thiện khung khổ pháp lý pháp quy, quản trị điều hành, ban hành luật sửa đổi là giải pháp đặc biệt quan trọng để thực hiện tốt hơn cơ cấu lại và an toàn hệ thống. Cùng với đó là kiểm soát kiểm tra nội bộ dựa trên chuẩn mực quốc thế, thanh tra kiểm soát ngân hàng...

Vừa qua, Thống đốc cho biết, nhận thức được rằng cần tăng cường quản trị rủi ro và phòng ngừa vi phạm, tới đây, NHNN sẽ tăng cường phối hợp Bộ công an trong xử lý vi phạm trong hoạt động ngân hàng. Vừa qua xử lý nghiêm và qua đó răn đe việc làm trái.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng

Ông Lê Minh Hưng cũng lưu ý: Trong đề án tái cơ cấu ngân hàng tới đây sẽ đưa ra 6 nhóm giải pháp, trong đó tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý, tăng cường thanh tra giám sát, cảnh báo sớm... Ông hy vọng những giải pháp này sẽ giúp quá trình cơ cấu lại hệ thống ngân hàng nhanh hơn, xử lý nợ xấu tốt hơn.

Huy động các nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư nước ngoài

Trước đó, chiều 16/11, đại biểu Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai) và đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Tiền Giang) cũng đặt câu hỏi với Thống đốc NHNN về các giải pháp đột phá để xử lý nợ xấu và thu hút đầu tư của các nhà đầu tư vào ngân hàng.

Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt

Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt

Thống đốc Lê Minh Hưng giải đáp: Việc đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, xử lý các ngân hàng yếu kém là một nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng nhà nước thực hiện trong thời gian vừa qua và chúng tôi rất nỗ lực. Vừa qua Ngân hàng nhà nước cũng là một trong những bộ, ngành từ năm 2016 đã tập trung xây dựng các đề án liên quan đến hệ thống ngân hàng, trong đó đề án quan trọng nhất là đề án xử lý các ngân hàng còn yếu kém.

Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu. Để xử lý nợ xấu thì việc đầu tiên và trên hết là phải tập trung để thực hiện thật tốt và có kết quả Nghị quyết 42 của Quốc hội. NHNN đã chọn 6 ngân hàng làm điểm từ nay đến cuối năm 2017 để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu để làm cơ sở nhân rộng ra đối với các tổ chức tín dụng còn lại, ông Hưng cho biết.

Thống đốc NHNN nêu thực tế: Nguồn lực từ ngân sách còn rất khó khăn, NHNN phải huy động các nguồn lực của xã hội nên phải có giải pháp huy động được các nhà đầu tư kể cả các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm năng về tài chính và năng lực quản trị điều hành để tham gia vào quá trình quản trị ngân hàng.

Nhưng muốn mời được các nhà đầu tư có năng lực, phải có khuôn khổ pháp lý đồng bộ với những giải pháp cụ thể để hỗ trợ cho việc tái cơ cấu. Việc Chính phủ và NHNN trình Quốc hội xem xét thông qua Luật Các tổ chức tín dụng là một trong những giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất để đảm bảo có đầy đủ quy định trong luật, minh bạch, công khai và đúng thẩm quyền của các cơ quan chức năng là cơ sở để có thể hoàn thiện các phương án và mời các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình xử lý các ngân hàng yếu kém, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định./.

Nam Sơn - Trần Ngọc/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/kinh-te/xu-ly-ngan-hang-0-dong-khong-su-dung-truc-tiep-ngan-sach-696533.vov