Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong công tác xây dựng pháp luật

Sáng 6/9, trình bày báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến Kỳ họp thứ 4, trên cơ sở phân công của Thủ tướng Chính phủ, các bộ có nhiệm vụ trình hoặc ban hành theo thẩm quyền 50 văn bản để quy định chi tiết 20 luật, nghị quyết đã có hiệu lực.

Kết quả, tính đến ngày 15/8/2023, đã có 37 văn bản được ban hành, trong đó, 9 văn bản được ban hành đảm bảo có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật. Đối với luật, nghị quyết hoặc nội dung giao quy định chi tiết chuẩn bị có hiệu lực, các bộ có nhiệm vụ phải ban hành hoặc trình ban hành 41 văn bản quy định chi tiết Luật Thi đua, khen thưởng, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sẽ có hiệu lực từ 1/1/2024 và Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực từ 1/1/2028.

Về công tác kiểm tra, xử lý văn bản, đại diện Chính phủ thông tin, từ đầu nhiệm kỳ (tháng 7/2021) đến ngày 15/6/2023, Bộ Tư pháp đã tiến hành kiểm tra theo thẩm quyền đối với 10.504 văn bản (gồm 1.122 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ; 9.382 văn bản của địa phương).

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày báo cáo tại hội nghị.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày báo cáo tại hội nghị.

Trên cơ sở kết quả rà soát văn bản do Tổ công tác và các bộ, ngành thực hiện trong các năm 2020, 2021 theo yêu cầu, chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đang tổ chức nghiên cứu, xử lý hoặc tham mưu xử lý theo quy định đối với 446 văn bản.

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, thời gian qua, Chính phủ ban hành Nghị quyết về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, "lợi ích nhóm", "lợi ích cục bộ".

Các bộ, cơ quan ngang bộ đã có chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng pháp luật. Công tác xây dựng pháp luật đã gắn kết hơn với công tác thi hành pháp luật, cải cách thủ tục hành chính. Tổ chức pháp chế phát huy tốt hơn vai trò đầu mối trong công tác xây dựng pháp luật, góp phần rút ngắn thời gian ban hành văn bản, nâng cao chất lượng công tác xây dựng và thi hành pháp luật...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số trường hợp khoảng thời gian từ lúc luật, nghị quyết được thông qua đến thời điểm có hiệu lực rất ngắn, không đảm bảo thời gian cần thiết để xây dựng ban hành văn bản quy định chi tiết có hiệu lực cùng thời điểm với luật, nghị quyết. Có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh công việc trong tham mưu xây dựng thể chế tại một số nơi.

Về nhiệm vụ xây dựng pháp luật, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng, ban hành 83 văn bản quy định chi tiết; khẩn trương ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 55 của Chính phủ quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế nhằm kịp thời tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.

Tiếp tục xác định triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung của luật, pháp lệnh, nghị quyết mới được ban hành; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Chính phủ đề ra giải pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan của Chính phủ, bảo đảm đúng quy định "chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung và tiến độ trình các đề án, dự án, văn bản pháp luật được giao".

Quang cảnh hội trường.

Quang cảnh hội trường.

"Để tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, "lợi ích nhóm", cơ quan chủ trì lập đề nghị, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cần kịp thời báo cáo, xin ý kiến cấp ủy, tổ chức Đảng về những chính sách quan trọng, định hướng lớn; đề cao trách nhiệm người đứng đầu và từng cá nhân, chú trọng tổng kết pháp luật, đánh giá tác động chính sách, lấy ý kiến, tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý, thẩm định; tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong công tác xây dựng pháp luật", Phó Thủ tướng nêu.

Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Chính phủ ngay từ giai đoạn đầu trong công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm tính khả thi các quy định giao quy định chi tiết trong các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết gắn với các điều kiện tối thiểu về thời gian, nguồn lực; giúp Chính phủ và các bộ tăng cường hoạt động giám sát đối với việc xây dựng và thi hành pháp luật, kịp thời phát hiện những nội dung trái pháp luật, những vi phạm trong thi hành pháp luật để kiến nghị các biện pháp xử lý phù hợp.

Quỳnh Vinh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/xu-ly-nghiem-cac-hanh-vi-vi-pham-trong-cong-tac-xay-dung-phap-luat-i706154/