Xử lý nghiêm các hành vi xả rác 'không đúng giờ, không đúng nơi quy định'
Từ ngày 1/1/2025, tất cả người dân phải chấp hành quy định của Luật Bảo vệ Môi trường là phân loại rác từ nhà, bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định… nếu vi phạm vứt rác bừa bãi sẽ bị xử phạt. Quy định là vậy, nhưng do rất ít trường hợp bị xử phạt nên vẫn còn một bộ phận người dân chưa có ý thức đổ rác đúng thời gian, đúng nơi quy định.
Liên tiếp trong 2 ngày 2 và 3/1, Ủy ban nhân dân (UBND) các phường Vĩnh Phúc, Ngọc Hà (quận Ba Đình) đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp vứt, thải, bỏ rác trên vỉa hè không đúng nơi quy định trên địa bàn. Hành vi vứt, thải, bỏ rác trên vỉa hè không đúng nơi quy định bị xử phạt hành chính là 1.500.000 đồng.
Điều đáng nói, các hành vi nêu trên không phải là cá biệt, mặc dù hầu hết các phường đều đã tiến hành tuyên truyền, thí điểm phân loại rác tại nguồn và nhiều người dân cũng đã hiểu rõ việc phải bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định nếu không sẽ bị xử phạt hành chính nhưng vì nhiều lý do nên vẫn “cố tình” vi phạm.
Là một trong những địa phương được đánh giá đi đầu và có nhiều nỗ lực trong việc thí điểm triển khai phân loại rác tại nguồn, xử lý các vi phạm đổ rác không đúng nơi quy định, tuy nhiên vì thiếu nhiều chế tài liên quan nên công tác giám sát, xử lý vi phạm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm vẫn gặp nhiều khó khăn.
Theo thống kê, năm 2024, thông qua các camera giám sát đặt tại các tuyến phố của 18 phường thuộc quận Hoàn Kiếm, đã có tổng cộng 182 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền 250 triệu đồng. Theo lãnh đạo một phường tại quận Hoàn Kiếm cho biết, hiện UBND phường chỉ có thể giám sát và lập biên bản đối với những hộ kinh doanh, cá nhân trên địa bàn trường hợp khách vãng lai thì rất khó để xử lý.
“Một số trường hợp dù bị bắt quả tang, lập biên bản nhưng không nộp phạt, rồi để có bằng chứng xử phạt phải ghi lại được hình ảnh, trong khi hành vi vi phạm diễn ra nhanh nên việc ghi hình không dễ. Đa phần các quyết định xử phạt hiện nay có đối tượng là người dân trên địa bàn, trường hợp khách vãng lai, người không có giấy tờ tùy thân thì khó lập biên bản để xử phạt”, vị này cho hay.
Ghi nhận công tác thu gom rác, tại 4 quận nội thành trong những ngày qua cho thấy, thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội đã xóa bỏ hoàn toàn điểm tập kết rác ban ngày trên địa bàn và chỉ thu gom rác một lần trong ngày, điều này đồng nghĩa với việc người dân phải tuân thủ quy định về thời gian và địa điểm đổ rác để đảm bảo không phát sinh rác ban ngày. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân vẫn duy trì thói quen bỏ rác như cũ dẫn đến tình trạng rác thải sinh hoạt bị vứt ngay chỗ đặt thùng thu gom trước đây.
Dẫu sao cũng phải khẳng định, bước đầu của việc làm này đã có kết quả nhất định khi góp phần nâng cao ý thức của người dân, của cộng đồng trong việc giữ vệ sinh môi trường, xóa bỏ được các điểm chân rác. Theo PGS. TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường đánh giá, đây chính là động lực thúc đẩy người dân và chính quyền địa phương tiếp tục quyết liệt hơn trong việc thực hiện xanh hóa phố phường, để Hà Nội thêm xanh, sạch, đẹp và văn minh hơn.
PGS. TS Bùi Thị An cho rằng, xóa được chân rác tự phát rồi nhưng để giữ không tái diễn vi phạm cũng không đơn giản. Để xóa triệt để chân rác, cần ra thông báo tuyên truyền việc xóa bỏ điểm tập kết rác, yêu cầu người dân thực hiện bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Đồng thời, chính quyền địa phương cần treo biển cấm đổ rác tại các chân rác, vận động địa bàn dân cư, trường học thực hiện xã hội hóa lắp đặt camera giám sát, sẵn sàng “phạt nguội” đối với các trường hợp cố tình vi phạm, cố tình bỏ rác không đúng nơi quy định.